Nhắc đến quả nhót, người ta lại nhớ về tuổi thơ với biết bao kỉ niệm. Quả nhót có mặt trong những buổi tụ họp bạn bè với chén muối ớt hấp dẫn, hay trên mâm cơm gia đình với món canh nhót đậm đà, nóng hổi.
Nhót có tên khoa học là Elaeagnus latifolia. Đây là một loài cây thuộc họ Nhót, được trồng để lấy quả ở khu vực miền Bắc nước ta.
Quả nhót có đặc điểm: hình bầu dục, vỏ có nhiều vảy. Nhót non có màu xanh, vị chua còn nhót chín có màu đỏ bắt mắt, vị ngọt.
Để tránh bị đau họng, trước khi ăn nhót, bạn nên dùng một miếng vải sạch, thô nhám chà hết lớp vảy trên vỏ. Sau đó, đem đi rửa sạch và chuẩn bị thưởng thức.
Cả 2 loại nhót xanh và đỏ đều là nguyên liệu của nhiều món ăn dân dã, thơm ngon.
Nhót xanh được ăn cùng với bắp cải, lá tỏi tươi, gừng, rau mùi rồi chấm với muối, đường, ớt bột hay bột ngọt. Với nhót chín đỏ, người ta thường dùng làm nguyên liệu để chế biến nộm, gỏi cá,...
Nhót chua ngon nhất là khi chấm cùng chẩm chéo, dầm muối ớt, dầm chua cay hoặc ngâm đường. Ngoài ra, bạn có thể dùng loại quả này để nấu canh chua.
Theo Đông y, quả nhót có vị chua và chát, tính bình nên không những không gây nóng, mà còn giúp chữa trị ho có đờm, hen suyễn,...
Tuy nhiên, loại quả này lại một lượng lớn vitamin C, nên nếu ăn quá nhiều, đặc biệt là ăn trong lúc đói sẽ rất dễ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá, bao gồm: đau bao tử, viêm loét dạ dày,...
Vì thế, bạn nên ăn nhót với số lượng vừa phải để tránh vấn đề này nhé.
Năm thứ ba bán món nhót xanh chấm chẩm chéo, chị Nguyễn Ngọc ở Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, năm nào cũng đắt khách đặt mua, có ngày bán được cả trăm set.
Theo chị Ngọc, do dịp Tết nhiều người đã ngán khi ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ, thịt cá nên món ăn với đủ vị chua, cay, chát, mặn, ngọt này được nhiều người rất thích.
“Nguyên liệu tạo nên món ăn nhót xanh chấm chẩm chéo chuẩn vị; ngoài nhót xanh và chẩm chéo còn cần có rau bắp cải, lá tỏi, rau mùi, gừng,... Mỗi set có khoảng 3-4 lạng nhót xanh, cùng tất cả các loại rau để cuốn kèm chẩm chéo, giá bán 40.000 đồng/set”, chị Ngọc cho biết.
Cũng theo chị Ngọc, nhót xanh chủ yếu được đặt mua từ Sơn La hoặc một số vùng quê, ngon nhất là khi nhót vừa đến tầm, không quá non và chưa vào hạt. Nếu quả nào có hạt thì vị chát sẽ nhiều hơn. Ai không thích nhiều vị chát có thể bổ đôi dọc quả nhót và bỏ hạt ở giữa đi.
Nước chấm ngon cũng là bí quyết để thu hút khách ở món ăn này, mỗi người bán sẽ có cách pha chế khác nhau từ nguyên liệu chính là chẩm chéo, hạt mắc khén, hạt dổi, ớt tươi, tỏi, gừng, rau mùi...
Riêng bắp cải, chị Ngọc dùng loại bắp cải xoăn vì loại này vừa giòn, vừa ngọt hơn bắp cải thường.
Đã đặt mua và ăn thử, chị Diệu Thu ở Hoàng Mai (Hà Nội) đánh giá, đây là món ăn có hương vị rất đặc biệt; khi cuốn kết hợp tất cả các loại ra cùng nhót xanh và chấm nước chấm chẩm chéo sẽ cảm nhận được đủ cả vị chua, cay, chát, mặn, ngọt,... thực sự khó tả; chị em nên thử một lần cho biết.
Với những ai thích ăn cay có thể thêm ớt tươi, mắc khén vào nước chấm thì cảm giác tê đầu lưỡi, vừa ăn vừa xuýt xoa trong tiết trời lạnh này thực sự rất tuyệt.
Lợi ích của quả nhót đối với sức khỏe
Theo Giáo sư Phạm Xuân Sinh, Đại học Dược Hà Nội thì quả nhót còn có tác dụng trị ho, khó thở, nhiều đờm.
Bạn có thể dùng quả nhót với lượng khoảng 6 - 12g/ngày, uống dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm, hay thuốc bột, tới khi các triệu chứng thuyên giảm. Bạn sẽ uống liên tục trong nhiều ngày đến khi bệnh thuyên giảm.
Ngoài ra theo Lương y Vũ Quốc Trung – Phòng chẩn trị y học cổ truyền Đường Láng cho biết trong đông y, thì trái nhót có vị chua, chát, tính bình, loại quả này có nhiều công dụng đối với sức khỏe như: Tốt cho phổi, đại tràng, cầm bệnh tiêu chảy, kiết lị, thổ huyết,..
Trong trường hợp tiêu chảy thì bạn lấy 6 – 7 quả nhót cùng, 10gr búp, 8gr nụ sim đem uống ngày 3 lần, mỗi lần 50ml nước thuốc, uống liên tục 2-3 ngày sẽ khỏi bệnh.
Lưu ý khi ăn quả nhót
Tuy quả nhót có thể giúp điều trị bệnh ho, sốt, hen suyễn nhưng nó sẽ gây ra một số tác hại nếu bạn dùng sai cách. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, cần lưu ý những điều sau đây:
Không nên ăn quá 10 quả/ ngày.
Không ăn khi đói. Hãy ăn sau bữa cơm khoảng 30 phút.
Nhớ loại bỏ vảy và rửa sạch trước khi ăn.
Quả, lá và rễ nhót đều được dùng làm thuốc. Phụ nữ mang thai không nên sử dụng thuốc được làm từ lá và rễ nhót.