Trại ốc của Đỗ Ba Duy được đánh giá là một trong những cơ sở nuôi ốc lớn nhât tỉnh Ninh Bình. |
"Vua ốc nhồi" và những phen bầm dập
Trại ốc của Đỗ Ba Duy (ở phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp, Ninh Bình) được đánh giá là một trong những cơ sở nuôi ốc lớn nhât tỉnh Ninh Bình. Trang trại rộng hơn 2 ha, từ khu ấp trứng, qua khu ốc giống, ốc thương phẩm...
Tìm hiểu được biết, trước khi về quê nuôi ốc, anh Duy từng lăn lộn đủ thứ nghề nhưng chưa khi nào nghĩ sẽ quay về làm nông nghiệp. Không ngờ một lần lên tỉnh Tuyên Quang, biết đến mô hình nuôi ốc nhồi và món chả ốc vô cùng đặc biệt, anh đã ngay lập tức bị thu hút bởi con nuôi này.
Năm 2019, sẵn ruộng đất, ao hồ của bố mẹ, anh mua 2 vạn ốc giống về thả thử nghiệm, nhưng do không nắm chắc kỹ thuật nên 2 năm liền đều thất bại. Cứ nuôi được một thời gian là ốc bị bệnh, chết nổi đầy mặt nước. "Học phí" mỗi lần mấy chục triệu đồng, tuy có chút buồn, hụt hẫng nhưng Duy không nản lòng. Anh lại khăn gói đi khắp các trang trại to, nhỏ từ nam ra bắc, học hỏi thêm kỹ thuật.
Vừa đi làm Duy vừa lên mạng tìm hiểu cách nuôi và đi tham quan học hỏi các mô hình đã nuôi ốc thành công. Anh vay mượn góp được số tiền 20 triệu đồng đầu tư mua số lượng lớn ốc giống về nuôi. Kinh nghiệm chưa có, chỉ nuôi được thời gian ngắn ốc chết gần hết, số tiền vốn có được "đội nón ra đi".
Không nản chí, làm được đồng lương nào chàng trai 8X lại đổ vào mua ốc giống về nuôi. Anh dành trọn thời gian để mày mò tìm ra phương thức chăm sóc, nhưng ốc lại tiếp tục chết khiến anh trắng tay thêm một lần nữa.
Tưởng chừng sau 2 lần thất bại, Duy sẽ bỏ cuộc nhưng chàng trai quyết nghỉ làm công nhân, ở nhà nghiên cứu giải pháp nuôi loại đặc sản này.
Theo anh Duy, ốc nhồi khá dễ nuôi nhưng có 2 loại bệnh cần đặc biệt chú ý là bệnh sưng vòi và đường ruột. |
Đến năm thứ 3, Đỗ Ba Duy đã tập trung xử lý tốt vấn đề môi trường nuôi bằng cách rút hết nước trong ao, làm sạch bèo, cỏ; dùng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao, sau đó mới thả giống. Quá trình nuôi, chăm sóc, Duy sử dụng hoàn toàn rêu, bèo tấm, cỏ, lá sắn, lá mướp... từ tự nhiên để cho ốc ăn với lượng vừa đủ, để tránh dư thừa, gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.
Cần mẫn và nuôi sống được một số lượng nhỏ ốc qua mùa đông, năm đầu tiên anh Duy cho sinh sản và đã nhân dần lên đến cả vạn con. Anh cũng không ngờ tới, chỉ có số lượng ít ốc bố mẹ sau mỗi lần sinh sản ra bọc trứng mà nở ra cả nghìn ốc con. Năm 2022, sau hơn 2 năm thất bại, lần đầu tiên chàng trai Ninh Bình có ốc giống xuất bán ra thị trường.
"Năm đó, tôi bán được 40.000 ốc giống, 3 tấn ốc thương phẩm thu lãi được cả trăm triệu đồng. Cầm những đồng tiền kiếm được sau nhiều năm "đổ mồi hôi sôi nước mắt" mình mừng rơi nước mắt. Khi ấy, không nghĩ có thể kiếm được tiền từ loài ốc đã khiến mình thất bại hai năm qua", anh Duy nhớ lại.
Ngoài việc quản lý về thức ăn và môi trường ao nuôi, việc chăm sóc đàn ốc vào mùa nóng, mùa rét và quản lý dịch bệnh cũng được Duy hết sức quan tâm. Theo anh, ốc nhồi khá dễ nuôi nhưng có 2 loại bệnh cần đặc biệt chú ý là bệnh sưng vòi và đường ruột. Các bệnh này gây chết hàng loạt nên phải giám sát ao nuôi thường xuyên. Nếu quan sát thấy ốc có dấu hiệu bỏ ăn, vòi bị sưng to, có mùi hôi cần phải cách ly ngay để xử lý, tránh lây lan.
Nhờ nắm bắt, áp dụng bài bản, nghiêm ngặt các phương pháp, kỹ thuật nuôi nên từ năm thứ 3 Duy liên tục gặt hái được thành công. Có lãi, anh lại tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Từ 2 mẫu ao ban đầu, đến nay, mô hình của Duy đã mở rộng ra 2 ha.
Sau nhiều năm tìm hiểu, anh Duy nhận ra nuôi loài ốc này không khó, chỉ cần tỉ mỉ. Con ốc ăn uống không cầu kỳ, chỉ ăn lá bèo, lá sắn nhưng đổi lại phải chuẩn bị môi trường sạch sẽ. Khó nhất là nuôi ốc qua mùa đông, có bí kíp này thì sẽ thành công.
Từ đầu năm đến nay, trang trại ốc của anh Duy đã xuất bán ra thị trường 1 triệu ốc giống, 3 tấn ốc thương phẩm. Số tiền lãi thu được hàng trăm triệu đồng. Cũng từ đó, mọi người gắn cho anh biệt danh "vua ốc nhồi" hay "Duy ốc nhồi" Ninh Bình.
Giải bài toán đầu ra bằng món đặc sản từ ốc nhồi
Khi nắm chắc được quy trình nuôi và chăm sóc ốc, anh Duy trăn trở, nếu chỉ bán ốc giống và ốc thương phẩm thì giá thành không cao, lãi không nhiều do ốc thương phẩm khó vận chuyển đi xa.
Anh chia sẻ: Nếu chỉ bán ốc tươi sống nguyên con thì sẽ không bảo quản được lâu và khó vận chuyển nên vô cùng bị động và phụ thuộc vào khách hàng. Do vậy, chỉ có một con đường duy nhất là đưa ốc vào chế biến sâu.
Thế là Đỗ Ba Duy lại mày mò, nghiên cứu, tìm kiếm công thức, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để cho ra sản phẩm chả ốc nhồi ống nứa, đóng trong những gói nhỏ gọn theo dạng thực phẩm đông lạnh. Chả ốc này gồm có thịt ốc, giò sống, gia vị ớt, tỏi, gừng, sả, nấm hương, tiêu xanh, mắm cốt loại ngon… Tất cả được phối trộn theo tỉ lệ định trước thành nhân chả, sau đó nhồi vào các ống nứa thành những thanh chả xinh xắn.
"Ốc nhồi sau khi nuôi khoảng 4 tháng đạt trọng lượng 30 con/kg là có thể thu hoạch được. Khi bắt về, ốc được rửa sạch sẽ đem luộc, khêu lấy đầu. Thịt đầu ốc sẽ được xay miếng nhỏ rồi trộn với mọc lợn, gừng, sả, ớt, tiêu và gia vị rồi đem nhồi vào ống nứa (đã được vệ sinh sạch sẽ) hoặc cuốn lá lốt, hút chân không xuất ra thị trường", anh Duy chia sẻ.
Mô hình chế biến chả ốc của Đỗ Ba Duy và HTX ốc nhồi Ninh Bình đang tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương. |
Hiện nay, món chả ốc lá lốt và chả ốc ống nứa của anh Duy đã xuất bán cho nhiều nhà hàng, quán ăn, các cửa hàng nông sản sạch ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Mỗi tháng hợp tác xã của anh bán ra thị trường 6 tạ chả ốc, số tiền lãi thu được 30-50 triệu đồng/tháng.
Chàng trai đất cố đô tâm sự, quá trình nuôi ốc được anh thực hiện theo quy trình thuận tự nhiên. Vì thế, thịt ốc khi thu hoạch để làm ra món ăn đặc sản đảm bảo thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng. Quy trình làm món chả ốc cũng được thực hiện đảm bảo vệ sinh nên được nhiều khách hàng lựa chọn.
Tuy mới đưa ra thị trường nhưng nhờ hương vị thơm ngon, lại được sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có tem nhãn đầy đủ nên sản phẩm chả ốc của Đỗ Ba Duy được thị trường đón nhận tích cực. Để mở rộng sản xuất, đầu năm 2023, Đỗ Ba Duy đứng ra thành lập HTX ốc nhồi Ninh Bình để liên kết các thành viên nuôi ốc trên địa bàn tỉnh, tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ ốc. 6 tháng đầu năm, HTX đã sản xuất, đưa vào chế biến và cung ứng ra thị trường hơn 2 tạ chả.
Đỗ Ba Duy đang xây dựng chả ốc nhồi ống nứa thành sản phẩm OCOP. |
"Hai món ăn từ ốc nhồi mình đang làm hồ sơ dự OCOP (sản phẩm đặc trưng) tỉnh Ninh Bình. Khi 2 món ăn này được cấp chứng nhận, sắp tới mình sẽ tiếp tục nghiên cứu và cho ra các món ăn đặc sản khác từ con ốc nhồi do mình nuôi được như: ốc nhồi ốc, ốc quấn giấy bạc, thịt ốc đông lạnh hay xúc xích ốc nhồi…", anh Duy nói.
Hiện nay, hợp tác xã của anh Duy đang tạo việc làm cho 8 lao động địa phương với các công việc như nuôi ốc và chế biến món ăn từ ốc, lương bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Anh Duy tiết lộ, tới đây sẽ mở rộng diện tích nuôi ốc để tăng thêm thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương cùng tham gia mô hình nuôi ốc nhồi mà anh đang thành công./.