Nông nghiệp thiệt hại nặng nề
Tính riêng thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra ước tính cho các lĩnh vực về sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp) là trên 30.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% tổng thiệt hại về kinh tế.
Đó là thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, diễn ra sáng ngày 28/9.
Sau bão số 3, ngành chăn nuôi Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. |
Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt thiệt hại 25,1 tỷ đồng, bao gồm: 23,6 tỷ đồng vật tư (giống lúa 44,5 tấn; ngô tẻ 65 tấn; rau 2,1 tấn; phân bón; hóa chất....) và 1,5 tỷ đồng tiền mặt.
Lĩnh vực chăn nuôi thiệt hại 94,3 tỷ đồng, bao gồm 80,6 tỷ đồng đã hỗ trợ và 13,7 tỷ đồng các doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ thêm để khôi phục chăn nuôi.
Lĩnh vực thủy sản thiệt hại 89,8 tỷ đồng hỗ trợ bằng tiền mặt, giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ khôi phục sản xuất, nuôi trồng thủy sản.
Bão số 3, khiến ngành nuôi trồng thủ sản bị thiệt hại nặng nề |
Lĩnh vực lâm nghiệp thiệt hại 4,5 tỷ đồng, bao gồm cây giống và hỗ trợ tiền cho người lao động, hộ gia đình bị thiệt hại.
Lĩnh vực khuyến nông thiệt hại 3,5 tỷ đồng vật tư thiết yếu (chế phẩm vi sinh xử lý môi trường, đề kháng sức khỏe thủy sản, gia súc); các doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ giống rau, ngô phục vụ sản xuất cây vụ đông (khoảng 50kg giống rau/tỉnh và khoảng 1.000 kg giống ngô/tỉnh để triển khai tại 2-3 xã bị thiệt hại nặng).
Khôi phục sản xuất sau bão số 3 đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết
Nhiệm vụ khôi phục sản xuất sau bão số 3 đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tại Hội nghị về kêu gọi hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 21/9, dù vào cuối tuần nhưng rất nhiều DN trong ngành nông nghiệp đăng ký tham gia để đồng hành, hỗ trợ cùng người dân. Tính đến nay, ngành nông nghiệp nhận được gần 170 tỷ đồng từ các DN ủng hộ, hỗ trợ người dân bằng tiền, thức ăn, con giống, chất xử lý cải tạo môi trường… nhằm khôi phục, khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ.
Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung nguồn lực để khắc phục hậu quả bão số 3 |
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, bà con nuôi biển hiện nay gần như trắng tay sau bão số 3, nhất là các hộ nuôi thuỷ sản ở Vân Đồn (Quảng Ninh), phải làm lại từ đầu. Do đó, đây cũng là dịp Bộ NN&PTNT và địa phương tính toán giao mặt biển cho ngư dân lâu dài giúp bà con yên tâm đầu tư làm ăn bài bản, áp dụng công nghệ cao để tránh thiệt hại như vừa qua.
"Theo khảo sát của chúng tôi, các lồng nuôi bằng vật liệu mới (nhựa HDPE) thiệt hại không đáng kể, trong khi lồng tre, lồng gỗ bị mất tới gần 90%. Đây là lúc chúng ta xây dựng lại vùng nuôi trồng thuỷ sản bài bản hơn", ông Dũng nói và cho biết, Hiệp hội đã huy động hỗ trợ được gần 249 triệu đồng và số tiền này đã chuyển thẳng vào tài khoản của các DN, hợp tác xã ở Quảng Ninh bị thiệt hại.
Agribank sẽ giảm lãi suất từ 0,5 - 2% trên lãi suất đang áp dụng để hỗ trợ khách hàng. |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm nay, ngành nông nghiệp dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt từ 54-55 tỷ USD, đến hết tháng 8 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thuỷ sản đã đạt trên 40 tỷ USD, trong đó xuất siêu 11,8 tỷ USD. Thế nhưng thiệt hại do bão số 3 gây ra cho ngành vô cùng khốc liệt.
Để khôi phục sản xuất nông nghiệp, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chuẩn bị ban hành một nghị định mới về các chính sách hỗ trợ. Bộ đang phối hợp với các đơn vị xây dựng và đề xuất các giải pháp như hoãn, giãn nợ và có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình; tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản, chăn nuôi cũng như các lĩnh vực khác một cách bền vững hơn.
Trước lo ngại thiệt hại sẽ gây gián đoạn nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng khi các chính sách của Nhà nước được triển khai cùng với sự hỗ trợ của DN, hiệp hội ngành hàng về con giống, thức ăn, vật tư... chăn nuôi, thủy sản hi vọng sớm phục hồi để đảm bảo nguồn cung trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới.
Đối với rau màu và nhóm cây ngắn ngày thì có thể khẩn trương hỗ trợ người dân vốn, giống, để khôi phục sản xuất, chỉ khoảng 20-25 ngày là có thu hoạch. Song với cây ăn trái, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản thì cần thời gian để khắc phục, bởi có những nơi bị xoá sổ hết rồi nên lúc này càng hỗ trợ sớm càng tốt, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Agribank sẽ khoanh nợ cho khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3. |
Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngoài những chính sách mà Agribank đang áp dụng, trong cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đối với những địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên diện rộng, Agribank sẽ hướng dẫn khách hàng xác định thiệt hại, cùng với chính quyền địa phương để hoàn thiện hồ sơ, tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định khoanh nợ cho khách hàng.
Hiện nay, các tổ chức tín dụng cũng như Agribank đang áp dụng Thông tư 11/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu nợ cho khách hàng, chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Nghị định 55 và Thông tư 02/2023/TT-NHNN… Tuy nhiên, với bối cảnh thiên tai bất thường hiện nay, chắc chắn cần phải có chính sách phù hợp hơn. Đơn cử, Thông tư 02 có sửa đổi về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn, được áp dụng đến ngày 31/12/2024 và áp dụng cho các khoản giải ngân trước ngày 24/4/2023 thì cần điều chỉnh phù hợp trong điều kiện hiện nay, do những khoản vay giải ngân sau 24/4/2023 không được áp dụng cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Agribank dự kiến ngay trong tuần tới sẽ giảm lãi suất từ 0,5 - 2% trên lãi suất đang áp dụng để hỗ trợ khách hàng, tùy theo mức độ thiệt hại của từng nông hộ vay vốn. Trong trường hợp bà con đang có dư nợ tại Agribank, không may bị mất hết tài sản nhưng muốn tiếp tục vay thêm khoản mới để khôi phục sản xuất, thì Agribank hoàn toàn có quyền cho vay không có bảo đảm, tất nhiên chúng tôi phải quản lý và có cơ sở về nguồn thu của khách hàng. Song, mức vay và thời hạn vay chúng tôi sẽ dựa trên tình hình cụ thể, tính khả thi của phương án cho vay và nguồn thu của từng đối tượng để quyết định.