Động Địch Lộng thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Theo Trung tâm Xúc tiến Du lịch Ninh Bình, động nằm ở lưng chừng núi, trong động có thờ Phật nên nhân dân quen gọi là chùa Địch Lộng.
Động và chùa Địch Lộng được Vua Minh Mạng ban tặng cho 5 chữ “Nam Thiên Đệ Tam Động” (động đẹp thứ ba trời Nam) trong chuyến tuần du ra Bắc Hà năm 1821. Đây là một cụm kiến trúc gồm hệ thống các đình, đền, chùa cổ kính trải dài trên khu đất rộng trên 1ha.
Vào chùa Địch Lộng, qua cổng Tam quan là ngôi đình 5 gian được nhân dân địa phương xây dựng từ thời Nguyễn để tưởng niệm Thánh Nguyễn Minh Không. Ngôi đình này còn được gọi là đình đá vì tất cả các cột, tảnh, xà đùi, cái bẩy đều làm bằng đá. Các cột được chạm khắc rồng rất công phu, tỉ mỉ và đầy sống động. Khu vực vườn chùa rộng, trồng nhiều cây đại thụ, cây ăn quả, cây hoa đan xen với các công trình kiến trúc.
Phía sau đình là chùa Hạ 3 gian. Điều đặc biệt là ở gian bên tay phải đặt 1 ngai đá thờ và các đồ thờ đều làm bằng đá như: đài, mâm tơ, bát hương…
Men theo sườn núi, leo gần 100 bậc đá là tới cửa động. Trên cửa động đề 6 chữ: “Nham Sơn động, Cổ Am tự” (chùa Cổ Am và động Nham Sơn). Vì thế còn gọi chùa Địch Lộng là chùa Cổ Am và động Địch Lộng là động Nham Sơn.
Động có nhiều nhũ đá đẹp lấp lánh, thạch nhũ rủ xuống như chuông treo. Trước cửa động có giếng ngọc chứa nước từ nhũ đá chảy xuống quanh năm. Ở trong động có treo 1 quả chuông lớn nặng khoảng 1 tấn, đúc ở thời Nguyễn.
Bước sang bên tay phải là đến động thờ Phật, đây chính là chùa Địch Lộng. Ngoài các pho tượng Phật, ở đây còn đặt 2 tượng Phật Bà Quan Âm và A Di Dà được tạc bằng đá xanh nguyên khối, cả bệ, mỗi tượng nặng hơn 1 tấn.
Qua động thờ Phật là đến hang Tối. Nơi đây có nhiều nhũ đá từ trên trần động chảy xuống nền, tròn, cao hơn chục mét như những nhánh rễ cây đa cổ thụ thả xuống mặt đất, được gọi là các cột chống trời. Xung quanh hang và trần hang toàn là các nhũ đá, muôn hình vạn trạng, có chỗ lô xô như ngàn lớp sóng, vân nhũ đá như những đám mây ngũ sắc đang bay…Có thể nói đây là những kỳ quan thiên tạo.
Đi hết hang Tối là đến hang Sáng. Ngay cửa hang có lối lên trời và lối xuống âm phủ đối diện nhau. Cửa lên trời gọi là cửa động con, lộ thiên ở tận đỉnh núi. Ánh sáng lùa vào làm hang sáng lên, nên gọi là hang Sáng.
Lối xuống âm phủ sâu, cũng có nhiều thạch nhũ có hình dáng như: thuồng luồng, ba ba, … Vì ở trên cao, cửa hang Sáng thắt lại, có khoảng lộ thiên, 3 hang lại thông với nhau nên khi có gió thổi mạnh, trong động phát ra âm thanh nghe như tiếng sáo. Động chính là cái sáo đá khổng lồ của tạo hóa, ngàn năm vi vu giữa đất trời.
Ngoài ra, các thạch nhũ ở hang Sáng, Tối khi lấy đá gõ vào thì nghe lanh lảnh như tiếng chuông, lúc thì bập bùng như tiếng trống, âm thanh trầm bổng lạ kỳ. Người ta gọi đó là những thạch cầm của thiên nhiên.
Một điều đặc biệt nữa là nhũ đá trong hang rất huyền diệu, có những dải nhũ thạch lấp lánh bảy sắc cầu vồng, được gọi là sao sa và một số nhũ đá màu thay đổi theo ánh sáng mặt trời. Đi hết hang Sáng sẽ đến cửa hậu của động. Đứng đây, nhìn xa bao quát được cả vùng rộng lớn của non nước Hoa Lư lịch sử. Bức tranh sơn thủy toàn bích sẽ khiến du khách thấy tâm hồn thư thái, ngập tràn cảm xúc trước cảnh đẹp mê hồn của thiên nhiên thơ mộng.
Toàn cảnh chùa Địch Lộng là sự hài hòa những công trình kiến trúc của con người và tạo hóa, có cao, sâu; âm dương đối đãi; sáng, tối; hư, thực, có nhạc, có họa, có cây cối xanh tươi tạo nên cảnh bồng lai giữa trần thế. Đây thực sự là một thắng cảnh độc đáo mà du khách không nên bỏ qua khi đến thăm Ninh Bình.