Philippines hiện đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. |
Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Philippines hàng năm đạt khoảng trên 200 tỷ USD. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Philippines đạt 199,47 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 73,52 tỷ USD, giảm 7,6% so với năm 2022, nhập khẩu đạt 125,95 tỷ USD, giảm 8,2% so với năm 2022, nhập siêu 52,42 tỷ USD, giảm 9,1% so với năm 2022.
Thị trường có nhiều tiềm năng
Philippines có quy mô dân số lớn, tính đến năm 2023 đạt khoảng 113 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới, thứ 7 châu Á, thứ hai trong Asean. Là hai nền kinh tế đang phát triển năng động tại khu vực, hai nước Việt Nam - Philippines có nhiều nét tương đồng, nhất là có thế mạnh trong sản xuất mang tính bổ sung cho nhau nên hai nước hiện còn rất nhiều dư địa để mở rộng hợp tác về kinh tế thương mại.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, hàng năm, tổng ngân sách quốc nội (GDP) của Philippines đạt khoảng 400 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt trên 3.500 USD. Hơn nữa, Philippines có quy mô dân số lớn (tính đến năm 2022, dân số của Philippines đạt khoảng trên 110 triệu người, là nước có dân số đứng thứ 13 trên thế giới, thứ 7 châu Á và thứ hai trong Asean) và do phân hóa xã hội nên người tiêu dùng có sự phân hóa dẫn tới nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ khá đa dạng.
Bên cạnh đó, thị trường Philippines không đòi hỏi quá cao hay quá khắt khe trong tiêu thụ các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Nhu cầu tiêu dùng trong nước đối với hàng hóa, dịch vụ lớn nhưng phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm nhập khẩu.
Từ những đặc điểm trên, cùng với các yếu tố khác như khoảng cách địa lý, nét tương đồng về văn hóa tiêu dùng... Tham tán Thương mại Phùng Văn Thành nhận định, Philippines đã trở thành một thị trường có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Cũng theo Tham tán Phùng Văn Thành, có khoảng 35 mặt hàng/ngành hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Philippines, bao gồm những mặt hàng/ngành hàng quan trọng như: Nông sản, thủy hải sản, bánh kẹo, thức ăn chăn nuôi, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, hàng dệt may, máy móc, thiết bị... Trong đó, hàng nông sản, đặc biệt gạo, luôn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Philippines. Trong những năm qua, Việt Nam xuất siêu sang thị trường Philippines.
Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Philippines, với lượng và kim ngạch xuất khẩu năm 2022 lần lượt đạt trên 3,2 triệu tấn và gần 1,5 tỷ USD, chiếm khoảng 85% trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines. Năm 2022, gạo xuất khẩu sang thị trường Philippines chiếm tới 45% về lượng và khoảng 43% về kim ngạch trong tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.
3 lưu ý đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa
Để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Philippines, các doanh nghiệp trong nước cần mở rộng, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu. |
Tham tán Thương mại Phùng Văn Thành cho biết, Việt Nam đang xếp cuối trong danh sách 10 đối tác thương mại lớn nhất của Philippines.
Với thị trường có nhiều tiềm năng như Philippines nhưng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn chưa cân xứng. Số lượng các mặt hàng xuất khẩu còn hạn chế, chỉ khoảng 35 mặt hàng, trong khi còn rất nhiều các mặt hàng có tiềm năng khai thác tại thị trường Philippines.
Ngoài ra, trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Philippines tỉ trọng mặt hàng nông sản lớn trong khi các ngành hàng khác manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm ít đa dạng. Chưa có sản phẩm, mặt hàng nông sản tươi sống (hoa quả, thịt) nào vào được thị trường Philippines mặc dù nhu cầu tiêu dùng rất lớn.
Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Philippines, Tham tán Thương mại Phùng Văn Thành đề xuất các mục tiêu và định hướng để khai thác thị trường tiềm năng này, cụ thể:
Một là, tiếp tục củng cố và giữ vững vị thế số 1 về xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường này.
Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành phân tích, mặc dù là quốc gia sản xuất nông nghiệp, trong đó có lúa gạo song nhiều năm qua sản xuất của Philippines luôn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Hàng năm, sản xuất nội địa của nước này đạt khoảng 19 - 20 triệu tấn thóc, tương đương khoảng trên 12,5 triệu tấn gạo. Trong khi đó, nhu cầu thàng năm khoảng trên 15,5 triệu tấn (bao gồm trên 14,5 triệu tấn tiêu thụ và dự trữ tối thiểu bảo đảm lương thực đủ cho 30 ngày khoảng trên một triệu tấn). Vì vậy, hàng năm, nước này phải nhập từ trên 2,5 - 3,5 triệu tấn gạo.
Từ năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành nhà cung ứng quan trọng, chiếm vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines. Hiện, gạo nhập khẩu từ Việt Nam đã chiếm tới hơn 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này.
Tham tán Thương mại Phùng Văn Thành xác nhận, gạo của Việt Nam có lợi thế phẩm cấp, giá phải chăng nên có tính cạnh tranh, phù hợp thị hiếu và có thể đáp ứng với nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt là tầng lớp dân cư đông đảo có thu nhập trung bình và thấp. Bên cạnh đó, nguồn cung ổn định, khoảng cách địa lý thuận tiện trong chuyên chở. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tiếp tục phát huy lợi thế này.
Hai là, các doanh nghiệp cần mở rộng cơ cấu mặt hàng và gia tăng kim ngạch, giá trị xuất khẩu. Hiện, mới có khoảng 35 mặt hàng/ngành hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Philippines, trong khi còn rất nhiều mặt hàng/ngành hàng có tiềm năng khác.
Bên cạnh đó, trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thì tỷ trọng mặt hàng nông sản lớn, trong khi các ngành hàng khác manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm ít đa dạng. Chưa có sản phẩm, mặt hàng nông sản tươi sống (hoa quả, thịt) nào vào được thị trường Philippines mặc dù nhu cầu tiêu dùng rất lớn. Vì thế, các doanh nghiệp cần lưu ý tới mục tiêu này.
Ba là, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tăng cường nhận thức của doanh nghiệp trong nước về tiềm năng thị trường Philippines.
“Đây là thị trường nhiều tiềm năng, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam còn ít quan tâm tới thị trường này, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tăng cường nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về tiềm năng thị trường Philippines, qua đó thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này”, Tham tán Thương mại Phùng Văn Thành nêu ý kiến.
Hoa Kỳ sẽ không ban hành biện pháp hạn chế thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam |
Quy định mới về xuất xứ hàng hóa |
Xuất nhập khẩu tăng mạnh trong ngày đầu năm mới |