Xuất khẩu rau quả Việt Nam sẵn sàng tăng tốc Ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 29 tỷ USD trong năm 2025 Xuất khẩu surimi đảo chiều ngoạn mục, tăng trưởng liên tục |
Xuất khẩu dệt may 2025 dự báo tăng trưởng cao hơn 2024. Ảnh Thu Trang |
Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2024, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 405,5 tỷ USD từ mức nền thấp, nhờ tăng trưởng ở hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn. Sản xuất chế biến vẫn là trụ cột chính, đóng góp gần 85% vào tổng giá trị xuất khẩu.
Năm 2025, để đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức cao là 8%, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 12% so với năm 2024.
Cơ hội và thách thức đan xen
Chia sẻ về những khó khăn và thách thức đối với hoạt động xuất khẩu hàng hoá năm 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đó là tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến khó lường. Cạnh tranh sẽ gia tăng, nhất là từ Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan...
Các nước phát triển áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy định mới khắt khe hơn về chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Đặc biệt, kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Donald Trump dẫn đến tình trạng thu gom hàng "chạy thuế", làm cho nhu cầu và giá cước vận chuyển container tăng mạnh.
Quá trình này có thể mang lại cơ hội cho Việt Nam trong việc đón đầu các xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng để thu hút các dòng vốn đầu tư chất lượng hơn vào các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong các ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đứng trước thách thức về cạnh tranh xuất khẩu về giá do gia tăng các chi phí về logistics và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu.
Thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro như xung đột tại Trung Đông, Nga - Ukraine, các chính sách bảo hộ. Tuy vậy, nguy cơ xung đột thương mại lan rộng khi Mỹ nâng thuế có thể tạo thuận lợi cho Việt Nam trong đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu để thay thế Trung Quốc vào thị trường Mỹ.
Song chúng ta cũng cần lưu ý đến các thách thức lớn về việc Mỹ có thể thực hiện việc áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam do thặng dư thương mại cao, các xu hướng về đầu tư núp bóng, gian lận nguồn gốc xuất xứ... trong khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi chậm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. |
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12% là thách thức, trung bình mỗi tháng xuất khẩu phải tăng 4 tỷ USD so với mức bình quân tháng năm 2024.
Nêu một số tác động tới hoạt động xuất khẩu năm 2025, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, khủng hoảng tại Trung Đông đã và đang làm cho vận tải hàng hóa trên thế giới và của Việt Nam bị ảnh hưởng; xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn; các thị trường phát triển như EU đưa ra yêu cầu mới về phát triển bền vững...
Trong xu thế đó, Việt Nam là một trong những nước có độ mở nền kinh tế thuộc loại cao nhất, phụ thuộc nhiều vào thương mại, đầu tư quốc tế thì thách thức đối với kinh tế Việt Nam đặt ra trong năm 2025. Đặc biệt, khi Việt Nam hội nhập theo hướng đáp ứng “luật chơi” chung của toàn cầu và nền tảng là tham gia WTO với một quy tắc chung áp dụng cho tất cả các nước, đây là những thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu phải vượt qua.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sẽ biến động ra sao?
Nhiều nông dân Việt giàu lên nhờ giá cà phê tăng mạnh so với các năm trước. |
Về những ngành hàng xuất khẩu nào sẽ nắm vai trò chủ lực trong năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều biến động, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Đó là nhóm ngành sản phẩm công nghiệp chế biến - chế tạo với hàm lượng công nghệ cao như điện tử, máy móc thiết bị.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành Công Thương, bộ sẽ triển khai các giải pháp để tăng tỉ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm trên cơ sở thu hút đầu tư vào sản xuất, xuất khẩu chất bán dẫn, đáp ứng yêu cầu về môi trường...
Nhóm các sản phẩm có tính cạnh tranh cao như dệt may, da giày sẽ tập trung vào đổi mới công nghệ, chuyển đổi sang sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn bền vững của thị trường quốc tế.
Với nhóm hàng nông sản, thủy sản chủ lực có lợi thế sản xuất, xuất khẩu sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn và phát triển bền vững.
“Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021 - 2030, trong đó tích hợp các mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu bền vững, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải”, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là những thay đổi trong chính sách thương mại của các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc.
Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.