Sâm Lai Châu mở hướng làm giàu cho nông dân miền núi Thực hư thông tin sâm Lai Châu chứa hơn 50 thành phần Saponin Có khi nào ‘quốc bảo’ sâm Lai Châu bị tuyệt chủng? |
Trên dãy núi Pu Si Lung đang lưu giữ và bảo vệ vườn sâm quý hiếm với 4.800 gốc sâm bố mẹ, tuổi đời ít nhất cũng 30 năm. |
Bảo vệ sâm như ngọc quý
Nằm trên dãy núi Pu Si Lung cao hơn 3.000m so với mực nước biển, thời tiết mát mẻ quanh năm, ở đây đang có vườn sâm Lai Châu quý hiếm với 4.800 gốc sâm bố mẹ, tuổi đời ít nhất cũng 30 năm. Mỗi cây giống có giá từ 100-300 triệu đồng/kg. Nếu được chăm sóc tốt, cây cho thu hạt rồi đem hạt đi nhân giống sẽ giúp mở rộng diện tích.
7 năm qua, tại Lai Châu, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đã cùng bảo tồn và dần hình thành được các vùng nguyên liệu sâm tại các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Mường Tè, Sìn Hồ.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy sâm Lai Châu có hàm lượng saponin - chất chống ung thư lớn và quý hiếm thế giới, có giá trị kinh tế cao. Đây sẽ là cơ hội giúp bà con vùng núi từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
"Tỉnh Lai Châu đã ban hành đề án phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh, trong đó trọng tâm hỗ trợ để bảo tồn và phát triển sâm Lai Châu. Tỉnh đã báo cáo với Bộ NN&PTNT đưa vào nội dung phát triển cây sâm Việt Nam trong đó có sâm Lai Châu", ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết.
Trung bình 1ha rừng sẽ trồng được 25.000 cây sâm Lai Châu, cho thu hoạch 800kg sâm tươi sau 5 năm. Một hệ sinh thái dưới tán rừng mới đang được hình thành. Từ các cấp chính quyền đến người dân và doanh nghiệp đều đang cùng đi trên một hành trình mang đến sức bật cho sâm Lai Châu.
Ông Phạm Văn Ngọc, chủ một cơ sở tiên phong trồng Sâm Lai Châu tại bản Xin Chải, xã Giang Ma (Tam Đường, Lai Châu). |
Kỳ vọng sâm quý trở thành 'cây tỷ phú'
Là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, Lai Châu có diện tích tự nhiên trên 9.000 km2, đứng thứ 10 trong 63 tỉnh, thành cả nước. Có khí hậu trung tính và ôn hòa, quanh năm mát mẻ, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng là điều kiện lý tưởng để phát triển các loài nông, lâm, thổ sản có giá trị kinh tế cao. Với đặc thù trên 50% diện tích đất rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,4%, rừng Lai Châu thuộc loại rừng nhiệt đới, có nhiều rừng già, nguyên sinh với quần thể động, thực vật phong phú, đa dạng.
Qua khảo sát, đánh giá nơi đây còn bảo tồn được nhiều loài dược liệu tự nhiên phong phú, quý hiếm có tác dụng chữa bệnh và tăng cường sức khỏe cho người như: Thất diệp Nhất chi hoa (cây bảy lá một hoa), Sâm Lai Châu, Lan Kim tuyến, Thảo quả, Tam thất hoang... Đây chính là tiềm năng, lợi thế rất lớn để Lai Châu phát triển kinh tế bằng cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây Sâm Lai Châu với giá trị kinh tế rất cao.
Vườn Sâm Lai Châu đang được chăm sóc khoa học và phát triển tốt dưới tán rừng già tự nhiên, hứa hẹn là cây “tỷ phú” trong thời gian không xa. |
Ông Hà Trọng Hải nhận định: “Không còn nghi ngờ, Sâm Lai Châu được khẳng định là loài đặc hữu quý hiếm bậc nhất thế giới với nhiều thành phần dược chất Saponin vượt trội so với các loài sâm nổi tiếng. Sâm Lai Châu phát triển đồng nghĩa với kinh tế - xã hội phát triển, nhiều người dân sẽ thoát nghèo và làm giàu từ cây Sâm Lai Châu bản địa”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các doanh nghiệp trong và ngoài nước sớm cùng người dân bản địa liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành những tổ chức kinh doanh có năng lực. Cùng đầu tư vốn, công sức, chú trọng áp dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong gây trồng và phát triển Sâm Lai Châu.
Sâu Lai Châu với những giá trị dược liệu quý luôn được người tiêu dùng đón nhận. Bởi vậy để nâng tầm giá trị cũng như thương hiệu của loài thảo dược quý hiếm này cần có sự đồng lòng từ chính quyền, người dân và doanh nghiệp để cây sâm quý thực sự là cây làm giàu cho bà con nơi đây./.