Các mặt hàng rau, củ quả, được bổ sung đầy đủ trên các kệ hàng tại siêu thị WinMart+. |
Bộ Công thương vừa ban hành Công điện về tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi).
Ghi nhận cho thấy trừ một số khu vực mà giao thông vẫn bị chia cắt sau lũ, nhu cầu hàng hóa thiết yếu tại thị trường phía Bắc đều đã được cung ứng đầy đủ với giá cả ổn định.
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ổn định giá cả
Trong những ngày qua, nhiều doanh nghiệp khu vực phía Nam đã tích cực tăng cường sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ổn định giá cả nhằm tiếp ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão.
Thông tin từ một số doanh nghiệp phân phối lớn như: Saigon Co.op, Wincommerce, Central Retail.., cho hay, các siêu thị đã tăng nhập rau củ, hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh miền Nam, Lâm Đồng để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, nguồn cung cho thị trường phía Bắc khá dồi dào. Nhà máy sản xuất của Vissan tại Bắc Ninh luôn sẵn sàng tăng ca; chi nhánh tại Hà Nội (quản lý hơn 110 nhà phân phối ở các tỉnh thành) đang hoạt động ổn định. Thêm nữa, Vissan luôn duy trì chính sách sản xuất với lượng tồn kho đủ cung ứng trong 10-20 ngày liên tiếp, nên không sợ thiếu hụt nguồn hàng.
Cùng với việc duy trì ổn định hoạt động cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo sinh hoạt cơ bản cho người dân vùng lũ, nhiều doanh nghiệp còn chung tay góp sức ủng hộ với những chuyến xe cứu trợ đến các tỉnh thành miền Bắc đang bị ảnh hưởng của bão số 3.
Theo đó, hàng ngàn tấn rau củ quả, thực phẩm các loại của những hệ thống phân phối cấp tập từ phía Nam liên tục đi xuyên đêm đến với bà con miền Bắc, chưa kể các nhà máy giết mổ, cung ứng thực phẩm tại nhiều khu vực khác trên cả nước cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng tăng ca, đưa hàng ra thị trường…
Đáng chú ý, cùng với nguồn hàng bổ sung dồi dào, một số doanh nghiệp còn thực hiện tặng sản phẩm, bán hàng không lợi nhuận dành cho bà con, tổ chức cứu trợ người dân vùng lũ.
Điển hình, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) vừa công bố triển khai chương trình "Hàng hóa không lợi nhuận dành cho bà con, các tổ chức cứu trợ vùng lũ", vừa giữ ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu tại 800 điểm bán của Saigon Co.op trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, tại thị trường phía Bắc, Saigon Co.op tiếp tục phối hợp với mạng lưới đối tác kinh doanh, cùng chia sẻ chi phí nhằm mang đến mức giá giảm tối đa cho nhóm mặt hàng thiết yếu trong mùa lũ gồm: rau củ quả, trái cây, nước tinh khiết, thực phẩm khô…
Saigon Co.op cũng kết nối với hợp tác xã, nhà vườn tại nơi tâm bão đi qua là hai tỉnh Hưng Yên và Hoà Bình hỗ trợ tiêu thụ 3,5 tấn chuối Viba với giá bán không lợi nhuận chỉ 24.900 đồng/kg, áp dụng tại hệ thống Co.op Food khu vực miền Bắc. Việc này góp phần san sẻ và đồng hành với người nông dân bị thiệt hại hàng trăm héc ta chuối do cơn bão số 3 gây ra.
Tăng cường sản xuất, thậm chí là tăng ca
Nhiều rau củ thế mạnh của Đà Lạt sẽ được Công ty Phong Thúy tăng cường cho phía Bắc - Ảnh: N.TRÍ |
Trước nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng cao trong những ngày sau bão, các DN ngành thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh cho biết đang tăng cường sản xuất, thậm chí là tăng ca. Tổng giám đốc Công ty Vissan, Nguyễn Ngọc An cho biết, nguồn cung cho thị trường phía Bắc không thiếu. Nhà máy sản xuất của Vissan tại Bắc Ninh luôn sẵn sàng tăng ca. Trong khi chi nhánh tại Hà Nội quản lý hơn 110 nhà phân phối ở các tỉnh thành đang hoạt động ổn định. Công ty duy trì chính sách sản xuất với lượng tồn kho đủ cung ứng trong 10 đến 20 ngày liên tiếp.
Tương tự, Giám đốc đối ngoại MM Mega Market Việt Nam, Trần Kim Nga cho hay, tại khu vực miền Bắc có các siêu thị MM Thăng Long, Hà Đông, Hồng Bàng (Hải Phòng), Hạ Long… và nhà bán lẻ đang tăng cường nhân sự cho các kho miền Bắc để ổn định việc cung ứng vận chuyển hàng.
Bà Lê Thị Giàu, chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Bình Tây (TP.HCM), nói đang lên kế hoạch "tăng ca" để đáp ứng lượng phở, mì, bún khô các loại... cho thị trường với giá bình ổn. "Hệ thống máy móc đủ công suất đáp ứng, lượng nguyên liệu dự trữ hiện có thể sản xuất được trong 3 - 4 tháng, nhân công có thể huy động thêm để tăng ca. Nói chung thị trường cần tới đâu chúng tôi sản xuất tới đó", bà Giàu khẳng định.
Ông Trương Tiến Dũng, phó chủ tịch thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, nói gần 1.000 hội viên chính thức và liên kết, trong đó có nhiều đơn vị sản xuất bún, mì, gạo, dầu ăn, sữa... quy mô lớn, đều khẳng định không thiếu hàng, cam kết bán giá bình ổn, thậm chí sẵn sàng "tăng ca" để sản xuất thêm 20 - 40% lượng hàng nếu thị trường cần.
"Lượng hàng tồn kho đang có, đúng vào thời điểm cuối năm chuẩn bị cho hàng Tết nên nhiều doanh nghiệp đang dự trữ lượng lớn nguyên phụ liệu có thể dùng trong 3 - 4 tháng. Do đó dễ dàng tăng lượng hàng sản xuất khi cần" - ông Dũng nói và cho biết hội đang khuyến khích các doanh nghiệp chủ động vận chuyển sớm hàng hóa hoặc ưu tiên lấy hàng tại miền Bắc để cung cấp hoặc hỗ trợ bà con cho kịp thời.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, khâu vận chuyển hàng ra Bắc và từ Hà Nội đi một số tỉnh vẫn đang gặp khó vì giao thông chia cắt. Do đó một số doanh nghiệp chọn vận chuyển hàng bằng đường thủy với thời gian kéo dài hơn.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi tình hình tại các địa phương và triển khai các phương án hỗ trợ cung ứng hàng hóa tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề do bão. Người dân được khuyến khích bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan chức năng và không tích trữ quá mức nhu yếu phẩm để ưu tiên cho những khu vực chịu thiệt hại nặng nề.