Anh Bùi Văn Hải từng bỏ nghề báo, bỏ chức phó giám đốc để về quê nuôi ốc nhồi. |
Phó giám đốc nuôi ốc và những ngã rẽ bất ngờ
Anh Bùi Văn Hải (SN 1981, tại phố Phong Lượng, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) hiện đang sở hữu mô hình nuôi ốc nhồi không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho bản thân mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và giúp hàng trăm hộ dân địa phương cùng phát triển mô hình kinh tế.
Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Khoa báo chí, Trường Trung cấp Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa, anh xin vào công tác tại Đài Phát thanh huyện Thường Xuân (Thanh Hóa).
"Tôi rất yêu nghề báo nhưng ngày ấy đồng lương ít ỏi, gánh nặng kinh tế gia đình nên không thể theo đuổi được đam mê. Khi quyết định bỏ nghề báo, tôi đã trăn trở rất nhiều", anh Hải chia sẻ.
Hành trình đến với nghề nuôi ốc nhồi của anh Bùi Văn Hải có những ngã rẽ bất ngờ. |
Đến năm 2006, mặc dù đam mê làm báo nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập không đủ chi tiêu trong cuộc sống nên anh Hải đã đi đến quyết định bỏ nghề để vào miền Nam lập nghiệp. Tại đây, anh Hải và một người em cùng quê làm vệ sĩ. Không lâu sau, hai người ra Hà Nội thành lập công ty vệ sĩ, anh Hải đảm nhiệm chức Phó giám đốc công ty. Lúc bấy giờ, ai cũng nghĩ tương lai của anh sẽ gắn bó với nghề này.
Tình cờ trong một lần đi ăn cùng bạn bè ở một nhà hàng chuyên các món ăn đặc sản đồng quê, anh Hải phát hiện các món ốc nhồi ở đây bán rất chạy. Thấy thú vị, anh tìm hiểu thì thấy nguồn cung con ốc đang rất thiếu. Với bản năng nhạy bén của mình, anh quyết định đầu tư nuôi ốc…
Đặc biệt, sau những lần về quê, thấy đồng ruộng trù phú nhưng bà con canh tác không đạt hiệu quả, nhiều diện tích bị bỏ hoang, anh Hải thấy xót xa. Anh nung nấu ý định sẽ "hồi sinh" những vùng đất hoang để mang lại giá trị kinh tế.
Năm 2014, anh Hải bỏ ngang chức Phó giám đốc công ty vệ sĩ về quê, bỏ vốn thầu lại hơn 2 ha đồng chiêm trũng đào ao rồi thử nghiệm trồng mướp hữu cơ, kết hợp ao nuôi cá đào ao rồi thu mua ốc nhồi của bà con bắt tự nhiên đem về thả nuôi ở ao của mình.
Anh Hải chia sẻ: "Hồi đó, thị trường ốc nhồi không phát triển như bây giờ. Dù tôi có ý tưởng nuôi nhưng chẳng có chỗ cung cấp con giống với số lượng lớn nên tôi phải nhờ bà con ở quê đi bắt về, rồi mình thu mua, có bao nhiêu lại đổ vào ao nuôi, rồi nhân giống dần dần".
Theo anh Hải, những ngày đầu khi bắt tay vào trồng mướp, dù năng suất cây trồng tốt nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Cho đến khi tình cờ biết và chuyển sang nuôi ốc nhồi, hướng đi mới này thực sự mang lại thành công cho anh.
Khu nuôi ốc nhồi được đầu tư rất bài bản. |
Bén duyên với con ốc lập nên cơ nghiệp tiền tỷ
Lần đầu thử nghiệm, anh bỏ ra hơn 3 triệu đồng mua ốc nhồi của bà con bắt tự nhiên thả xuống ao nuôi cá của mình. Thế nhưng, ốc chuẩn bị thu hoạch thì bị chết. Suốt thời gian sau đó, anh liên tiếp thất bại, thậm chí là thua lỗ nặng. Không nản lòng, anh đi khắp các trang trại nuôi ốc trong tỉnh để học hỏi thêm kinh nghiệm...
Đến năm 2015, khi cảm thấy vốn kiến thức đã kha khá, anh "dốc túi" cải tạo lại ao, đầu tư nuôi ốc. Đồng thời, anh Hải cùng người em từng làm công ty vệ sĩ liên kết mở công ty chuyên cung cấp ốc thịt và giống. Doanh thu từ con ốc nhồi bước đầu đạt hơn 100 triệu đồng.
"Cho đến tận bây giờ tôi không nghĩ mình có thể vượt qua được thời gian vất vả đó. Có thời điểm thất bại và gần như trắng tay, gia đình bạn bè có can ngăn nhưng vì đã chọn rồi thì tôi quyết tâm làm đến cùng", anh Hải nói.
Theo anh Hải, ốc nhồi sau khi nuôi khoảng 3 tháng có thể thu hoạch. Mùa thu hoạch ốc nhồi bắt đầu từ tháng 6-12 âm lịch, mùa thu hoạch ốc giống bắt đầu từ tháng 4-10 âm lịch. Hiện, anh đang liên kết với nhiều người dân theo hướng cung cấp con giống và thu mua ốc thịt với số lượng lớn. Ốc sau khi thu mua về sẽ được cung cấp cho thị trường phía Bắc và miền Trung.
Để theo dõi quá trình sinh trưởng của ốc, anh Hải phân từng khu riêng cho ốc sinh sản, ốc giống, ốc thương phẩm. |
Anh Hải cho biết, mô hình ốc nhồi của anh đạt đỉnh từ năm 2017. Đến nay, anh đang sở hữu trại ốc rộng hơn 2,4 ha. Hiện, trung bình mỗi năm, anh Hải bán ra thị trường hơn 10 tấn ốc thịt, giá 70.000-100.000 đồng/kg và 1 triệu con ốc giống, giá bán từ 300-500 đồng/con, trừ chi phí anh thu về hơn 1 tỷ đồng/năm.
Năm 2018, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh Hải đứng ra thành lập Công ty TNHH Thiên Bảo. Mỗi năm, công ty của anh thu về trên 6 tỷ đồng, trong khi chi phí đầu tư chỉ khoảng gần 1 tỷ đồng. Nhìn thấy hiệu quả kinh tế từ con ốc nhồi, lại có anh Hải và Công ty TNHH Thiên Bảo là điểm tựa vững chắc, nhiều người dân trong và ngoài huyện đã đến học hỏi, phát triển mô hình nuôi ốc nhồi. Có hộ đang thử nghiệm với diện tích nhỏ nhưng có những hộ mạnh dạn đầu tư, phát triển với quy mô lớn.
Liên kết hình thành “tập đoàn nuôi ốc nhồi” điểm tựa cho nông dân
Sau nhiều năm nuôi và tích luỹ kinh nghiệm, anh Hải đã thực hiện được nhân nuôi ốc nhồi giống, vừa để có nguồn giống bảo đảm chất lượng phục vụ nuôi ốc nhồi thương phẩm của gia đình, vừa xuất bán ra thị trường. Anh dốc vốn cải tạo các ao thành các bể nuôi chuyên dụng, xây khu nhà màng cho ốc trú ngụ vào mùa đông.
Điểm ưu việt của nhà màng này là ổn định nhiệt độ cho ốc phát triển, khi thời tiết quá lạnh, nhiệt độ xuống thấp cũng không ảnh hưởng tới ốc. Nếu thời tiết rét đậm rét hại, có thể thắp thêm điện sưởi ấm. Vào mùa mưa, nhờ có hệ thống mái che nhà màng, nước mưa cũng không xối thẳng trực tiếp xuống ao nuôi làm thay đổi độ pH của nước. Anh Bùi Văn Hải cho biết, môi trường sống và thức ăn của giống ốc nhồi này phải sạch. Do đó, cần phải thường xuyên vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng vôi, men vi sinh.
Một điều đáng lưu ý là ốc nhồi ăn rất ít, nguồn thức ăn lại có sẵn trong tự nhiên như: Rêu, bèo tấm, các loại rau, cỏ... nên chỉ cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, tránh dư thừa, dẫn đến ô nhiễm môi trường ao nuôi. |
Trung bình mỗi năm, anh Hải bán ra thị trường hơn 10 tấn ốc thịt và 200 vạn ốc giống. Giá bán khoảng 80.000 - 120.000 đồng/kg ốc thịt, 500 đồng/con ốc giống, tùy thời điểm. Đa phần ốc thương phẩm sẽ được anh cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An... Ngoài sử dụng nguồn ốc tự nuôi, anh Hải còn liên kết, hướng dẫn nông dân địa phương cùng nuôi và bao tiêu đầu ra. Hiện có khoảng 30 hộ dân tham gia mô hình này.
Sau một thời gian kinh doanh, anh Hải nhận ra, nếu chỉ bán ốc còn sống thì trang trại khó mở rộng được thị trường, nhất là không thể đưa vào các siêu thị. Do đó, anh Hải đã nhập thêm máy móc, thiết bị để về chế biến ốc. Theo quy trình, ốc sẽ được tách vỏ, làm sạch, hút chân không, xử lý đông lạnh rồi đóng gói. Theo anh Hải, việc chuyển đổi mô hình này sẽ là bước tiến dài trong tương lai khi ốc nhồi của anh sẽ vào được các siêu thị.
Cũng theo anh Hải, ốc nhồi tuy không tốn nhiều công chăm sóc và thức ăn, nhưng có đặc tính ưa môi trường nước sạch. Người nuôi phải nắm được thuộc tính này, thường xuyên tạo môi trường sạch để con ốc sinh trưởng.
Ốc nhồi chịu nóng, lạnh kém, chỉ phù hợp phát triển và sinh sản trong điều kiện nhiệt độ từ 22-32 độ C nên anh Hải đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng nhằm hạn chế sự xâm nhập của dịch bệnh mà còn góp phần ổn định nhiệt độ, kiểm soát môi trường nước, giúp tăng khả năng sinh trưởng so với điều kiện ngoài tự nhiên. |
Không chỉ thành công với mô hình nuôi ốc nhồi, anh Hải còn giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại địa phương với mức lương từ 6-9 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nhờ việc liên kết nuôi ốc nhồi với anh Hải, hơn 300 hộ dân ở huyện Quảng Xương đã có nguồn thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm.
"Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi lợn, sau khi liên kết nuôi ốc nhồi với chú Hải thì kinh tế ổn định hơn. Tôi đã có 5 năm liên kết. Việc nuôi ốc có nhiều lợi thế vì nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, không tốn kém chi phí, cũng không lo đầu ra cho sản phẩm nên chúng tôi rất yên tâm", ông Hoàng Văn Hưng (SN 1969, trú thị trấn Tân Phong) chia sẻ.
Để sản phẩm ốc nhồi được đảm bảo chất lượng, anh Hải và các thành viên trong Công ty TNHH Thiên Bảo đã đầu tư đưa máy làm sạch, hút chân không, xử lý đông lạnh rồi đóng gói để đưa vào các cửa hàng, siêu thị. |
Ông Bùi Văn Giáp - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tân Phong đánh giá mô hình nuôi ốc nhồi của gia đình anh Bùi Văn Hải là một trong những mô hình điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương. Anh Hải đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn nhờ nuôi ốc nhồi. Nhờ chuỗi liên kết cung cấp con giống và bao tiêu đầu ra, nhiều bà con địa phương có nguồn thu nhập ổn định khi liên kết, hợp tác.
Nói về hướng phát triển mô hình nuôi ốc nhồi trong tương lai, anh Hải cho biết sẽ xây dựng một quy trình khép kín từ nuôi trồng đến chế biến các chế phẩm từ ốc nhồi đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn. Bởi, người tiêu dùng, nhất là ở thành phố đang hướng tới nông sản sạch, chỉ cần sản phẩm bảo đảm chất lượng thì giá cao hơn họ vẫn sẵn sàng chi. Quan điểm của anh là đầu tư vững chắc từng bước đảm bảo nghề nuôi ốc nhồi phát triển bền vững./.