Chị Lương Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tài Đức, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil (Đắk Nông). |
Chị Lương Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tài Đức, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đang kiên trì theo đuổi giấc mơ sản xuất cà phê sạch.
Chị Hương kể, sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, chị Lương Thị Hương đã quyết định thành lập Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tài Đức để hiện thực hóa khát vọng sản xuất, chế biến cà phê đặc sản chất lượng cao của mình.
Chị Hương cho hay, trước đây, nông dân ít chú ý canh tác để ra một ly cà phê chất lượng, uống ngon, mà còn phó mặc cho thời tiết. Giờ đây, nhu cầu tiêu dùng thay đổi nên chị quyết tâm thực hiện “cuộc cách mạng” để thay đổi tư duy từ canh tác cà phê truyền thống sang sản xuất cà phê sạch cho nhiều hộ dân trên địa bàn. “Trong quá trình canh tác, tôi cương quyết nói không với phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và chất kích thích tăng trưởng. Thay vào đó, quy trình sản xuất hữu cơ và thực hiện thủ công ở tất cả các khâu, giúp cây sống khỏe, đề kháng tốt, hạt cà phê sạch”.
Quá trình thu hoạch, chị Hương đã tận tình hướng dẫn bà con lựa trên 90% quả cà phê chín để hái, không thu hoạch những trái còn đang xanh và non, loại bỏ trái hư, trái lép. Sự kỹ tính này đã giúp cho chất lượng nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm cà phê của doanh nghiệp ngày càng đạt chuẩn.
Cà phê đặc sản của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tài Đức, huyện Đắk Mil hiện đang có mặt ở nhiều thị trường lớn trong nước nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng.
Để tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình, chị Hương luôn tranh thủ tham gia tất cả các triển lãm, hội chợ, cuộc thi cà phê đặc sản và sự kiện về nông nghiệp sạch, phân phối sản phẩm qua các đại lý, quán cà phê...
Giám đốc Công ty Lương Thị Hương cho biết, mỗi năm nhu cầu thị trường mỗi khác nên bắt buộc doanh nghiệp phải luôn có những thay đổi về công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm phù hợp. Nhiều lớp chế biến, rang xay nâng cao, bảo quản cà phê từ các chuyên gia đầu ngành được doanh nghiệp tích cực tham gia để trau dồi thêm kỹ năng, kinh nghiệm.
Cùng với nguồn vốn 380 triệu đồng của đơn vị, chương trình khuyến công sẽ hỗ trợ thêm 300 triệu đồng giúp doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất. Việc đầu tư thiết bị máy móc mới giúp sản lượng của cơ sở tăng lên gấp 4 lần so với trước đây. Độ chính xác khi phân loại hạt cao hơn so với làm thủ công.
Chị Lương Thị Hương, Giám đốc Công ty cho biết, có máy móc mới, mỗi giờ, cơ sở sẽ phân loại được gần 2 tấn cà phê, tăng gấp 5 lần so với trước. Chi phí sản xuất giảm mạnh. Ngoài ra, việc đưa thiết bị mới vào sản xuất sẽ giúp công ty giảm khoảng 80% công lao động. Giá trị sản phẩm ra thị trường tăng gấp đôi so với trước đây.
Nguyên liệu sản xuất được bà Nguyễn Thị Nụ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Nấm vàng và Hoa (Gia Nghĩa) nhập về từ các nước Nhật Bản, Mỹ, Pháp... |
Khởi nghiệp khi đã gần 60 tuổi, bà Nguyễn Thị Nụ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Nấm vàng và Hoa, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) đang ấp ủ đưa sản phẩm đông trùng hạ thảo 'Made in Đắk Nông' ra thế giới.
Có thời gian dài say mê với nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Nụ luôn khát khao đưa được công nghệ tiên tiến nhất vào trong quá trình sản xuất. Hơn hai năm, bà và gia đình đã dành trọn thời gian, tiền của để nghiên cứu cũng như chuẩn bị hành trang cho việc bắt tay vào dự án nuôi cấy đông trùng hạ thảo.
Bà Nụ kể lại quãng thời gian gần 8 năm về trước, tình cờ biết đến đông trùng hạ thảo như một dược phẩm tốt cho sức khỏe. Ngay lập tức, bà cảm thấy hứng thú và nảy ra ý tưởng nghiên cứu về sản phẩm mới này. Ý tưởng ấy, bà miệt mài theo đuổi trong nhiều năm tiếp theo.
Hai vợ chồng bà đã phải lặn lội lần tìm ra các địa chỉ từ đơn vị phân phối cho tới nơi sản xuất đông trùng hạ thảo ở khắp các tỉnh, thành như: Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ…
“Những năm 2016 – 2018, khi mới bắt tay nghiên cứu nuôi cấy, tôi gặp rất nhiều khó khăn, từ công nghệ, nguồn giống, quy trình đều phải tự tìm tòi, mày mò, học hỏi. Khi đó, nhìn những giá thể đông trùng hạ thảo nằm ngổn ngang, tôi vô cùng nản lòng. Không ít lần vợ chồng tôi muốn bỏ cuộc, rồi con cái “bàn lùi” vì quá vất vả. Tuy nhiên, may mắn là bản thân chưa bao giờ nghĩ mình sẽ từ bỏ tình yêu với đông trùng hạ thảo”, bà Nụ trải lòng.
Nhắc lại những ngày ăn ngủ cùng với những kệ giá thể đông trùng hạ thảo, bà Nụ chỉ tủm tỉm cười vì sự lựa chọn táo bạo nhưng kết quả nhận lại hơn sự mong đợi. Các sản phẩm đông trùng hạ thảo của công ty hiện có mặt tại nhiều đại lý trên toàn quốc.
Ngoài đông trùng tươi, sấy khô, công ty đang có sản phẩm rượu đông trùng. Năm 2021, hai sản phẩm này được chứng nhận OCOP 3 sao. Trong năm 2024, công ty phấn đấu nâng cấp sản phẩm lên OCOP 4 sao. Ngoài bán trực tiếp, sản phẩm còn được đưa lên các kênh thương mại điện tử và đang hướng tới xuất khẩu. Hiện sản phẩm đã tiếp cận được với khách hàng ở Mỹ.
Sản phẩm trà mãng cầu sản xuất theo phương pháp truyền thống kết hợp với hiện đại. |
Tại Cần Thơ, một nữ doanh nhân khác cũng đã sáng tạo, tận dụng lợi thế nông sản của địa phương để sáng tạo ra món trà mãng cầu tốt cho sức khỏe. Từ hai bàn tay trắng, chị Nguyễn Kim Nhiên (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) thành lập cơ sở năm 2017 và phát triển thành công ty vào năm 2019. Nữ giám đốc 8x cho biết, đến nay, sản phẩm trà mãng cầu Kim Nhiên đã có mặt ở 63 tỉnh/thành, các cửa hàng đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP…
Để tạo được chỗ đứng trên thị trường, chị Kim Nhiên cho biết: Chị sử dụng phương pháp sản xuất truyền thống kết hợp với hiện đại. Không chỉ chú trọng vào nguồn nguyên liệu sạch, công ty còn thiết lập quy trình sản xuất một chiều khép kín với các thông số kỹ thuật phù hợp cho từng giai đoạn chế biến. Nhiều máy móc thiết bị hiện đại và hoàn toàn tự động cũng được đầu tư hơn nhằm giữ nguyên các giá trị dinh dưỡng trong trái mãng cầu xiêm. Song song đó, chị Kim Nhiên còn chú trọng đầu tư bao bì chất lượng cao để sản phẩm trà dù không chứa chất bảo quản và phụ gia mà vẫn giữ nguyên hương vị. Trà mãng cầu Kim Nhiên được chứng nhận OCOP 4 sao.
Chị Mai Thị Ý Nhi kiểm tra sản phẩm bánh dừa nướng. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN |
Tại thành phố Đà Nẵng, có một nữ doanh nhân đang âm thầm phát triển các hương vị ẩm thực truyền thống của làng quê miền Trung để giới thiệu, xuất khẩu ra các thị trường trên 10 quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Hà Lan, Lào, Mông Cổ... Đó là chị Mai Thị Ý Nhi, chủ thương hiệu bánh dừa nướng đạt chứng nhận OCOP 4 sao của thành phố Đà Nẵng.
Sinh ra và lớn lên tại xứ dừa Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), từ nhỏ, chị Mai Thị Ý Nhi đã quen thuộc với những món ăn được làm từ dừa như: Bánh dừa nướng, bánh tráng dừa, bánh hồng, bánh in nhân dừa… Sau khi chuyển đến sinh sống tại thành phố Đà Nẵng, để phát huy tiềm năng về du lịch của nơi đây, vợ chồng chị Mai Thị Ý Nhi quyết tâm sản xuất, kinh doanh sản phẩm truyền thống phục vụ du khách quốc tế.
Chị Mai Thị Ý Nhi chia sẻ, vì muốn tận dụng nguồn nguyên liệu dừa dồi dào, sẵn có của quê hương xứ dừa Tam Quan nên hai vợ chồng đã quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu để phát triển sản phẩm bánh dừa nướng. Tuy nhiên, những sản phẩm ban đầu làm theo cách thủ công nên bị đánh giá là quá ngọt, quá cứng, rất kén khách hàng. Sau nhiều năm, cùng hàng trăm lần thử nghiệm, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng dây chuyền sản xuất hiện đại nên sản phẩm bánh dừa nướng Top Coco của chị Ý Nhi ngày càng hoàn thiện, thơm ngon, giòn tan, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm. Bên cạnh bánh dừa nướng hương vị truyền thống, chị Ý Nhi đã phát triển thêm các dòng bánh dừa nướng kết hợp thêm các hương vị mè (vừng), vị đậu xanh, vị đậu phộng, mật hoa dừa…
Từ năm 2016, hai vợ chồng chị Ý Nhi mở cơ sở sản xuất bánh dừa nướng đầu tiên tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Đến năm 2018, chị tiếp tục mở xưởng sơ chế dừa tại vùng nguyên liệu xã Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Năm 2021, khi đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu, vợ chồng chị quyết tâm mở thêm xưởng sản xuất tiêu chuẩn chất lượng cao tại xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Hiện nay, chị Ý Nhi đã thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mỹ Phương Food, với trên 100 nhân viên.
Các sản phẩm bánh dừa nướng Top Coco của chị Ý Nhi không chỉ có mặt hầu hết 63 tỉnh thành mà còn xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Lào, Mông Cổ, Pháp… Hiện, mỗi ngày, Công ty sản xuất được khoảng từ 2 đến 3 tấn thành phẩm, trong đó khoảng 50% là hàng xuất khẩu.
Để có thể xuất khẩu thành công, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm thì yếu tố “biết người, biết ta” là rất quan trọng. Như đơn hàng đầu tiên xuất đi Nhật, chị đã mất đến 9 tháng để thay đổi, cải tiến các thành phần nguyên liệu, mẫu mã cho phù hợp với yêu cầu của thị trường Nhật Bản, sau đó đối tác rất ưng ý và hợp tác cho đến nay.
Về kế hoạch phát triển trong thời gian tới, chị Mai Thị Ý Nhi cho biết sẽ tiếp tục tập trung mở rộng thị trường tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc vốn rất nhiều tiềm năng; đồng thời tích cực cùng các cơ quan quản lý tham gia các hội chợ thương mại quốc tế, để giới thiệu, lan tỏa các thương hiệu “Dừa Tam Quan”, “Đặc sản Đà Nẵng” đến với người tiêu dùng thế giới. Song song với đó là mở rộng diện tích nhà xưởng, tìm kiếm đối tác cung cấp nguyên liệu, ra mắt các sản phẩm mới để đẩy mạnh sản xuất, giữ vững và phát huy giá trị bánh dừa nướng Top Coco trong lòng người tiêu dùng…
Lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành của Đắk Lắk tham quan tại Khu chế biến yến sào tại Công ty Thành Dung. ẢNH VOV |
Một nữ doanh nhân khác đã kịp điền tên mình vào danh sách những doanh nghiệp có hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thi trường nước ngoài là chị Phạm Thị Phương Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Yến sào Thành Dung.
Lô hàng 300kg tổ yến, trị giá 12 tỷ đồng của công ty đã chính thức xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc hồi đầu năm 2024 là dấu mốc quan trọng, mang lại cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến tại Đắk Lắk.
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Yến sào Thành Dung có hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực dẫn dụ chim yến và mua bán tổ yến các loại. Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán và ký kết Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc xuất khẩu tổ yến, Công ty đã thiết lập hồ sơ xuất khẩu tổ yến. Đến tháng 11/2023, doanh nghiệp được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận.
Chị Phạm Thị Phương Dung cho biết, để sản phẩm tổ yến được xuất khẩu chính ngạch đã trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước. Trong đó, phải đáp ứng được yêu cầu về kiểm dịch, vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện đúng quy cách đóng gói, bảo đảm truy xuất nguồn gốc...
“Về lâu dài cho việc xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng thì chúng tôi muốn kết hợp lại với nhau để tạo dựng thương hiệu yến sào của Việt Nam đứng vững trên thị trường thế giới. Và muốn tất cả các doanh nghiệp đã được xuất khẩu cùng nhau hướng tới sản phẩm yến của Việt Nam được tốt hơn” - chị Phạm Thị Phương Dung nói.
Khởi động Dự án 'Thúc đẩy doanh nghiệp nữ Lào Cai mở rộng kinh doanh' |
Việt Nam có 2 đại diện lọt top 25 nữ doanh nhân quyền lực châu Á của Forbes |
Nữ doanh nhân nào giàu nhất sàn chứng khoán Việt? |