OCOP Ninh Bình - “Chìa khóa” đánh thức đặc sản, gìn giữ văn hóa Đặc sản vùng cao: Khơi thông điểm nghẽn, bứt phá thị trường Ve sầu – đặc sản lạ gây tranh cãi vì lý do ít ai ngờ |
Ngọt lành giữa thân dừa già cỗi
![]() |
Củ hũ dừa là món ăn yêu thích của người dân miền Tây. |
Nếu bạn từng một lần ghé miền Tây, đi qua những rặng dừa xanh bạt ngàn ở Bến Tre hay Trà Vinh, hẳn sẽ nghe kể về một món ăn dân dã nhưng lại được xếp vào hàng “cao lương mỹ vị” – củ hũ dừa. Đây là phần lõi non nằm sâu trong thân cây dừa, trắng tinh, giòn dịu, ngọt thanh, mang theo hương thơm thoang thoảng như sữa dừa non.
Khác với trái hay lá – những phần dễ hái – củ hũ dừa ẩn mình trong tim cây, chỉ có thể lấy được sau khi chặt hạ hoàn toàn thân dừa. Nghĩa là, cả vòng đời của cây phải khép lại để đổi lấy vài ký “thịt nõn” mềm ngọt. Chính bởi sự khan hiếm và công phu ấy, món ăn này từ lâu đã được xem là đặc sản “xa xỉ” – không chỉ vì độ ngon, mà còn bởi giá trị gắn liền với thời gian và công sức.
Người dân miền Tây thường chọn những cây dừa đã già, không còn cho trái hoặc thuộc diện cải tạo vườn để lấy củ hũ. Khi ấy, từng lớp bẹ dừa được gọt bỏ tỉ mỉ cho đến khi lộ ra phần lõi trắng ngà, tinh khiết. Củ hũ dừa có thể dài gần một mét, đường kính bằng bắp chân người lớn, nhưng lại mềm, giòn và dễ gãy nếu không cẩn thận khi chế biến.
Mỗi cây dừa chỉ cho ra khoảng 2–3 kg củ hũ, với dừa nước thì sản lượng còn khiêm tốn hơn. Bởi vậy, giá thị trường của đặc sản này thường dao động từ 200.000 đến hơn 300.000 đồng mỗi ký, và có thể tăng vọt vào dịp lễ Tết hoặc khi được xuất khẩu ra nước ngoài.
Người miền Tây có cách ăn củ hũ rất riêng: cắt lát mỏng ăn sống như rau, trộn gỏi với tôm thịt, hoặc chỉ cần chấm nước mắm chua ngọt là đủ để đánh thức mọi giác quan. Cái giòn thanh, béo nhẹ nơi đầu lưỡi khiến ai đã ăn một lần đều nhớ mãi. Trong các mâm cơm ngày giỗ hay đám cưới ở quê, món gỏi củ hũ dừa luôn được đặt ở vị trí trang trọng – như một lời nhắn nhủ thân tình từ đất đai, cây cối đến con người.
Đặc sản trong bữa cơm và cả trong tâm hồn
![]() |
Củ hũ dừa trắng nõn, có thể chế biến thành nhiều món ngon. |
Củ hũ dừa không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng. Giàu chất xơ, khoáng chất như sắt, magie, kẽm…, đây là món ăn sạch, phù hợp với các chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, người miền Tây vẫn truyền nhau một kinh nghiệm thú vị: ăn sống quá nhiều có thể cảm thấy “say nhẹ”, nôn nao – một dạng “say củ hũ” mà ai từng trải qua đều nhớ rõ. Từ một món ăn dân dã, củ hũ dừa dần xuất hiện trong những bữa cơm trọng đại. Người miền Tây có vô vàn cách chế biến món này: gỏi tôm thịt, xào tép, nấu canh chua, kho tương… Mỗi cách đều mang một hương vị riêng, nhưng điểm chung vẫn là giữ nguyên được cái giòn mát đặc trưng.
Chị Nguyễn Nguyên Gia Bảo (27 tuổi, quê Bến Tre, hiện đang sinh sống tại Đồng Nai) tâm sự: “Ngày xưa, chỉ khi cây dừa bị sâu ăn đọt hoặc đổ ngã thì người ta mới chịu chặt lấy củ hũ. Món ăn này tuy dân dã nhưng cực kỳ ngon, lại không phải lúc nào cũng dễ dàng có được để thưởng thức. Ở quê tôi, có một món bánh xèo củ hũ dừa rất nổi tiếng, đặc biệt được yêu thích vào dịp Tết Đoan Ngọ.”
![]() |
Bánh xèo củ hũ dừa thơm ngon. |
Chị Bảo kể tiếp, người Bến Tre thường dùng thịt vịt bằm nhuyễn, tôm tươi cùng củ hũ dừa thái sợi xào nhẹ làm nhân bánh. Phần bột bánh được hòa quyện cùng nước cốt dừa và nghệ, tạo nên lớp vỏ vàng óng, giòn tan hấp dẫn. Nhân bánh mang vị ngọt thanh, béo ngậy của củ hũ hòa quyện cùng hương vị đậm đà của tôm thịt, khiến món ăn không chỉ thơm ngon mà còn đậm đà, độc đáo đến khó quên. “Điểm đặc sắc tạo nên linh hồn của bánh xèo miền Tây chính là sự phong phú và tươi ngon của các loại rau ăn kèm,” chị Bảo chia sẻ.
Từ cải xanh, lá cóc, đinh lăng, lá xoài đến cả đọt bằng lăng – tất cả hòa quyện vào chiếc bánh xèo to ú ụ, chấm cùng nước mắm chua cay, tạo nên bức tranh ẩm thực dân dã mà đậm đà. Ngoài ra, gỏi củ hũ dừa cũng là món “quốc dân” ở miền Tây. Những sợi củ hũ trắng tinh được trộn cùng thịt ba chỉ, tai heo thái mỏng, tôm bóc nõn, rau răm, hành tây, thêm chút lạc rang bùi và phồng tôm giòn tan. Vị chua ngọt từ nước mắm hòa quyện khiến món ăn vừa thanh mát, vừa đầy đặn hương vị.
![]() |
Củ hũ dừa còn có thể xào cùng tôm tươi, cà rốt, nêm thêm nước dùng, dầu hào và gia vị. |
Củ hũ dừa còn có thể xào cùng tôm tươi, cà rốt, nêm thêm nước dùng, dầu hào và gia vị. Món ăn này đưa cơm đến lạ kỳ, chỉ cần thêm chút tiêu xay hay mắm ớt là hương vị đã được nâng lên một tầng mới – ngọt, thơm và đậm đà khó quên. Ngày nay, củ hũ dừa được sơ chế kỹ: gọt vỏ, rửa sạch, hút chân không để giữ được độ trắng nõn và độ giòn tự nhiên. Người dân địa phương còn truyền nhau mẹo nhỏ: cắt lát mỏng rồi ngâm vào nước đá pha chút chanh và muối để củ luôn tươi giòn như vừa mới cắt.
Hiện nay, giá củ hũ dừa dao động từ 80.000–120.000 đồng/kg tại miền Tây, và có thể lên đến 150.000 đồng/kg ở các thành phố lớn như Hà Nội. Nhờ đó, nhiều nông dân đã chủ động chuyển sang mô hình trồng dừa thu củ chuyên biệt. Những vườn dừa này được chăm sóc khoảng hai năm rồi thu hoạch củ, vừa giúp bảo tồn cây lấy trái, vừa tạo thêm nguồn thu nhập ổn định.
Củ hũ dừa là món ngon tưởng chừng đơn giản – thực ra là kết tinh của đất, nước, nắng gió và bàn tay cần mẫn của người miền Tây. Nó không chỉ là thực phẩm, mà còn là một phần ký ức – là mùi hương của tuổi thơ, là chiếc cầu nối giữa quê nhà và những người con xa xứ. Chỉ một lát củ trắng giòn, ngọt mát trong mâm cơm mẹ nấu, cũng đủ gợi về cả một miền ký ức dịu dàng.