Cây năng- đặc sản trời cho, giúp nhiều nông dân có thu nhập khá. Ảnh: I.T |
Cây năng còn có tên gọi khác là năn bộp, năn ngọt hay là mã thầy…là một loại cỏ mọc hoang trên mặt nước. Năn bộp có tên khoa học là Eleochararis Dulcis, thuộc họ Cói. Cây năng là loại thực vật bản địa của Châu Á, Úc và vùng nhiệt đới Châu Phi.
Khi cái nắng hè bớt gay gắt, những cơn mưa rào kéo đến là một mùa năng lại bắt đầu. Người dân miền Tây lại chèo ra những cánh đồng ngập nước để thu hái “ lộc trời ” này. Cây năng không còn là loại cây mọc hoang vô nghĩa nữa. Giờ nó lại góp phần giúp bà con phần nào cải thiện thu nhập. Hình ảnh bà con ngâm mình trong con nước bạc nhổ từng bụi năng xanh mướt thật đẹp làm sao.
Tại Việt Nam cây năn thường phát triển và sinh trưởng tốt ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng nhiều nhất là ở Bạc Liêu và Sóc Trăng. Bà con ở đây thường hái chúng để ăn sống hoặc chế biến kèm các món ăn đặc sắc khác. Củ năng cũng là một món ăn được bà con rất thích.
Có hai loại năn: Năn kim và năn bộp. Năn kim cọng nhỏ, suông, màu xanh đậm, đầu nhọn như chông. Năn kim thường sinh sống ở vùng nước nhiễm phèn vàng. Năn bộp cọng tròn ( giống cọng hành ), mập, màu nâu non và bên trong rỗng nên đập kêu “bộp” ” bộp” rất vui tai. Năn bộp thường sinh sống ở vùng nước nhiễm phèn vàng.
Bạn dễ dàng bắt gặp những cánh đồng năn ngập nước mênh mông ở các tỉnh miền Tây. Khi nhổ cây năng lên, bóc tách lớp vỏ màu nâu bên ngoài sát gốc, bạn sẽ có được những đọt năn trắng mướt trông rất bắt mắt. Tụi trẻ chăn trâu thường ăn ngay luôn ngoài đồng vì chúng bảo lúc đó đọt năn rất thơm, ngọt.
Những đọt năn non mướt nhìn rất thích mắt |
Ngày xưa chúng chỉ là loại rau ăn cho qua bữa của dân nghèo nơi đây. Chính vì vậy mà chúng gắn liền với hình ảnh miền Tây những ngày còn lam lũ. Ngày nay người miền Tây bắt đầu biết làm kinh tế, thu nhập ngày càng cao và quá trình đô thị hóa phát triển làm cho hình ảnh những cánh đồng năn ngọt lùi vào dĩ vãng. Con người ta lại rất thích tìm kiếm lại những gì xưa cũ, những gì đã mất. Vì vậy mà cây năng vô tình trở thành một đặc sản được săn tìm.
Người dân miền Tây vẫn hay gọi đùa năn bộp là “lộc trời” mỗi mùa nước nổi. Cứ mỗi khi cái nắng gay gắt của mùa hè dịu bớt, những cơn mưa rào kéo về là bà con biết chuẩn bị một mùa năn mới bắt đầu. Mọi người rủ nhau chèo ghe ra nhổ những bụi năng xanh mướt lên để dành ăn một phần và phần còn lại bán cho thương lái. Năn được thương lái mua cũng rất có giá nên bà con ai cũng phấn khởi.
Mùa năn kết thúc là khi con nước rút ra khỏi ruộng. Bà con có thể đi nhặt củ năng còn sót dưới đất để làm một bữa thật ngon lành. Những củ còn lại qua năm mùa nước về lại mọc thành những bụi năn mới.
Các món ngon từ cây năng
Năn bộp xào tép
Về miền Tây ăn năn bộp thì không thể nào bỏ qua được món năn bộp xào tép được. Chỉ với những con tép tươi được xào cùng với những cọng năn bộp được cắt khúc vừa ăn là đã có món ăn dân dã miền Tây. Vị ngọt tươi của tép hòa quyện cùng với độ giòn giòn, sực sực của năn bộp sẽ tạo nên mùi vị đặc trưng cho món ăn.
Năn bộp bóp gỏi gà
Thịt gà thả vườn miền sông nước ngon số một, còn được kết hợp cùng với cây năng thì quả nhiên là một đặc sản của vùng miền Tây Nam Bộ. Phần thịt gà dai dai, ngọt thịt cùng với độ giòn giòn của thân thân năn cắt khúc và một ít nước mắm chua ngọt tạo nên hương vị đặc sản của người dân miền tây sông nước.
Dưa năn (năn muối chua)
Nhắc đến miền Tây thì không thể không nhắc đến những món dưa chua, đặc biệt là món năn muối chua. Người dân địa phương thường ủ chua phần thân năn để ăn từ từ, hoặc cũng có thể thay thế cho các món xào khác. Kết hợp dưa năn ăn kèm với thịt kho tàu ngày Tết có thể nói là ngon không cưỡng lại được.
Cỏ năn bộp nhún lươn nấu mẻ
Cỏ năn được sơ chế sạch sẽ, có độ giòn nhất định ăn cùng với phần thịt lươn được xào săn chắc sẽ tạo nên hương vị khó cưỡng. Chấm cùng với một phần cơm mẻ được chế biến và nêm nếm gia vị vừa ăn tạo nên một mùi vị khó quên khi đã thử qua món ăn này.