Mô hình nuôi ốc nhồi cho lợi nhuận cao của gia đình ông Hoàng Văn Thụ, thôn Sơn Thượng, xã Thanh Sơn (thị xã Nghi Sơn). |
Biến khu đồng trũng thành trại nuôi ốc thu tiền tỷ
Sau thời gian nuôi thủ nghiệm ốc nhồi trong ao tại khuôn viên vườn nhà, năm 2020, gia đình ông Phạm Văn Thụ, thôn Sơn Thượng (xã Thanh Sơn, thị xã Nghi Sơn) đã dồn đổi và thuê thêm đất quanh nhà để hình thành trang trại nuôi ốc nhồi và trồng trọt theo phương pháp hữu cơ. Tổng diện tích cả đất nhà và thuê lên đến hơn 2ha, anh nuôi ốc kết hợp trồng trọt, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Chỉ hơn 2 năm triển khai mô hình kinh tế mới ra khu đồng trũng vốn hoang hóa, anh Thụ đã tạo được một cơ ngơi trù phú. Các loại cây ăn quả quanh khu trang trại cũng đã cho thu hoạch, những lứa gia cầm được nuôi kết hợp cũng sinh trưởng tốt trên vùng đất thoáng đãng.
Hiện mỗi năm, gia đình ông Thụ xuất bán khoảng 200 vạn con ốc giống, với giá 3 triệu đồng mỗi vạn nên thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn thu hoạch trung bình khoảng 6 tấn ốc thịt mỗi năm, cho tổng thu nhập đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, sau khi trừ công lao động và các chi phí khác vẫn cho lợi nhuận khoảng 60%.
Hiện nay, sản phẩm từ trang trại ốc nhồi này được các thương lái đến thu mua tận nơi, đóng thùng xốp gửi TP Thanh Hóa và tận Nghệ An, Hà Nội, nhiều thời điểm chưa đủ nguồn cung. Thành công của anh Thụ đã mở ra hướng phát triển con nuôi đặc sản mới có giá trị kinh tế cao tại địa phương, được một số chủ trang trại khác đến tham quan, về triển khai.
Ông Thụ luôn chủ động nuôi ốc giống để bảo đảm nguồn giống gối lứa, vừa giảm chi phí đầu tư, vừa kiểm soát được dịch bệnh. |
Bí quyết nuôi ốc nhồi thả đâu thắng đó
Với tư duy nhạy bén, ông Thụ không lệ thuộc mà chủ động nuôi ốc giống để bảo đảm nguồn giống gối lứa, vừa giảm chi phí đầu tư, vừa kiểm soát được dịch bệnh khi không phải mua con giống bên ngoài không thể kiểm soát mầm bệnh. Ngoài ra, anh còn gây giống để bán trong và ngoài thị xã Nghi Sơn. Ngoài khu nhà điều hành ven đường liên thôn, toàn bộ diện tích trang trại được gia chủ đào thành 24 ao hình chữ nhật chạy dọc, trong đó 22 ao để nuôi ốc thương phẩm, 2 ao chuyên ương nuôi ốc giống. Mỗi ao nuôi khoảng 300m2 mặt nước, có thể nuôi 20 nghìn con ốc nhồi.
Vùng bờ giữa các ao rộng chừng 4m được anh trồng dừa Xiêm tạo bóng mát, canh tác các loại rau màu và cây trồng hàng năm... Trên các ao, được ông chủ làm giàn trồng bầu và mướp, vừa bán quả, vừa là nguồn thức ăn dồi dào cho ốc.
Theo ông Thụ, ốc nhồi có đặc tính dễ nuôi, nguồn thức ăn vô cùng dồi dào, đều là các phụ phẩm tận dụng nên không mất tiền mua. Ngoài các loại rau thừa bỏ, bèo, có thể chặt củ chuối, bầu bí, mướp, các loại trái cây, thân khoai lang, thân và lá đu đủ, lá sắn...
Thậm chí, các loại cây cỏ dại vô khối quanh bờ và trong vườn như cây xuyến chi, có thể băm nhỏ, ủ men vi sinh tạo độ chua và mềm cho ốc ăn. Nguồn nước trong các ao chỉ cần không ô nhiễm các chất vô cơ là ốc sinh trưởng tốt. Để hạn chế các mầm bệnh, hằng năm anh thường cải tạo các ao bằng vôi bột, vớt bỏ tạp chất đáy ao.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng nhiều trại ốc nhồi trên ruộng trũng bỏ hoang cho hiệu quả kinh tế cao. |
Trên thực tế, ốc nhồi là loài sinh sống ở hầu khắp các vùng quê trước đây. Do môi trường sinh sống bị thu hẹp, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, ô nhiễm nguồn nước đồng ruộng... nên ốc nhồi ngày càng khan hiếm ngoài tự nhiên, ở nhiều nơi còn có nguy cơ tuyệt chủng trong diện hẹp. Nhu cầu sử dụng sản phẩm ốc nhồi làm thực phẩm cũng khá lớn, nhiều nhà hàng, quán ăn hiện nay vẫn duy trì món ăn này nên thị trường đầu ra khá rộng mở.
Lợi thế của người nuôi ốc là không bị áp lực đầu ra thời vụ như những con nuôi khác, nếu chưa bán được vẫn nuôi tiếp chưa cần thu hoạch để chờ thời điểm thích hợp. So với các trang trại nuôi lợn hay gia cầm, nuôi ốc nhồi gần như không gây ô nhiễm môi trường nhưng lợi nhuận không kém.
Từ chỗ chỉ nuôi ốc thử nghiệm trong ao nhà, ông Phạm Văn Thụ đã nhìn thấy hiệu quả kinh tế từ loài đặc sản này. Ông quyết định thuê vùng ruộng trũng hoang hóa và biến thành trang trại kết hợp trồng cây, nuôi ốc cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Tận dụng diện tích để thiết kế khu nuôi xen với trồng cây vừa có nguồn thu lại tạo bòng máy và thức ăn tự nhiên cho ốc. Nhờ đó vừa đảm bảo môi trường sạch, ốc phát triển trong khi chi phí thấp, lợi nhuận nuôi ốc đạt tới 60%./.