Bốn năm, Trần Cao Nguyên đã gây dựng nên vườn sâm Ngọc Linh giá trị 10 tỷ đồng. |
Bốn năm tạo dựng nên vườn sâm giá trị 10 tỷ
Quê gốc tỉnh Kon Tum, gia đình có truyền thống trồng sâm Ngọc Linh nên chàng trai Trần Cao Nguyên (26 tuổi) có niềm đam mê cay dược liệu quý này từ trong máu. Bởi thế, anh đã bỏ cong đi tìm hiểu những nơi có thổ nhưỡng phù hợp để gậy dựng và phát triển giống sâm quý này. Sau nhiều năm nỗ lực chọn tạo, thuần hóa, đến nay, mô hình trồng sâm Ngọc Linh của nông dân 9X đã gây ngạc nhiên cho nhiều người.
Nhẩm sơ qua, mỗi năm vườn sâm của Trần Cao Nguyên cho thu hoạch 10.000 - 15.000 hạt giống, 40kg lá tươi và gần 100kg củ. Giá trị vườn sâm khoảng 10 tỷ đồng. Đây là điều không phải ai cũng làm được nếu không có một niềm đam mê và ý chí quyết tâm.
Trần Cao Nguyên bắt đầu gây dựng vườn sâm Ngọc Linh từ cách đây 4 năm. Khoảng đầu năm 2019, Nguyên về thôn K'Long K'Lanh tìm mua 3,5 sào đất nông nghiệp trên đỉnh đồi. Tại đây, anh đầu tư hệ thống nhà lưới cho vườn sâm tương lai của mình.
Trải qua nhiều khó khăn, Trần Cao Nguyên đã thuần hóa thành công cây sâm Ngọc Linh trên vùng đất mới. |
Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan, thời gian đầu Nguyên nếm trải nhiều thất bại. Dù đã tích lũy cho mình được nhiều kinh nghiệm trồng sâm, nhưng do trồng sâm ở môi trường mới, do chưa quen với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng để có phương pháp chăm sóc sâm phù hợp nên cây sâm bị chết hàng loạt. Nguyên lao vào tìm hiểu mới biết căn nguyên là do bệnh nấm, trong khi nhiệt độ trong nhà kính không phù hợp cũng khiến cây sâm bị chậm lớn và dễ nhiễm bệnh.
Từ đó Nguyên bắt đầu bỏ công tìm tòi nghiên cứu sâu hơn. Tìm hiểu các kiến thức, kinh nghiệm trồng sâm Ngọc Linh qua các phương tiện truyền thông như sách, báo. Nguyên cũng dành thời gian trở về quê nhà đã gặp gỡ những bậc thầy về trồng sâm có nhiều kinh nghiệm để trau dồi, bổ sung kiến thức.
Vườn sâm Ngọc Linh phát triển tốt, đã cho những lứa hoa đầu tiên. |
Từ đó, chàng trai 9X vận dụng các kiến thức có được vào điều kiện thực tế tại vườn sâm và bắt đầu ra nụ và cho ra những lứa hoa đầu tiên. Trần Cao Nguyên chia sẻ, để đảm bảo độ ẩm cho sâm Ngọc Linh phát triển, anh lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động trên toàn bộ diện tích và dùng lá cây hoai mục phủ lên nền vườn.
Nguyên chia sẻ: "Hiện nay vườn sâm Ngọc Linh cho thu hoạch lá, hạt giống, cây giống, củ thành phẩm. Trong đó, lá sâm tôi đang bán cho đối tác với giá 4 - 5 triệu đồng/kg; củ có giá thấp nhất 40 triệu đồng/kg; hạt giống từ 70.000 - 100.000 đồng/hạt; cây giống 1 - 2 - 3 năm có giá từ 150.000 đến 300.000 đồng/cây".
Vì sao sâm Ngọc Linh lại được coi là quốc bảo?
Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý hiếm, được mệnh danh là “vua’ của các loài sâm. Theo GS.TS Trần Công Luận - nguyên giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM, saponin được xem là nhóm hợp chất chính quyết định tác dụng sinh học của sâm Ngọc Linh, cho đến nay vẫn chưa có loài nào vượt trội hơn sâm Ngọc Linh Việt Nam về số lượng và hàm lượng saponin. Trong khi đó, các loại sâm nổi tiếng trên thế giới chỉ chứa khoảng 25 loại saponin khác nhau.
Các nghiên cứu đều khẳng định sâm Ngọc Linh là loài thảo dược giá trị cao ở Việt Nam, đã được chứng minh có tác dụng tăng cường hiệu quả hệ miễn dịch, trí nhớ, kháng viêm, chống căng thẳng, chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa. Thân rễ và củ sâm được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, còn lá và thân thì được dùng làm trà sâm.
Hiện nay vườn sâm Ngọc Linh cho thu hoạch lá, hạt giống, cây giống, củ thành phẩm... |
Đánh giá về mô hình trồng sâm Ngọc Linh của nhà nông Trần Cao Nguyên, ông Vũ Hoàng Đăng Khoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Chais cho biết, sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế rất cao. Đây là loại sâm khó trồng, cần có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp như ở vùng đất Ngọc Linh. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, anh Trần Cao Nguyên đã trồng thành công sâm Ngọc Linh về trên địa bàn xã. Đây là một tín hiệu đáng mừng để phát triển cây sâm Ngọc Linh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.
Trải qua hành trình gắn với cây sâm quốc bảo Ngọc Linh đến nay chàng trai Trần Cao Nguyên đã thuần hóa thành công loài sâm quý trên đất Lâm Đồng. Không chỉ tạo dựng cơ nghiệp cho mình, mô hình trồng sâm Ngọc Linh còn hướng phát triển kinh tế của người dân địa phương./.