Bão số 3 Wipha sắp vào đất liền: Tác động chi tiết từng khu vực Bão Wipha áp sát đất liền, Hải Phòng – Hưng Yên – Ninh Bình là tâm điểm ảnh hưởng |
![]() |
Sóng biển Đồ Sơn dữ dội hơn trước giờ bão số 3 đổ bộ. Ảnh Ngọc Dương |
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết tâm bão số 3 đã đi vào đất liền lúc 10 giờ sáng, di chuyển từ khu vực ven biển Hưng Yên đến Ninh Bình. Sau khi đổ bộ, bão tiếp tục dịch chuyển theo hướng Tây Tây Nam và suy yếu dần trong chiều và đêm cùng ngày. Tuy nhiên, hoàn lưu bão vẫn gây ảnh hưởng lớn, đặc biệt tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, với lượng mưa phổ biến từ 100–200 mm, có nơi trên 300 mm. Trong khi đó, khu vực Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc Bộ sẽ có mưa giảm hơn so với chiều và đêm trước do vùng mây chủ yếu tập trung ở hoàn lưu phía Tây Nam của bão.
Cảnh báo cũng được đưa ra đối với khu vực phía nam Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Thanh Hóa, nơi có thể xuất hiện gió mạnh cấp 6-7 trong nội địa. Những cơn gió này rất nguy hiểm cho người dân lưu thông trên đường, có thể gây đổ cây, đứt dây điện, ảnh hưởng đến công trình dân sinh. Người dân cần hết sức cảnh giác với các hoạt động ngoài trời trong thời điểm này.
Dữ liệu từ ảnh vệ tinh, radar thời tiết và định vị sét vào sáng 22/7 cho thấy, vùng mây phía Bắc hoàn lưu bão số 3 đang bao phủ nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội như Sơn Tây, Tùng Thiện, Phúc Thọ, Thạch Thất, Hòa Lạc, Cổ Loa... Những vùng mây này tiếp tục hình thành và phát triển, di chuyển vào nội thành Hà Nội. Trong vòng 4 giờ tới, các phường như Việt Hưng, Bồ Đề, Hồng Hà, Ba Đình, Khương Đình có khả năng xảy ra mưa rào và dông mạnh, có thể mở rộng ra nhiều phường khác trong khu vực trung tâm thành phố. Hiện tượng dông kèm lốc xoáy, sét và gió giật mạnh có thể xảy ra trong thời gian ngắn, ảnh hưởng đến an toàn người dân.
![]() |
Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều phương án, huy động lực lượng, phương tiện, sẵn sàng phối hợp các đơn vị liên quan ứng phó hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị và an toàn cho người dân. Ảnh Thanh Hà |
Ảnh hưởng của bão còn lan rộng tới toàn vùng đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, kéo dài từ ngày 22 đến 23/7. Lượng mưa phổ biến từ 100–200 mm, cục bộ trên 300 mm. Các khu vực khác của Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa đến to, lượng mưa phổ biến từ 50–100 mm, có nơi trên 150 mm. Đặc biệt, cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ mưa lớn cường suất cao, có thể đạt trên 150 mm chỉ trong 3 giờ – ngưỡng có thể gây ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng tại các khu đô thị và vùng trũng thấp.
Dự báo từ đêm 23 đến ngày 25/7, Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi rất to. Trong các trận mưa dông có khả năng đi kèm với lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh, gây nguy hiểm cho người và tài sản.
Trước những diễn biến thời tiết phức tạp, ông Mai Văn Khiêm khuyến cáo người dân cần theo dõi sát các bản tin cảnh báo mưa dông và thiên tai từ cơ quan chức năng. Những hiện tượng như dông lốc, sét và gió giật mạnh có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng. Lốc xoáy thường xuất hiện cùng với các đợt dông lớn, trong khi mưa lớn kéo dài có thể gây ngập úng tại các tuyến đường trũng thấp, khu đô thị lớn. Khi có thông báo cảnh báo thời tiết nguy hiểm, người dân nên nhanh chóng di chuyển đến nơi trú ẩn an toàn, tránh các khu vực có cây cao, công trình không kiên cố hoặc khu vực có nguy cơ sạt lở. Chủ động ứng phó sẽ giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của trong những ngày mưa bão cao điểm.
![]() |
![]() |