Quảng Ninh tan hoang sau siêu bão Yagi. |
116.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng
Ông Tú cho biết khách hàng của các tổ chức tín dụng gồm doanh nghiệp, người dân tại 26 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do bão, dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ hay không đáp ứng các điều kiện vay vốn. Đến nay, thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước cho thấy có khoảng 116.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do bão số 3 với hơn 83.400 khách hàng bị thiệt hại.
Một số địa phương có dư nợ thiệt hại lớn gồm Yên Bái chiếm hơn 18,5% tổng dư nợ của địa phương, theo sau là Hà Nội (khoảng 11%), Hải Phòng (10,7%), Hải Dương (8,6%) Quảng Ninh (7%)...
Phó thống đốc ghi nhận nhiều ngân hàng đã nhanh chóng áp dụng các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng như giảm lãi suất cho vay, tăng quy mô gói hỗ trợ... Một số ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ tối đa tiền lãi cho khách hàng.
"Trong lúc khó khăn, các ngân hàng càng phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, nói thật làm thật, tránh tình trạng vay ưu đãi chỉ thấy trên tivi", ông Tú cho hay.
Các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão
Tại hội nghị, 16 ngân hàng thương mại đã báo cáo các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Phần lớn các nhà băng đều giảm 0,5-2% lãi suất cho cá nhân và hộ kinh doanh vay vốn chịu thiệt hại vì bão, áp dụng đến hết năm nay.
Đơn cử, Agribank đang giảm 0,5-2% một năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9 đến hết năm nay. Với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9 đến 31/12, khách hàng cũng được giảm 0,5% lãi suất cho một năm.
Vietcombank cũng giảm 0,5% lãi suất cho các khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh ở khu vực bị thiệt hại do bão. Chính sách này áp dụng cho dư nợ hiện hữu và vay mới từ 6/9 đến hết năm nay. Ngân hàng này ước tính gần 25.500 khách hàng với tổng dư nợ 160.000 tỷ được hạ lãi suất.
Tương tự, BIDV vừa ban hành gói tín dụng 200.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng cá nhân phục hồi kinh doanh, sản xuất sau bão, gồm cả cho vay ngắn, trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi hơn mức cho vay thông thường 0,5-2% một năm.
Về phía các ngân hàng tư nhân, một số ngân hàng đã giảm đến 50% tiền lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bão lũ. Đơn cử, SHB đã triển khai chương trình hỗ trợ bình quân 50% lãi suất phải trả từ 1/9 đến 31/12/2024. Khách hàng chịu thiệt hại nặng, gặp khó khăn trong khôi phục sản xuất có thể được hỗ trợ đến 100% lãi suất phải trả trong 4 tháng cuối năm.
TPBank cũng giảm tối đa 50% số tiền lãi phải trả hiện tại cho khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng do bão, lũ. Chương trình áp dụng từ nay đến hết tháng 10 với hạn mức lên tới 2.000 tỷ đồng. Ngân hàng này cho biết sẽ giữ cố định mức lãi suất giảm này đến ngày 31/1/2025.
Tại Sacombank, ngoài giảm đến 2% một năm lãi suất cho vay trên dư nợ hiện hữu hoặc dư nợ mới, nhà băng cũng giảm thêm 50% phí dịch vụ và miễn phí tất toán trước hạn.
Không chỉ nhà băng trong nước, ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay và tiếp tục cho vay mới khách hàng bị ảnh hưởng do bão. Mức giảm lãi suất tối đa 1% với doanh nghiệp và đến 1,5% với khách hàng cá nhân.
Phó thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị, chiều ngày 20/9. Ảnh: NHNN |
Sẽ có cơ chế giãn, hoãn nợ
Kết luận hội nghị, ông Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng chương trình hành động của ngành, trong đó có chỉ thị của Thống đốc về việc triển khai hỗ trợ bão lụt, dự kiến ban hành trong 1-2 ngày tới. Cơ quan này cũng sẽ sớm trình Chính phủ cơ chế về trích lập dự phòng rủi ro, làm căn cứ xây dựng chính sách riêng cho việc giãn, hoãn nợ cho những đối tượng bị thiệt hại do bão số 3. Cơ chế này vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa tạo hành lang pháp lý phù hợp cho ngành ngân hàng, đảm bảo an toàn và quản lý được rủi ro.
Phó thống đốc chỉ đạo các tổ chức tín dụng báo cáo thống kê và xác thực sớm nhất những thiệt hại của khách hàng, tránh tình trạng trục lợi chính sách, gây méo mó xã hội. Các nhà băng cũng cần triển khai chương trình hỗ trợ thống nhất và đồng bộ, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, nhất là với người dân đã mất trắng sau bão, giúp họ ổn định lại cuộc sống.
Thêm nữa, Ngân hàng Nhà nước sẽ có chỉ thị để toàn ngành tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ cho khách vay bị thiệt hại, nhất là những khách hàng bị mất trắng tài sản.
"Các chính sách, gói hỗ trợ mà ngân hàng đã công bố, cam kết là phải đi vào cuộc sống, vào người dân, doanh nghiệp - những khách vay bị thiệt hại. Vốn cho vay mới phải được triển khai khẩn trương, giúp người dân sớm khôi phục" - ông Tú nhắc lại công tác triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ và lưu ý thêm các ngân hàng cần linh hoạt khi cho vay.