Dược liệu Đan sâm bị yêu cầu thu hồi do không đạt chất lượng Cao đinh lăng và củ đan sâm nằm trong Danh mục dược liệu Trồng loại cây sâm quý đến nỗi nhổ lên bán rễ gần nửa triệu/kg |
Đặc điểm và công dụng của đan sâm
Đan sâm là thảo dược quý có nhiều tên gọi khác nhau. |
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3) cho biết, đan sâm hay còn gọi là huyết sâm, xích sâm, huyết căn, sơn sâm, tử đan sâm, hồng căn, tử sâm... Tên khoa học là Salvia multiorrhiza Bunge, thuộc họ Hoa môi - Labiatae. Tuy không thuộc cùng một họ với nhân sâm (họ Ngũ gia bì - Araliaceae), nhưng vì rễ có hình dạng tựa như nhân sâm nên cũng được gọi là sâm, lại có màu đỏ (đan) nên có tên là đan sâm.
Đan sâm còn được ví von là “nhân sâm đỏ” là một loại cỏ, sống lâu năm, đan sâm cao lên đến 80cm, toàn thân mang lông ngắn màu vàng trắng nhạt. Rễ nhỏ dài hình trụ, màu đỏ nâu. Thu hoạch rễ vào mùa đông, rửa sạch, cắt bỏ thân và rễ con, phơi hoặc sấy khô, bảo quản nơi khô mát.
Theo Đông y, đan sâm có vị đắng, hơi hàn, không độc, lợi vào 3 kinh tâm, can và tâm bào; có tác dụng hoạt huyết thông kinh, hóa ứ, chỉ thống (cắt cơn đau), dưỡng huyết, an thần, lương huyết tiêu ung (mát máu tiêu ung nhọt), bài nung sinh cơ (trừ mủ, kích thích sinh da non).
Trong Đông y, đan sâm được sử dụng trong trường hợp đau thắt ngực (chữa tâm giao thống), rối loạn kinh nguyệt (chữa nguyệt kinh bất điều), đau bụng kinh (thống kinh), khí hư, huyết trắng (bế kinh, băng huyết, đới hạ), trong bụng có khối cứng (chứng hà tích tụ) và một số chứng bệnh phụ khoa.
Rễ đan sâm được sử dụng làm thuốc với nhiều công dụng chữa bệnh. |
Trong y học cổ truyền, đan sâm có vị đắng, tính hơi hàn, vào 2 kinh tâm và can, là thuốc chữa bệnh về máu, tốt cho tim mạch và não. Đan sâm rất tốt với chị em, nhất là những người hay bị xuất huyết vùng kín, kinh nguyệt không đều, vàng da. Đan sâm còn có tác dụng chữa trị tình trạng rối loạn tuần hoàn tim và não. Ngoài ra, chúng còn giúp bảo vệ mạch máu, giảm rối loạn tuần hoàn vi mạch, làm giãn các động mạch, tĩnh mạch nhỏ và mao mạch..
Qua nghiên cứu cho thấy, hiệu quả của dịch chiết đan sâm lên hệ tim mạch bao gồm ức chế ngưng tập tiểu cầu, tăng lưu lượng máu, cải thiện chức năng tâm trương (thất trái) ở bệnh nhân tăng huyết áp. Đan sâm còn giúp làm giảm sự hình thành cục máu đông và làm tan huyết khối vì thế chúng giúp máu lưu thông tốt, phòng được đột quỵ.
Không chỉ vậy, loại thảo dược này còn hiệu nghiệm trong điều trị chứng hồi hộp, đau nhói hoặc đau thắt ngực, mất ngủ, vàng da và có tác dụng an thai. Dù được trồng nhiều ở Việt Nam và có nhiều tác dụng nhưng nhiều người Việt không biết đến loại cây này, vì thế việc sử dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh, bồi bổ sức khỏe không nhiều.
Tiến sĩ, lương y Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam cũng cho biết, các nghiên cứu của y học hiện đại chỉ ra rằng, cây (cỏ) đan sâm có nhiều hợp chất rất tốt cho sức khỏe, nhất là với tim mạch và máu. Khi sử dụng, đan sâm có thể dùng độc vị hoặc có thể kết hợp với nhiều vị thuốc khác để hỗ trợ điều trị một số bệnh như huyết mạch, phụ khoa với liều dùng từ 6 đến 12g sắc uống hoặc hoàn tán.
Trong y học hiện đại, có thể dùng đan sâm dưới dạng cao chiết toàn phần hoặc dịch chiết phân đoạn, có thể dùng để điều trị đơn độc hoặc dùng làm bán thành phẩm kết hợp với những hoạt chất từ dược liệu khác để tạo ra những chế phẩm, có tác dụng chữa bệnh hiệu quả cao có nguồn gốc tự nhiên. Tuy nhiên, ông Giang cũng khuyến cáo rằng, đối với những chế phẩm cụ thể, cần phải được nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả để có được chỉ định và liều dùng phù hợp nhất.
Một số bài thuốc có đan sâm
Hoạt huyết, điều kinh
Dược liệu này được sử dụng phổ biến để điều hoà kinh nguyệt. |
Kinh nguyệt không đều, sau đẻ huyết hôi không ra hết: Đan sâm 24-60g, nghiền bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g, pha với rượu hoặc thêm 20g đường đỏ.
Trị kinh nguyệt không đều hoặc sau đẻ huyết hôi ra không hết: đan sâm 16g, hương phụ 8g, trạch lan 12g; hoặc đan sâm 16g, đương quy 16g, tiểu hồi hương 8g. Sắc uống.
Trị tắc kinh: đan sâm 60g, xuyến thảo 20g, ô tặc cốt 125g. Sắc uống.
Chữa kinh nguyệt không ra, đau: Đan sâm 10g, hương phụ 6g, đương quy 10g, bạch thược 5g, xuyên khung 5g, địa hoàng 10g, nước 600ml. Sắc còn 200ml chia làm 3 lần uống trong ngày.
Trừ ứ, giảm đau
Cây và vị thuốc đan sâm: thông huyết mạch, giảm đau |
Trị huyết ứ khí trệ sinh đau bụng: đan sâm 63g, đàn hương 6g, sa nhân 6g. Sắc uống.
Chữa viêm gan mạn tính, sưng, đau vùng gan: Đan sâm 20g, nọc sởi 20g. Sắc uống thay nước trong ngày.
Trị áp-xe gan, đau dữ dội vùng gan: Đan sâm 12g, đương quy 12g, bạch tật lê 12g, biển đậu 12g, bán chi liên 40g, lậu lô 16g, ngoã lăng tử 24g, thạch yến 8g, hồng hoa 8g, hương phụ 8g. Sắc uống.
Trị viêm gan mạn tính, đau hông: Đan sâm 20g, điền cơ hoàng 20g. Sắc uống.
Trị các chứng tim, bụng đau do huyết ứ khí trệ: Hoạt lạc hiệu linh đan: đan sâm 20g, đương quy 12g, nhũ hương 6g, một dược 6g. Sắc uống.
Trị nhọt sưng ở vú: đan sâm 20g, xích thược 16g, bạch chỉ 12g. Nghiền bột mịn, thêm mỡ lợn, sáp ong vàng luyện thành cao. Bôi lên chỗ đau.
Chữa viêm khớp cấp kèm theo tổn thương ở tim: Đan sâm, kim ngân hoa, mỗi vị 20g; Đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, mỗi vị 16g; Đương quy, long nhãn, liên kiều, hoàng cầm, hoàng bá, mỗi vị 12g; Táo nhân, phục linh, mỗi vị 8g; Mộc hương, viễn chí, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa đau tức ngực, đau nhói vùng tim: Đan sâm 32g, xuyên khung, trầm hương, uất kim, mỗi vị 20g, hồng hoa 16g, xích thược, hương phụ chế, hẹ, qua lâu, mỗi vị 12g, đương quy vĩ 10g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa viêm tắc động mạch chi: Đan sâm, hoàng kỳ, mỗi vị 20g; Đương quy vĩ 16g, xích thược, quế chi, bạch chỉ, nghệ, nhũ hương, một dược, hồng hoa, đào nhân, tô mộc, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
Dưỡng tâm an thần
Đan sâm, vị thuốc giảm mỡ máu, phòng bệnh mạch vành. |
Chữa suy tim thể tâm dương hư: Đan sâm 16g, ngưu tất 16g, ý dĩ 16g, phụ tử chế 12g, bạch truật 12g, trạch tả 12g, can khương 6g, nhục quế 4g. Sắc uống.
Trị suy tim thể âm dương khí huyết đều hư: Đan sâm 16g, long cốt 16g, hoàng kỳ 12g, phụ tử chế 12g, ngũ vị tử 12g, mạch môn 12g, đương quy 12g, trạch tả 12g, xa tiền 12g, nhân sâm 8g, hồng hoa 8g, đào nhân 6g. Sắc uống.
Chữa tim hồi hộp, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, ù tai: đan sâm 12g, sa sâm 12g, thiên môn 12g, mạch môn 12g, thục địa 12g, long nhãn 12g, đảng sâm 12g, toan táo nhân 8g, bá tử nhân 8g, viễn chí 8g, ngũ vị tử 6g. Sắc uống. Sắc uống ngày một thang.
Chữa suy tim: Đan sâm 16g, đảng sâm 20g, bạch truật, ý dĩ, xuyên khung, ngưu tất, trạch tả, mã đề, mộc thông, mỗi vị 16g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa thần kinh suy nhược, nhức đầu, mất ngủ: Đan sâm, bạch thược, đại táo, hạt muồng sao, mạch môn, ngưu tất, huyền sâm, mỗi vị 16g; Dành dành, toan táo nhân, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
Lưu ý khi sử dụng đan sâm
Dù đan sâm là vị thuốc quý tốt cho sức khoẻ, tuy nhiên khi sử dụng người dân vẫn nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn. |
Dù đan sâm là vị thuốc quý tốt cho sức khoẻ, tuy nhiên các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, khi sử dụng người dân vẫn nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn để đem lại hiệu quả tối đa cho cơ thể.
Đan sâm có dạng thái miếng hoặc sắt khúc. Miếng to, chắc, khô, mềm, màu hồng tía là tốt. Là những vị thuốc tương đối an toàn, phạm vi tác dụng tương đối rộng, ít khi gây tác dụng phụ, tuy nhiên, vì là thuốc chữa bệnh không phải là thức ăn, do đó không nên uống quanh năm ngày tháng.Các bài thuốc trên nên uống theo từng đợt. Mỗi đợt có thể kéo dài từ 10-15 ngày, tùy theo bệnh tình. Sau mỗi liệu trình cần nghỉ 5 ngày, rồi lại tiếp tục liệu trình khác.
Đối với các bệnh mạn tính, khi dùng đan sâm chữa bệnh, nếu bị đi lỏng thì có thể sao qua trước khi dùng hoặc cho thêm vào vài lát gừng tươi cùng sắc uống.
Đan sâm không dùng chung với vị thuốc lê lô (hoa hiên). Người không có hội chứng huyết ứ (tụ máu) phải thận trọng, không nên dùng.
Không dùng đan sâm cho phụ nữ có thai. Không dùng chung với lê lô (phản lê lô).