Gia Lai đặt mục tiêu đến 2030 trồng khoảng 800 ha sâm Ngọc Linh Khi sâm Ngọc Linh hội nhập môi trường số Đan sâm - “tiên dược” giúp hoạt huyết, thanh nhiệt |
Sâm Lai Châu là một loại dược liệu quý. Ảnh laichau.gov.vn |
Dược liệu quý như vàng
Sâm Lai Châu là một loại dược liệu quý, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2013 và được đánh giá là loài sâm “anh em” với sâm Ngọc Linh, bởi sở hữu giá trị dược liệu và kinh tế cao.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sâm Lai Châu có hàm lượng saponin cao gấp đôi các loại sâm khác trên thế giới (52 saponin), đồng thời có chứa hoạt chất mang tên Majonosid R2 - MR2 lên tới 50% hàm lượng saponin toàn phần. Điều này có nghĩa là, sâm Lai Châu không chỉ có tiềm năng to lớn trong nghiên cứu thuốc điều trị ung thư mà còn có tiềm năng lớn trong ngành mỹ phẩm nói chung và mỹ phẩm ngừa lão hóa nói riêng bởi khả năng chống oxy hóa tuyệt vời.
Do rất ‘kén chọn” điều kiện sinh trưởng, nên sâm Lai Châu có vùng phân bố rất hẹp - chủ yếu sinh trưởng ở độ cao khoảng 2000m so với mực nước biển tại các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Mường Tè của tỉnh Lai Châu, dưới tán rừng nguyên sinh, rậm, thường xuyên mưa gió mùa nhiệt đới.
Bên cạnh đó, do có một thời gian dài bị khai thác quá mức ngoài tự nhiên, nên hiện nay, sâm Lai Châu nằm trong Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam và nằm trong nhóm II - nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 và nghị định sửa đổi, bổ sung số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/09/2021 của Chính phủ, về các thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, cần được ưu tiên bảo vệ và phát triển.
TS. Phạm Quang Tuyến - Viện Nghiên cứu Lâm sinh,Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, sâm Lai Châu đã được người dân bản địa tại các huyện vùng cao tỉnh Lai Châu sử dụng làm thuốc từ rất lâu với tên gọi tam thất đen, tam thất đỏ. Một số nghiên cứu đã mô tả hình thái, phân tích di truyền và xác định sâm Lai Châu cùng loài với sâm Ngọc Linh hay còn gọi là một thứ mới của sâm VN. Sâm Lai Châu có một số thành phần hóa học với hàm lượng saponin tương đương với sâm Ngọc Linh, có nhiều tiềm năng để phát triển gây trồng và chế biến thành hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy sâm Lai Châu có hàm lượng saponin tổng số lên tới 23,85%. Bước đầu nghiên cứu sâm Lai Châu đã phân lập được 6 loại saponin và một số hoạt chất chính mà sâm Ngọc Linh cũng có, đặc biệt hàm lượng Majonosid-R2 (MR2) cao tới 7,04 - 7,78% và chiếm tỷ lệ lớn trong các saponin đã phân lập. Tuy nhiên, sâm Lai Châu do mới được nghiên cứu nên việc phân lập thành phần các loại saponin chưa được đầy đủ, nghiên cứu các tác dụng dược lý, y học cần được đầu tư nghiên cứu nhiều hơn nữa để làm rõ được giá trị loại sâm này. Theo cá nhân tôi, đây là một loại sâm quý, được ví như "nàng công chúa ngủ trong rừng" chưa được đánh thức hết tiềm năng, giá trị. Trong thời gian tới với sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, đặc biệt là sự đầu tư của nhà nước theo Quyết định số 611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển sâm VN thì sâm Lai Châu có cơ hội phát triển và trở thành loại dược liệu quý được nhiều người biết đến và sử dụng.
Đến năm 2030, diện tích trồng sâm Lai Châu đạt khoảng 3.000 ha
Thăm gian hàng trưng bày sản phẩm Sâm Lai Châu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phấn khởi cho biết "Phải làm tốt công tác quảng bá hơn nữa về các sản phẩm từ Sâm Lai Châu". Ảnh laichau.gov.vn |
Trong chuyến công tác tại tỉnh Lai Châu vào trung tuần tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm khu trồng Sâm của Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh. Đánh giá cao việc đầu tư bài bản với những công nghệ hiện đại của doanh nghiệp, việc huy động người dân bản địa tham gia vào các khâu chăm sóc Sâm, tặng Sâm giống cho người dân để nhằm mở rộng diện tích trồng, từng bước giúp cuộc sống người dân thoát nghèo… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh Lai Châu có nguồn giống Sâm quý nên việc bảo tồn, phát triển là việc làm hết sức cần thiết. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh “chính quyền địa phương, doanh nghiệp cần thực hiện tốt liên kết "4 nhà" trong phát triển và xây dựng "thương hiệu" Sâm Lai Châu, để cây Sâm sẽ tạo nguồn thu nhập, tạo động lực trong phát triển kinh tế cho đồng bào địa phương”.
Phát triển 3.000 ha sâm vào năm 2030 là con số vừa được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu đưa vào dự thảo nghị quyết để bàn và thông qua tại Hội nghị lần thứ 19.
Theo đó, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển sâm Lai Châu thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, sản phẩm chủ lực của tỉnh, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 3.000 ha, tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên và một số vùng có khả năng thích ứng. 100% diện tích trồng sâm Lai Châu được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.
Sản lượng khai thác sâm Lai Châu năm 2030 đạt khoảng 30 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 100 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP-WHO hoặc tương đương. Đến năm 2035, phát triển sâm Lai Châu cùng với sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao, tiến tới mang thương hiệu quốc tế, tạo nguồn thu quan trọng cho tỉnh...
Được biết, Lai Châu đã thực hiện bảo tồn 3 vườn cây mẹ ngoài tự nhiên và gây trồng trên 21.000 cây mô hình. Cây sâm Lai Châu đã được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Bằng Bảo hộ giống cây trồng.
Tỉnh Lai Châu cũng đã xây dựng và ban hành Hướng dẫn tạm thời về kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế, bảo quản sâm Lai Châu. Xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Lai Châu" cho sản phẩm sâm củ tươi được trồng tại tỉnh và đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định để cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Lai Châu"…
Tại "Diễn đàn mùa Xuân về phát triển sâm Lai Châu", ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề nghị: Thời gian tới, để phát triển vùng trồng sâm Lai Châu bền vững cần có sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp; sự giúp đỡ tâm huyết của các nhà khoa học và quyết tâm của người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Hiệp hội sâm Lai Châu và các thành viên Hiệp hội liên kết với người dân tổ chức trồng, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Lai Châu, tiến tới ngành công nghiệp sâm Lai Châu.
Nghiên cứu mở rộng phát triển sâm trong nhà màng, nhà lưới. Tạo ra được thị trường giống và thị trường sâm rộng đạt chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước… Các cơ quan chức năng hướng dẫn thủ tục cấp mã vùng trồng cho người trồng sâm, mở rộng diện tích được cấp mã vùng trồng. Thực hiện tốt công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm sâm Lai Châu.
Ban hành sớm kê khai giá để đánh giá đúng giá trị của sâm Lai Châu; triển khai các quy trình tiến tới xuất khẩu sâm Lai Châu, tổ chức Lễ hội sâm gắn với sự tích về sâm và văn hóa các dân tộc và phát triển du lịch. Xây dựng các hợp tác xã đầu tàu trong phát triển sâm tại các bản trồng sâm để thực hiện tốt công tác liên kết với doanh nghiệp.
Kon Tum: Hàng trăm cây sâm Ngọc Linh bị mất trộm |
Gia Lai đặt mục tiêu đến 2030 trồng khoảng 800 ha sâm Ngọc Linh |
Khi sâm Ngọc Linh hội nhập môi trường số |