Sâm Lai Châu mở hướng làm giàu cho nông dân miền núi Sắp diễn ra Hội chợ sâm Lai Châu 2022 Hội chợ sâm Lai Châu nơi lan tỏa giá trị cây tiền tỷ |
![]() |
Thực hư thông tin sâm Lai Châu chứa hơn 50 thành phần Saponin |
Vừa qua, tỉnh Lai Châu đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển sâm Lai Châu với chủ đề "Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa".
Ông Nguyễn Trọng Lịch, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết, tỉnh đã xác định được trên 30.000ha phù hợp cho phát triển sâm Lai Châu, trong đó có 17.000ha rất thích hợp để phát triển.
"Hiện tại, cây sâm Lai Châu đang được áp dụng các chính sách hỗ trợ của trung ương và tỉnh như chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.
Cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp, nông thôn và hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ một lần 50% chi phí mua giống và 50% giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…" - ông Lịch nói.
Ông Đoàn Hoài Nam, vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp), đề nghị tỉnh Lai Châu cần phát triển vùng nguyên liệu tập trung với diện tích 2.000 - 3.000ha. Đồng thời lập hồ sơ quản lý, cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ đối với toàn bộ diện tích sâm của các tổ chức, cá nhân.
"Gây trồng, phát triển cây sâm nói chung và sâm Lai Châu nói riêng cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Hiện tại theo tính toán, trồng 1ha sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum và Quảng Nam mức đầu tư khoảng 3 tỉ đồng/8 năm (chưa kể hạ tầng giao thông), trong đó tiền mua giống cây chiếm tỉ trọng lớn nhất. Do đó tỉnh cần thu hút nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, lồng ghép nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước, bao gồm cả xây dựng hạ tầng" - ông Nam nói.
![]() |
Cây sâm Lai Châu được trưng bày tại Hội chợ sâm Lai Châu 2022 |
Ông Ngô Tân Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu, đề nghị tăng cường công tác ngăn chặn nguồn sâm lậu, sâm giả kém chất lượng tuồn vào địa bàn để chuyển đi tỉnh khác tiêu thụ làm ảnh hưởng uy tín, giá trị sâm Việt Nam nói chung và sâm Lai Châu nói riêng.
"Thông tin sâm Lai Châu chiếm năm mươi mấy thành phần Saponin nhưng hiện nay chưa có tài liệu, đề tài khoa học chính thức nào được công bố, kể cả công dụng, liều dùng như thế nào cũng chưa có" - ông Hưng nói và đề nghị Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các ngành liên quan cần có đề tài nghiên cứu khoa học và thực tiễn để đưa ra đầy đủ các thành phần, hàm lượng Saponin theo năm tuổi cũng như công dụng, liều dùng trên con người nhằm quảng bá, phát triển ngành chế biến sản phẩm sâm Lai Châu đa dạng theo hướng hàng hóa, phục vụ sức khỏe con người.
Báo cáo hiện trạng và tiềm năng, chính sách hỗ trợ phát triển sâm Lai Châu tại Hội nghị cho thấy, sâm Lai Châu là cây đặc hữu có phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung và lân cận huyện Mường Tè (Pa Vệ Sử, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ) và dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa các huyện Sìn Hồ (Nậm Tăm, Pu Sam Cap) và Tam Đường (Khun Há, Hồ Thầu, Bản Giang).
Sâm Lai Châu phân bố tập trung ở độ cao 1.400 – 2.200 m so với mặt nước biển, là cây ưa ẩm, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông. Điều kiện này phù hợp với phần lớn các xã vùng biên giới và vùng cao của tỉnh Lai Châu, giàu tiềm năng để mở rộng sản xuất trên quy mô lớn.
Từng điều hành công ty phát triển sản phẩm hồng sâm ở Hàn Quốc và hiện tại là đơn vị nhập khẩu, phân phối các sản phẩm hồng sâm, ông Kim Suk Bum, giám đốc Công ty Bridia (ở TP.HCM), cho rằng để bán được sản phẩm chế biến từ nguyên liệu sâm Lai Châu - Việt Nam, thì điều quan trọng nhất là phải tạo được sự tin tưởng và tín nhiệm của khách hàng bằng cách nghiên cứu ra những sản phẩm tốt, an toàn và có thể được nhiều người biết đến và tin dùng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải cam kết tỉnh luôn sẵn sàng đồng hành với các nhà đầu tư giải quyết khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận các chính sách của tỉnh về đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu nói chung, cây sâm Lai Châu nói riêng.
"Thực hiện nhất quán chính sách ưu đãi, giảm tối đa thủ tục hành chính về đầu tư, thành lập doanh nghiệp. Cung cấp đủ lao động có chất lượng phù hợp với các hoạt động đầu tư, đảm bảo an ninh trật tự khi doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án vào địa bàn" - ông Hải nói.
![]() |
Tỉnh Lai Châu mong muốn đưa hình ảnh sâm Lai Châu vươn ra Việt Nam và quốc tế |
Hiện cây sâm Lai Châu đang được áp dụng các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh như chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ 1 lần 50% chi phí mua giống và 50% giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, 100% diện tích sâm Lai Châu ngoài tự nhiên được quản lý, bảo tồn; đầu tư, xây dựng và phát triển 7 cơ sở sản xuất giống sâm Lai Châu; đưa diện tích vùng trồng sâm toàn tỉnh lên 3.000 ha trở lên. Khuyến khích đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến sản phẩm sâm Lai Châu được áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định. Tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh sâm Lai Châu được cấp mã số theo quy định. Giai đoạn 2031 - 2045, tỉnh Lai Châu phấn đấu phát triển thêm 7.000 ha vùng trồng sâm Lai Châu, đưa vùng trồng sâm Lai Châu lên 10.000 ha.
Nhằm hoàn thành mục tiêu, tỉnh Lai Châu đưa ra các giải pháp như: Tiếp tục rà soát, nghiên cứu vận dụng các quy định cơ chế chính sách phù hợp; khuyến khích hình thức liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với người nông dân; khuyến khích tích tụ đất đai để tạo các vùng trồng cây dược liệu tập trung.
Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong tạo giống, sản xuất giống và trồng, chăm sóc sâm Lai Châu; chủ động phát triển, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lý, phát triển dược liệu.
Đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của cây dược liệu nói chung, sâm Lai Châu nói riêng, tiềm năng phát triển dược liệu và các chính sách thu hút đầu tư nuôi trồng, phát triển dược liệu. Tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước, quốc tế trong công tác nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nguyên liệu...
Saponin là một trong những thành phần của các loại thảo mộc có hiệu quả rất lợi cho sức khỏe con người. Nó có trong các loại thảo mộc như: nấm linh chi, củ đinh lăng, đảng sâm, nhân sâm…Ngoài ra, saponin cũng có mặt trong những loại thực vật như: hành tây, tỏi, cây mao lương… Nhưng đây là loại saponin có cấu tạo hóa học khác với saponin có trong các loại thảo mộc. Saponin có trong các loại thảo mộc được biết đến như một thành phần chính làm cho nhân sâm và các loại thảo mộc kể trên được sử dụng nhiều để tăng cường sức khỏe, tăng cường các chức năng gan thận và làm đẹp… Saponin có nhiều lợi ích sức khỏe con người. Các nghiên cứu đã chứng minh các tác dụng có lợi trên mức cholesterol trong máu, ung thư, sức khỏe của xương và kích thích hệ miễn dịch. Hầu hết các nghiên cứu khoa học nghiên cứu tác động của saponin từ nguồn thực vật cụ thể và kết quả không thể được áp dụng cho saponin khác. |
![]() |
![]() |
![]() |