Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Đây là sự kiện giúp các doanh nghiệp, chủ thể quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trong cả nước và triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Các đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía bắc. |
Sự kiện lần này kéo dài trong 5 ngày từ 21-25/9 có quy mô hơn 100 gian hàng với khoảng 2.000 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của thành phố Hà Nội, 15 tỉnh miền núi phía bắc.
Cụ thể là: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ và Quảng Ninh và 20 tỉnh, thành phố khác trong cả nước, bao gồm các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Hải Dương, Quảng Trị, Gia Lai, Phú Yên, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam, Đắk Lắk, Nghệ An, Ninh Bình.
Các sản phẩm OCOP ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. |
Các đặc sản vùng miền tiêu biểu như các loại mắm nhãn hiệu Ba Làng (Thanh Hóa), thủy hải sản đặc sản Quảng Ninh, các loại măng miến nấm hương mộc nhĩ, thạch đen, lạc đỏ (Cao Bằng), bánh chưng gù, cơm lam nếp cẩm, các loại bánh đặc sản của Hà Giang, Nếp Tú lệ (Yên Bái), các loại rau mầm, bắp cải, su su baby, rau tiến vua ... (Sơn La), sầu riêng (An Giang), nhãn lồng (Hưng Yên), hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Chương Mỹ (Hà Nội)...
Đặc biệt, hội chợ còn có khu vực riêng dành cho ẩm thực các vùng miền thu hút đông đảo người dân Thủ đô.
Các đặc sản vùng miền được bày bán tại hội chợ. |
Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, ông Tạ Văn Tường cho rằng, thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển xây dựng thương hiệu; quy hoạch, phát triển và liên kết vùng nguyên liệu bền vững; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa; phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
Sự kiện lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, có thể nói, đây là cơ hội giúp các chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước giao lưu, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực chủ thể OCOP và đặc biệt tạo điều kiện cho nhân dân, khách tham quan nhận diện và tiêu thụ sản phẩm.l
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội: Mặc dù Hà Nội đi sau trong việc thực hiện chương trình OCOP, mới chỉ bắt đầu từ năm 2019 nhưng đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.167/9.852 sản phẩm OCOP cả nước (chiếm 22%), gồm 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, chứng tỏ đã đi sâu vào chất lượng, 780 sản phẩm 3 sao. Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô và là "cú hích" làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh đúng, trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn. Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Bên cạnh đó, còn có 1.136 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, cùng với đó là hàng nghìn sản vật nông nghiệp nổi tiếng. Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện chương trình OCOP trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững. |