Cao đinh lăng và củ đan sâm nằm trong Danh mục dược liệu Trồng loại cây sâm quý đến nỗi nhổ lên bán rễ gần nửa triệu/kg Lạc vào vườn sâm "tiến vua" vạn cây mỗi năm thu về nửa tỷ của nông dân đất võ |
Nhiều năm qua, chị Dịu đã mạnh dạn phát triển cây dược liệu, đặc biệt là đan sâm tại huyện Mang Yang (Ảnh: Phạm Hoàng). |
Trồng thử nghiệm đan sâm lãi ngay 200 triệu
Chị Nguyễn Hồng Dịu (40 tuổi, trú tại tổ 3, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, Gia Lai) trước kia làm giáo viên dạy môn Sinh học của một trường trên địa bàn huyện. Ngoài giờ dạy, chị Dịu luôn ấp ủ những mô hình phát triển kinh tế từ các sản phẩm dược liệu. Nhằm dành thời gian để thực hiện đam mê phát triển dược liệu trên đất bazan, chị đã nghỉ việc giáo viên.
Theo chị Dịu, đan sâm là cây dược liệu được dùng trong những bài thuốc Đông y có công dụng thông huyết mạch, giảm đau khớp, viêm phế quản cấp mạn tính… Năm 2019, chị tìm mua giống về trồng thử nghiệm khoảng 500 m2 trong vườn với mục đích chế biến khô, ngâm rượu và nấu cao phục vụ nhu cầu sử dụng cho gia đình chứ chưa nghĩ đến cung cấp ra thị trường.
Giống đan sâm đang phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng của mảnh đất đỏ bazan (Ảnh: Phạm Hoàng). |
Trải quá nhiều phen thất bại, chị Dịu đã ươm thành công giống đan sâm, mở ra hướng chuyển đổi cây trồng cho bà con. Chị còn tìm đến những người bạn làm việc trong lĩnh vực đông y và Viện dược liệu để tìm hiểu ra giá trị, đầu ra, quy trình sinh trưởng của cây đan sâm.
Riêng với diện tích 2 sào đan sâm, sau khoảng một năm, chị Dịu thu về khoảng 1,5 tấn rễ tươi. Giá thị trường của đan sâm dao động 40-60 nghìn đồng/kg loại tươi và 250-350 nghìn đồng/kg khô. Tuy nhiên, chị không bán mà đầu tư tiếp vào khâu chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm như cao đan sâm.
“Trong vụ đầu tiên trồng thử nghiệm, tôi có khoảng 200 triệu đồng tiền lãi. Số tiền này tôi lại tiếp tục đầu tư, liên kết bà con trong huyện mở rộng diện tích vùng trồng. Dự kiến thu nhập có thể đạt khoảng 400 triệu đồng/năm/ha", chị Dịu bộc bạch.
Liên kết trồng dược liệu mở hướng làm giàu cho người dân
Trong quá trình trồng, chị Dịu nhận thấy, cây đan sâm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Những sản phẩm từ cây đan sâm cũng được mọi người trong gia đình bà đánh giá cao về công dụng. Vì vậy, năm 2020, chị đã thành lập HTX Dược liệu xanh Mang Yang với 8 thành viên, trồng một số cây dược liệu, trong đó cây đan sâm với diện tích gần 1 ha. Đến kỳ thu hoạch, bà đem củ đan sâm ra Viện Dược liệu (Bộ Y tế) kiểm tra hàm lượng dược chất và được đánh giá cao.
Nhận thấy những tiềm năng về phát triển cây dược liệu và hiệu quả từ mô hình trồng đan sâm, vào năm 2022, từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mang Yang đã triển khai mô hình ứng dụng KH&CN liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, tập huấn chuyển giao tiến bộ KH&CN với kinh phí khoảng 400 triệu đồng; vốn đối ứng của người dân 120 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Duyên (xã Đắk Ya, huyện Mang Yang) liên kết trồng đan sâm dưới tán rừng bời lời với diện tích 1,3ha trồng đan sâm. "Qua tìm hiểu, tôi thấy đan sâm là một loại cây dễ trồng, cung cấp nguyên liệu để hợp tác xã chế biến sâu. Vì vậy, gia đình đã mạnh dạn đầu tư để trồng đan sâm dưới tán rừng bời lời", chị Duyên bộc bạch.
Khoảng 5 tháng sau khi trồng, những cây đan sâm đã bắt đầu cho ra rễ lớn (Ảnh: Phạm Hoàng). |
Tương tự, anh Bùi Công Thắng (xã Đăk Ya, huyện Mang Yang, Gia Lai) chuyển đổi từ vườn tiêu rộng gần 1ha bị chết trắng sang trồng cây đan sâm. Gần 7 tháng nay, cây đan sâm đang phát triển tốt và dự kiến đến tháng 5/2023 sẽ có thu hoạch.
Ông Võ Minh Quang - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mang Yang cho biết: "Huyện đang nghiên cứu, đẩy mạnh việc phát triển cây dược liệu. Đối với mô hình cây đan sâm, đây là một cây trồng mới, được người dân trồng và mở rộng ở xã Đăk Ya.
Cây đan sâm trồng tại vườn của ông Vũ Sức Khỏe (thôn Châu Sơn, xã Đak Yă, huyện Mang Yang) liên kết với HTX. |
Cây đan sâm trồng chỉ sau 1 năm là thu hoạch, chi phí đầu tư khoảng 50-70 triệu đồng/ha. Theo ước tính của chị Dịu, 1 ha đan sâm thu hoạch được khoảng 7,4 tấn tươi, chế biến thành hơn 3 tấn khô. Giá đan sâm bán trên thị trường hiện nay dao động ở mức 180-230 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư, người trồng có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha. Năm 2021, HTX có 2 sản phẩm là rượu đan sâm và đan sâm sấy khô được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, nhiều đơn vị tìm đến HTX đặt hàng nhưng không có sản phẩm để cung cấp do diện tích trồng còn hạn chế.
Theo Giám đốc HTX Dược liệu xanh Mang Yang, hiện nay, HTX đang tiếp tục trồng cây đan sâm và mời người dân tham gia liên kết sản xuất. Nếu diện tích tiếp tục được mở rộng, HTX sẽ mời chuyên gia Viện Dược liệu vào tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch. Đây là hướng đi mới giúp người dân tiếp cận chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, HTX sẽ đầu tư dây chuyền chế biến sản phẩm tinh để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất./.