![]() |
Cây chanh rừng mọc tự nhiên ở trên núi |
Cây chanh rừng là loại cây mọc tự nhiên ở trên núi. Chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Hà Giang, Yên Bái, Cao Bằng, Sơn La… Hiện nay, cây đã được nhiều hộ dân trồng, chăm sóc để thu hoạch lấy lá, quả.
Chanh rừng mọc lâu năm, quá trình sinh trưởng chậm so với cây chanh thường (trồng tại vườn). Lá cây có màu xanh, nhỏ, khi hoa nở sẽ tạo thành mùi thơm và thu hút được ong, bướm xung quanh, chanh rừng cũng mọc nhiều gai như chanh thường.
Kích thước của quả chanh rừng sẽ nhỏ hơn nhiều so với quả chanh thường. Có khi kích thước chỉ bằng quả quất (quả tắc). Khi xanh thì vỏ có màu xanh, khi chín thì vỏ sẽ chuyển sang màu vàng. Nếu bạn ăn chanh cả vỏ thì sẽ cảm nhận được vị ngọt, thơm và bùi. Nhưng nếu bỏ vỏ đi và chỉ ăn múi bên trong thì sẽ có cảm giác hơi chua. Chanh rừng có ít hạt, thường được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày hoặc trong các bài thuốc chữa bệnh.
Cây chanh rừng ra lá quanh năm nên mọi người có thể thu hái lá bất kỳ thời điểm nào. Nếu dùng lá chanh làm gia vị thì nên chọn lá vừa phải, không nên chọn lá quá non hoặc quá già. Còn dùng lá để làm thuốc thì sẽ thu hái theo mục đích riêng của mọi người.
![]() |
Tháng 5 đến tháng 10 hàng năm là thời điểm chanh rừng Mẫu Sơn vào mùa chín rộ |
Hoa chanh thường nở trong tháng 2 đến tháng 3 âm lịch thì đến khi độ quả, quả chanh phát triển thì vào khoảng tháng 7 đến tháng 9 mọi người có thể tiến hành thu hoạch. Tuy nhiên, cây chanh rừng có hình dáng thẳng, nhiều gai, tương đối cao, nhiều nhánh nhỏ nên khi thu hoạch cần phải dùng thang. Vì vậy công đoạn thu hái quả chanh rừng có phần khó hơn so với cây chanh thường.
Thời gian gần đây, loại chanh rừng nhỏ chỉ bằng quả quất, mùi thơm phức, dùng để ngâm đường phèn, muối hay mật ong trị các bệnh về họng, cảm lạnh lại bất ngờ tạo nên cơn sốt, được các chị lùng mua với giá khá đắt đỏ.
Chị Ngọc Hà ở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, dù không phải hàng mới lạ gì nhưng loại chanh này lại gây sốt, được chị em lùng mua rất nhiều.
![]() |
Chanh rừng Mẫu Sơn nhìn giống quả quất |
Chị Hà chia sẻ, chị là dân công chức ở Hà Nội nhưng quê ở Lạng Sơn nên biết bà con dân tộc người Dao ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) thường lấy quả chanh rừng ngâm với muối trắng hoặc mật ong có tác dụng tốt trong việc chữa trị viêm họng, chữa ho, chữa cảm lạnh. Ngoài ra, chanh rừng ngâm dùng làm món gia vị chấm thịt gà, vịt,... rất ngon. Hay, chanh rừng ngâm măng ớt chỉ thiên là món gia vị khoái khẩu trong bữa ăn của các gia đình trong món tiệc tại nhà hàng, khách sạn.
Thấy trên mạng nhiều người tìm mua chanh rừng về ngâm nên chị nảy ra ý tưởng bán online kiếm thêm. Bởi, bố mẹ chị sống ở Lạng Sơn nên việc gom mua chanh rừng cho chị không quá khó.
Lúc mới đầu bán chanh rừng, ngày chị bán được vài chục cân. Khách đặt đến đâu chị nhập hàng đến đó. Đặt hôm trước hôm sau hàng được chuyển xuống Hà Nội để giao cho khách luôn. Tuy nhiên, càng về sau khách đặt càng nhiều. Do đó, số lượng ban đầu từ bán vài chục cân đã tăng lên con số hàng tạ chanh rừng mỗi ngày.
“Khoảng 1 tháng nay, cứ trung bình mỗi tuần tôi bán 1-1,2 tấn chanh rừng với giá 130.000 đồng/kg, bởi chanh đã vào cuối mùa, hàng khan hiếm hơn nên giá tăng cao hơn đầu mùa”, chị nói.
Ghi nhận trên thị trường hiện nay, chanh rừng được nhiều cửa hàng bán với mức giá dao động từ 90.000-140.000 đồng/kg tuỳ thời điểm, tức giá đắt gấp khoảng 5-6 lần giá chanh thường cũng như chanh đào bán ngoài chợ. Một số nơi bán chanh rừng ngâm sẵn với giá bán một lọ ngâm đường phèn là 250.000 đồng, ngâm mật ong là 595.000 đồng.
![]() |
Chanh rừng thường được ngâm với đường phèn, muối hoặc mật ong |
Chị Minh Thuý (Phố Huế, Hà Nội), khách hàng năm nào cũng mua chanh rừng về ngâm cho biết, chanh rừng quả nhỏ chỉ bằng quả quất, giá bán thì phụ thuộc vào tuỳ loại chanh non hay già. Khi mua cần chú ý, nếu là già vỏ sẽ nhẵn và bóng hơn chanh non, giá cũng sẽ cao hơn.
Chị lưu ý, cần thận trọng không mua phải loại chanh rừng bị độn quất vào. Bởi với giá chanh rừng cao như hiện nay, không ít đầu mối vì hám lợi mà dùng quất độn vào chanh rừng.
Khi mua chanh rừng về ngâm đường hay ngâm mật ong thì ngâm theo tỷ lệ 1kg chanh ngâm với 1kg đường hoặc lít mật ong. Còn ngâm với muối trắng thì theo tỷ lệ 1kg chanh ngâm với 0,5kg muối, chị Thuý chia sẻ thêm.