Sâm nam núi Dành thuộc dạng dây leo, dễ khai thác và rất quý hiếm |
Sâm núi Dành có nguồn gốc từ hai xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Di truyền nông nghiệp, một số nhóm chất chính trong mẫu củ và hoa sâm có chứa các chất gồm saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin, saccharid, hàm lượng saponin của cây sâm Nam núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc.
Tuổi của cây sâm càng cao thì hàm lượng các hoạt chất này càng cao, giá trị kinh tế càng cao. Hoạt chất Saponin trong sâm có tác dụng dược tính cung cấp nhiều dưỡng chất quý cho cơ thể như axit amin, vitamin, khoáng chất, dầu thơm… giúp tăng cường sinh lực, tăng khả năng miễn dịch, ngăn ngừa lão hóa, làm long đờm, chữa ho...
Tính đến hết năm 2022, tổng diện tích sâm toàn huyện Tân Yên đạt 71,5 ha (riêng năm 2022 diện tích trồng mới là 47,5 ha), tập trung tại các xã Liên Chung và Việt Lập.
Năm 2022, sản phẩm củ sâm đã được thu (từ 3-5 năm tuổi) khoảng 3,7 tấn, giá bán từ 1,5-2 triệu đồng/kg; hoa sâm khô đạt 5,5 tấn, giá bán từ 0,8-1 triệu đồng/kg; hiệu quả kinh tế đạt hơn 6 tỷ đồng/ha/chu kỳ sản xuất.
Các sản phẩm được chế biến từ sâm núi Dành bao gồm: Rượu sâm từ củ và hoa, trà hoa sâm, tinh chất sâm thượng hạng Star SaViNa, trà sâm dạng hòa tan, dầu gội thảo mộc sâm, trà sâm Tây Yên Tử, thuốc viên sáng mắt sâm Nam núi Dành, nước uống tăng lực sâm Nam núi Dành,…
Tại huyện đã hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ sâm Nam giữa nông dân với DN, HTX trong và ngoài tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung cho biết, sâm trồng sau gần 1 năm bắt đầu ra hoa. Vụ hoa sâm Nam kéo dài từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 10. Cây trồng đạt 4 tuổi trở lên sẽ cho năng suất tương đương 40 kg khô/sào. Chỉ tính tiền bán hoa sâm, người trồng thu về hàng trăm triệu đồng/ha/năm (tùy chất lượng sản phẩm).
Hoa sâm Nam núi Dành hiện trở thành đặc sản được chế biến thành sản phẩm Trà nụ hoa sâm Nam núi Dành - thức uống thanh nhiệt, bổ mát rất có giá trị. Trà nụ hoa sâm Nam núi Dành đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của Bắc Giang năm 2022.
Củ sâm trên tay ông Viên đang cầm có giá trị cao nhất, khoảng 2,2 triệu đồng/kg |
Cựu chiến binh Dương Văn Viên (68 tuổi), thôn Lãn Tranh 1, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, Bắc Giang là người sở hữu vườn sâm nam rộng gần 6.000m2 với trên 8.000 gốc.
Tính nhanh, ông Viên thu về 300 triệu đồng từ hơn 3 tạ hoa khô/năm. “Trước đây, năng suất không cao do trồng xen canh với cây ăn quả như nhãn, bưởi, vải… Sau này, tôi chỉ trồng sâm, chăm bón đầy đủ hơn, cây sống khỏe, không sâu bệnh”, ông cho biết.
“Trồng cây khác thì thu nhập không cao, nhiều rủi ro dịch bệnh, được mùa rớt giá. Ví dụ trồng lúa, một tạ thóc chỉ bán được 600.000 - 700.000 đồng. Trong khi đó, củ sâm đẹp đã bán được 2 triệu. Củ vừa bán 1,2 triệu, củ nhỏ cũng được 500.000 - 700.000 đồng.
Như vậy, một cân sâm đã bằng mấy cân thóc. Để lấy ngắn nuôi dài khi chờ cây sâm đủ lớn để lấy mẫu, kiểm định chất lượng (khoảng 5 năm), người trồng đã có nguồn thu từ bán hoa sâm. Hoa sấy khô bán được khoảng 1 triệu đồng/kg. Hoa sâm tươi ít hơn, khoảng 60.000 đồng/kg”, ông Viên nói.
Gần đây, cây sâm nam giống của người cựu chiến binh này đã được chuyển đi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Bến Tre, Gia Lai, Tây Ninh. Giá cây giống khoảng 35.000 đồng/cây.
Theo ông Viên, sở dĩ sâm giá cao như vậy là do cây được chăm bón bằng phân hữu cơ, không phun thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng hoạt chất saponin cao rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, cây sâm không bị chuột cắn phá như khoai, sắn.
Việc trồng và chăm sóc không khó, cây lớn từ bầu đất sỏi, lưu ý cung cấp đủ nước và phân bón hữu cơ trong năm đầu tiên và thường xuyên nhổ cỏ.
Điện Biên: Tận dụng lợi thế, nhận chuyển giao công nghệ trồng sâm từ Hàn Quốc |
Hội chợ sâm Lai Châu nơi lan tỏa giá trị cây tiền tỷ |
Tại sao hạt sâm Ngọc Linh có giá tới 240 triệu đồng/kg |