Cá tép dầu khô sông Đà là một trong những đặc sản của huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La và hiện đang mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân ở đây.
Sau khi thủy điện Sơn La hoàn thành vùng lòng hồ thủy điện Sơn La mang lại nguồn thủy sản rất phong phú cho người dân huyện Quỳnh Nhai. Cá tép dầu trở thành một nguồn lợi mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây. Người dân Quỳnh Nhai đã chế biến thành cá khô vừa dễ ăn, dễ bảo quản và tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn.
Để chế biến cá tép dầu thành cá khô, cá sau khi đánh bắt về được rửa sạch, đánh sơ qua vẩy và lọc sạch ruột. Sau đó, cá được tẩm ướp các loại gia vị như: muối, sa tế, đường, ớt bột, vừng ... và phơi khô ở nơi thoáng mát.
Cá tép dầu khô là đặc sản của huyện Quỳnh Nhai, được bán với giá bán 200.000 đến 300.000 đồng/kg, nghề làm cá khô đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho các hộ tái định cư thủy điện Sơn La.
Cá tép dầu khô ở Sơn La ăn gần giống cá chỉ vàng tuy nhiên lại có vị thơm ngon khác lạ. Cá tép dầu sông Đà hiện nay đã và đang được người dân Quỳnh Nhai sơ chế, chế biến thành sản phẩm mới thu hút khách du lịch và cá tép dầu cũng là một món ăn không thể thiếu của đồng bào dân tộc Thái huyện Quỳnh Nhai.
Theo người dân địa phương, mùa bắt cá tép dầu kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Trước đây, cá tép dầu chù yếu để phục vụ sinh hoạt trong gia đình, song do số cá bắt ngày một tăng lên, nên bà con đã chế biến phơi khô cá để ăn và bán cho khách.
Vào sáng sớm, những chiếc thuyền chở cá tép dầu đánh bắt trên sông Đà tập trung ở chân cầu Pá Uôn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, để bán cho những đầu mối thu mua về làm cá khô.
Cá tươi thu mua tại thuyền có giá khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg. Trước kia cá rất ít, sau khi lòng hồ thủy điện Sơn La hình thành, tổng diện tích mặt nước tăng lên, cá sinh sôi nảy nở, đánh bắt được quanh năm.
Loài cá này không lớn, chỉ khoảng từ 2 đến 3 đầu ngón tay bởi vậy công đoạn chế biến, làm sạch rất kỳ công. Cá sau khi được rửa sạch, nhặt bỏ cỏ rác, đánh sơ qua vẩy và lọc sạch ruột. Cá nhỏ nên phải làm cẩn thận để cá không bị vỡ mật sẽ đắng, khi mổ người ta phải mổ từ dọc sống lưng để khi khô có được thành phẩm đẹp.
Sau khi được chế biến sạch trải qua công đoạn tẩm ướp, các gia vị như muối, tương ớt, sa tế, đường, bột nghệ… được trộn đều cùng cá cho ngấm, thấm vào từng thớ thịt. Công đoạn cuối cùng là đem phơi, ở những nơi thoáng mát, cao ráo. Hiện nay HTX Thái Tuấn, xóm 4, xã Mường Giàng, cũng đã đăng ký và đưa sản phẩm này vào bán và trưng bày tại gian hàng OCOP của huyện.
Với số lượng bán ra thường xuyên, cá tép dầu đã và đang được đánh giá là một trong những sản có thương hiệu ở huyện Quỳnh Nhai, được du khách trong và ngoài tỉnh lựa chọn làm món quà gửi tặng gia đình và bạn bè sau mỗi chuyến du ngoạn vùng sơn cước.
Cách chế biến cá tép dầu khô
Để mổ cá phải dùng dao nhỏ, sắc. Cá mổ từ lưng để khi phơi nhanh khô.
Mỗi mẻ cá khoảng 5 kg được rửa sạch cho ráo nước. Mùa cao điểm, các gia đình phải thuê thêm nhân công làm việc, mỗi người mổ liên tục cả chục cân mỗi sáng. Có gia đình mỗi ngày chế biến 2 tạ cá tươi.
Cá ráo nước tới đâu ướp gia vị tới đó bởi tép dầu thân mỏng nên khi mổ xong phân hủy rất nhanh.
Gia vị chính là ớt tươi, đường, muối và sa tế. Tất cả được ướp trộn trong 15 phút, sau đó đem phơi nắng.
Thời tiết Sơn La thuận tiện cho việc phơi cá bởi ban ngày nắng gắt, đêm lạnh. Cá đem phơi chỉ sau hai nắng là được.
Hàng nghìn con cá được phơi thủ công để “no nắng” không bị vón cục, có màu vàng đẹp.
Cứ 5 kg cá tươi chế biến được một kg cá khô. “Với cách chế biến tép dầu khô đặc trưng của vùng đất này, người thưởng thức sẽ thích thú bởi hương thơm, độ ngậy, vị ngọt, cay… đan xen trong những thớ thịt trắng ngần của cá”, Mề Thị Duyên xã Chiềng Bằng nói.
Nghề làm cá khô mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân kể từ khi họ di dời để tích nước cho thủy điện Sơn La.