e magazine
Quả dại xưa không ai ngó ngàng, nay trở thành đặc sản nổi tiếng ở Tây Nguyên

22/11/2022 11:50

Dọc các con đường trong các rẫy cà phê, hồ tiêu, du khách dễ dàng bắt gặp một loại cây mọc dại, có quả to bằng đầu ngón tay, màu xanh vân trắng, ruột nhiều hạt, phần cuống có nhiều gai nhọn, đó là quả cà đắng.
Loại quả dại xưa không ai ngó ngàng, nay trở thành đặc sản nổi tiếng ở Tây Nguyên

Quả dại xưa không ai ngó ngàng, nay trở thành đặc sản nổi tiếng ở Tây Nguyên

Dọc các con đường trong các rẫy cà phê, hồ tiêu, du khách dễ dàng bắt gặp một loại cây mọc dại, có quả to bằng đầu ngón tay, màu xanh vân trắng, ruột nhiều hạt, phần cuống có nhiều gai nhọn, đó là quả cà đắng.

Cà đắng trở thành đặc sản du khách nào cũng mong được thưởng thức

Từ xưa đến nay, trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, cà đắng là một nguyên liệu dân dã, đơn giản, dễ kiếm. Cà đắng mọc hoang dại rất nhiều ở nơi đây, trước giờ ít ai đoái hoài hoặc chỉ được số ít người biết đến. Thế nhưng giờ đây, cà đắng lại trở thành một đặc sản mà đến với Tây Nguyên du khách nào cũng mong được thưởng thức.

Loại quả dại này như được kết tinh từ khí hậu, thổ nhưỡng nên đã tạo nên một vị đắng rất riêng và rất đặc trưng. Những cây cà khác thì mọc thấp, còn cà đắng thì lại thường mọc rất cao. Quả cà có kích thước to bằng đầu ngón tay, có màu xanh vân trắng, ruột nhiều hạt, phần cuống có nhiều gai nhọn. Trái thường có vị đăng đắng đặc trưng. Cây trổ bông kết trái quanh năm.

Loại quả dại xưa không ai ngó ngàng, nay trở thành đặc sản nổi tiếng ở Tây Nguyên

Trước đây, loại cà này thường mọc dại nên còn được gọi là cà dại. Dần dần, loại cà này được người đồng bào đem về trồng xen trong những rẫy cà phê. Đến nay, cà đắng được nhiều hộ gia đình trồng để bán. Loại cà này mọc dại dọc theo các tuyến đường hoặc trên các ngọn đồi Tây Nguyên. Cây cà đắng thường cao quá đầu người với cành lá sum suê.

Tại Đắk Lắk nhiều món ăn độc, lạ gắn với quả cà đắng. Lâu dần, cà đắng như trở thành "thương hiệu" trong nhiều món ăn nơi đây.

Loại quả dại xưa không ai ngó ngàng, nay trở thành đặc sản nổi tiếng ở Tây Nguyên

Cà đắng được người dân chế biến thành nhiều món khác nhau. Đơn giản nhất là món cà đắng giã. Đây là món ăn đặc sản của người Êđê. Cà đắng mang về rửa sạch sau đó cắt thành từng miếng nhỏ. Một số nguyên liệu khác trong món này là cà chua rừng, chanh, rau ngò gai, ớt rừng. Cho tất cả nguyên liệu vào một cái ống nứa nhỏ rồi giã đều tay. Người Êđê còn thêm vào món ăn một ít lá “ắc” để tạo mùi thơm đặc biệt. Đây là loại lá quan trọng nhất để tạo nên mùi thơm ngon đặc trưng cho món ăn này. Có thể sử dụng món này làm gia vị ăn kèm với cơm.

Cà đắng giã có vị cay cay của ớt rừng, vị chua của chanh rừng và đăng đắng của cà. Nó rất thơm ngon và mang theo hương vị đặc trưng của núi rừng.

Loại quả dại xưa không ai ngó ngàng, nay trở thành đặc sản nổi tiếng ở Tây Nguyên

Gỏi cà đắng cá khô là một món ăn dân dã, rất dễ chế biến và thường được đãi trong các bữa ăn gia đình, các bữa tiệc gặp mặt hay bữa cơm gia đình.

Cà đắng hái về, cắt bỏ cuống mang xắt lát mỏng ngâm vào nước muối loãng để bớt vị đắng và bớt xỉn màu. Sau đó, được vớt lên để ráo nước và trộn cùng cá khô cơm chiên giòn, rau ngò gai kèm nước mắm tỏi ớt xanh đậm đà.

Khi ăn gỏi cà có vị nhân nhẫn đắng của cà, thơm của cá, mặn ngọt cay của nước mắm tạo nên vị rất đặc trưng, khó quên khi lần đầu thưởng thức.

Loại quả dại xưa không ai ngó ngàng, nay trở thành đặc sản nổi tiếng ở Tây Nguyên

Còn đối với món vếch - là món ăn độc đáo của người Ê đê, vếch được nấu từ một đoạn ruột non liền kề với bao tử của bò kèm gân, da, đuôi bò… nấu kèm với cả chục loại gia vị như gừng, sả, lá é, ớt hiểm, lá ngót rừng, tiêu xanh, hoa đu đủ đực, hạt kơ nia, sả cây... và đặc biệt không thể thiếu cà đắng.

Để chế biến món vếch không nặng mùi, người chế biến đã cẩn trong khâu chế biến, đoạn ruột non được chần nước sôi rồi rửa qua với nước muối. Vếch sẽ được đun trong lửa nhỏ liu riu nhiều giờ liền để miếng thịt vừa mềm vừa thơm, hòa quyện các gia vị.

Vếch bò thường được nấu trong những dịp trọng đại của người Ê đê để cúng thần linh, những tiệc lớn hoặc để đãi khách quý tới nhà. Vếch nấu chín khi ăn có vị đắng đặc trưng kết hợp hài hòa với vị chua thanh, chát, cay, ngọt và ăn kèm với một số loại lá rau rừng của Tây Nguyên.

Vếch ăn nóng kèm với cơm hoặc bún, khi ăn lần đầu thực khách sẽ thấy rất lạ lẫm nhưng khi đã quen miệng ắt hẳn sẽ là một trong những món ăn được nhớ tới đầu tiên khi quay lại Đắk Lắk.

Loại quả dại xưa không ai ngó ngàng, nay trở thành đặc sản nổi tiếng ở Tây Nguyên
Loại quả dại xưa không ai ngó ngàng, nay trở thành đặc sản nổi tiếng ở Tây Nguyên

Cà đắng xào thịt heo lại là sự kết hợp giữa vị cà đắng được phơi qua nắng cùng với cái béo ngậy của thịt heo, bùi bùi thơm thơm của đậu đen và cái giòn của nấm mèo.

Bên cạnh đó, món lươn ếch um cà dại thì phức tạp hơn trong khâu chế biến. Để làm được món này cần phải chẻ dọc trái cà làm 4 phần rồi rửa sạch. Lươn ếch làm sạch, cắt nhỏ. Sau đó ướp gia vị cho thật thấm. Trộn lươn ếch đã thấm gia vị với cà vào nồi rồi đặt lên bếp để nhỏ lửa.

Trước khi ăn nên cho thêm lá é, củ nén. Thông thường, nên chờ cho cà thật chín rồi tán nhuyễn ra. Làm như vậy thì khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được sự mịn màng béo ngọt của lươn trong vị đắng rất riêng của loại quả này.

Thêm một món ngon nữa được chế biến từ cà đắng đó là món cà đắng kho cá khô. Cá khô kho cho săn lại rồi cho những quả cà đắng đã bổ đôi vào. Người ta thường thêm chút cá mối và ớt tán nhuyễn để làm tăng hương vị của món ăn.

Loại quả dại xưa không ai ngó ngàng, nay trở thành đặc sản nổi tiếng ở Tây Nguyên

Nhờ vị đắng rất đặc trưng chỉ có ở vùng đất Tây Nguyên nên cà đắng có dịp “lên xe” đi khắp thành phố lớn phục vụ nhu cầu của thực khách hay theo bà con kiều bào làm quà độc của quê hương. Chị Đinh Thị Ngân, ở thôn Xuân Lạng 1, xã Ea Đắh, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) người chuyên hái cà đắng bán cho thương lái cho hay: Trung bình 1 tuần chị cắt 2-3 lần, mỗi lần 15-30 kg bán giá 15 nghìn đồng/kg bán cho mối trong huyện và 25 nghìn đồng/kg bán cho mối ở thành phố Hồ Chí Minh.

Loại quả dại xưa không ai ngó ngàng, nay trở thành đặc sản nổi tiếng ở Tây Nguyên

Để cà không bị dập, đen, thương lái thường gọi đặt trước để chị cắt và nhập trong ngày. Khi cắt phải cắt nguyên chùm, chọn chùm không quá non, cũng không quá già. Thời điểm hái trái cà đắng nhiều nhất là từ tháng 5 – 10 âm lịch, các tháng mùa khô cà vẫn có nhưng rất ít, thương lái đặt mua với 30 nghìn đồng/kg. Ngoài đi hái quanh đường, chị còn trồng cà đắng sau vườn để chủ động cung cấp khi thương lái đặt hàng. Dù cà mọc dại hay cà trồng thì vẫn có vị đắng như nhau bởi chúng mọc lên từ vùng đất đỏ bazan màu mỡ của Tây Nguyên.

Phạm Anh

Đồ họa: Minh Hồng