Sâm Lai Châu mở hướng làm giàu cho nông dân miền núi Sắp diễn ra Hội chợ sâm Lai Châu 2022 Sâm Ngọc Linh: “Nhân sâm” được xem là Quốc bảo của Việt Nam |
Cây Sâm đang được coi là cây vàng dưới tán rừng của người dân Lai Châu. |
Lan tỏa giá trị sâm Lai Châu
Nhằm giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây sâm, trong các ngày từ 11 - 13/11 tới đây, lần đầu tiên tỉnh Lai Châu sẽ tổ chức Hội chợ Sâm với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”.
Tại hội chợ sâm Lai Châu, chính quyền địa phương sẽ công bố bản đồ quy hoạch phát triển vùng trồng sâm Lai Châu. Qua đó, UBND tỉnh Lai Châu mong muốn kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật trồng, sản xuất giống, phát triển vùng trồng và công nghệ chế biến các sản phẩm từ Sâm Lai Châu đến cộng đồng DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Hội chợ sẽ có các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm sâm Lai Châu, Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển vùng sâm Lai Châu; Hội thảo Chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sâm Lai Châu; lễ ký kết hợp tác, biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội sâm Lai Châu với UBND tỉnh Lai Châu; một số DN cam kết với UBND các huyện, thành phố nhằm phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu sâm Lai Châu.
Nhiều diện tích sâm Lai Châu do người dân trồng tự phát đang phát triển tốt. |
Ông Dương Đình Đức, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó trưởng Ban Tổ chức Hội chợ sâm Lai Châu cho biết, cây sâm Lai Châu phát triển và sinh trưởng ở độ cao trên 1.600m so với mực nước biển, nhiệt độ chênh giữa ngày và đêm cao, có môi trường mùn dưới tán dày để đủ dinh dưỡng.
“Qua khảo sát và nghiên cứu, tại Lai Châu hiện có trên 17.000ha diện tích thích ứng cao với việc trồng sâm. Khi làm chủ được quy trình nhân giống, các DN sẽ liên kết với các hộ gia đình có diện tích đất phù hợp để trồng sâm và việc nhân rộng liên kết này là hết sức cần thiết, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế để người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Có thể nói cây sâm là một “cây vàng” dưới tán rừng Tây Bắc”, ông Đức nêu rõ.
Trong khuôn khổ Hội chợ sâm Lai Châu sẽ tái hiện không gian kiến trúc nhà ở truyền thống của 5 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu; trong đó có trưng bày, giới thiệu về đồ dùng sinh hoạt, nghề thủ công truyền thống, trang phục, trang sức, dụng cụ sản xuất của đồng bào các dân tộc ở các bản như Vàng Pheo, xã Mường So (huyện Phong Thổ); San Thàng, xã San Thàng (thành phố Lai Châu); bản Thẳm, xã Bản Hon, bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường) và bản Nậm Pắt, xã Tà Mung (huyện Than Uyên). Đồng thời, UBND tỉnh Lai Châu cũng giới thiệu 30 gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và quảng bá du lịch của tỉnh.
Triển vọng cây tiền tỷ
Từ nguồn cây giống được người dân lấy từ rừng về, đến nay sâm Lai Châu đã được bà con và các tổ chức trên địa bàn đã nhân rộng diện tích lên tới hàng chục ha và coi là cây làm giàu của người dân địa phương.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, sâm Lai Châu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm, khi củ có thành phần saponin phong phú với 52 loại hoạt chất quý hiếm và tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc.
Từ nguồn cây giống được người dân lấy từ rừng về, đến nay bà con và các tổ chức trên địa bàn đã nhân rộng diện tích lên tới hàng chục ha và được coi là cây làm giàu của người dân địa phương.
Năm 2018, Hợp tác xã sâm Lai Châu - Khun Há (huyện Tam Đường) ra đời, với 8 thành viên là người dân địa phương tự góp vốn với nhau để đi mua sâm của người dân về trồng. Từ vài chục mét vuông trồng sâm ban đầu, đến nay hợp tác xã đã phát triển được hơn 1.000 m2. Không chỉ tự ươm giống để nhân rộng diện tích, hợp tác xã còn đang chăm sóc, bảo tồn các cây sâm có tuổi đời 3 - 20 năm tuổi.
Anh Cứ A Chinh, thành viên Hợp tác xã Sâm Lai Châu - Khun Há, huyện Tam Đường chia sẻ, hợp tác xã hình thành khi một số người dân đi rừng mang xuống núi một số cây lạ và bán được cho du khách mấy chục triệu đồng. Ban đầu bà con bảo là tam thất đen và sau này nói là sâm, dùng làm thuốc rất tốt cho sức khỏe. Cây sâm không chỉ là dược liệu quý cần được bảo tồn, mà còn mang lại kinh tế rất lớn, giúp bà con làm giàu.
"Bây giờ nếu tính số cây trên 10 triệu đồng trong vườn của hợp tác xã có khoảng hơn 300 cây; tính cả cây con lẫn cây mẹ thì chúng tôi ước tính có khoảng từ 5.000- 6.000 cây. Ở trong vườn hiện có cây giá trị kinh tế cao nhất là 60 - 70 triệu đồng/cụm/cây. Vườn của gia đình tôi ước tính là chúng tôi sẽ nhân giống cho hợp tác xã là từ 1 vạn đến trên 10 vạn cây/năm. Riêng năm vừa rồi chúng tôi đã ươm được 5.000 cây giống và thu được trên 250 triệu đồng" - anh Chinh cho biết.
Các vườn sâm phát triển tốt dưới các tán rừng già và hứa hẹn là cây trồng cho thu nhập tiền tỷ mỗi ha. |
Ông Sùng A Mang, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã sâm Lai Châu - Khun Há, huyện Tam Đường cho biết, dù là cây sinh sống tự nhiên từ rừng, nhưng sâm Lai Châu lại dễ thuần hóa, bởi không đòi hỏi phân bón, kỹ thuật nhiều. Để cây sâm phát triển tốt cần lựa chọn đất từ trên các tảng đá, lấy phần đen có chất dinh dưỡng cao để trồng. Sau khi trồng lấy lớp lá phủ lên trên, kiểm tra thường xuyên, khi phát hiện cây bị bệnh hoặc con gì ăn thì chỉ cần thực hiện các biện pháp bảo vệ.
Theo ông Mang: "Để cây sâm phát triển tốt, mình sẽ lấy đất ở trên đá, lấy phần đen sẽ có chất dinh dưỡng cao hơn. Sau khi trồng, khi chăm sóc mình phải lấy lớp lá phủ lên trên gốc. Thường cây sâm thường bị bệnh về gỉ sét hoặc thối củ; thậm chí có những củ thối có giá trị từ 100 - 300 triệu đồng. Sau thời gian đầu thiệt hại, bây giờ hợp tác xã đã rút ra được kinh nghiệm là lựa chọn đất có độ thoát nước nhiều hơn, chuyển sang trồng vào giỏ và vào mùa mưa thì che bạt để tránh mưa xuống tiếp xúc với củ.
Đến nay, toàn tỉnh Lai Châu đang bảo tồn khoảng 1.200 cây sâm mẹ ngoài tự nhiên, gây trồng trên 1.600 cây mô hình và phát triển trồng khoảng 50 ha. Do đặc tính của sâm Lai Châu sống dưới tán rừng, nên khu vực được lựa chọn để phát triển chủ yếu là các cánh rừng già. Ngoài diện tích do hơn 200 hộ dân tự thuần hóa cây tự nhiên và nhân rộng, hiện nay đã thu hút được gần 30 doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư.
Ông Vàng Páo Ly, Phó Chủ tịch UBND xã Khun Há, huyện Tam Đường cho biết: "Đến thời điểm này trên địa bàn xã Khun Há có 14 bản, trên 18 nhóm hộ tham gia trồng sâm. Đến thời điểm hiện tại, một số nhóm hộ đã thành lập HTX sâm Khun Há, còn chủ yếu người trồng là dân làm tự phát.
Tới đây một số khu vực phù hợp có địa hình người dân đi lại thuận lợi, chúng tôi sẽ quy hoạch thành vùng để bảo tồn và phát triển cây sâm. Hiện tại chúng tôi cũng đã quy hoạch một số khu vực, như Ma Sao Phìn Cao, Ma Sao Phìn Thấp, Lao Chải 1. Hiện nay toàn xã có khoảng trên 4ha và đến năm 2030 định hướng của xã là trồng được 400 ha"./.