Hải Dương là một trung tâm văn hóa và tâm linh của miền Bắc với nhiều di tích lịch sử bậc nhất ở Việt Nam vẫn còn được gìn giữ. Vùng đất này còn có rất nhiều các lễ hội trong năm hấp dẫn du khách.
Đền Tranh hay còn gọi là đền quan lớn Tuần Tranh ở thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia thờ vị thủy thần Đệ Ngũ Tuần Tranh (hoàng tử thứ 5 của vua Thủy), sau được phong là Tranh Giang Đại Vương Hoàng Hợp Tôn Thần.
![]() |
Đền Tranh ở Ninh Giang (Hải Dương). |
Hiện chưa có thông tin chính xác về thời gian xây dựng đền Tranh. Đền toạ lạc trên khu đất đẹp có nhiều cây cổ thụ xum xuê và đặc biệt rất linh thiêng nếu cầu đảo khi đi sông nước.
Được biết, qua nhiều lần chuyển dời cùng nhiều lần trùng tu tôn tạo, đền Tranh hiện nay được đánh giá là công trình lớn và là địa điểm tâm linh linh thiêng của người dân Hải Dương nói riêng và du khách thập phương xa gần nói chung. Ngôi đền cổ này không những đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử mà còn là nơi tập trung phong phú, đa dạng về tín ngưỡng dân gian và tích hợp được nét đẹp của văn hoá Việt.
![]() |
Năm 1946, du kích địa phương kết hợp với bộ đội chủ lực đào hầm bí mật trong khu di tích để sẵn sàng đánh địch và tháo dỡ phần lớn các ngôi nhà, chỉ để lại khu cung cấm làm nơi thờ tự.
Năm 1954, đền Tranh lại được khôi phục để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Đến năm 1966, do nhu cầu mở rộng doanh trại quân đội nên nhân dân cùng Trung đoàn 513 (nay là Lữ đoàn 513) chuyển 3 gian hậu cung về dựng tại địa điểm mới gần làng, cách đền cũ khoảng 300 m về phía bắc (vị trí khu di tích đền Tranh hiện nay)
Căn cứ vào hệ thống bia ký tại đền cho thấy, vào năm 1852 (tức năm Tự Đức thứ 5), đền đã có nhiều người công đức để tôn tạo. Hiện, ngôi đền còn được biết đến là đền Tranh Ninh Giang, đền Ninh Giang hay đền Quan Tuần Tranh.
![]() |
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đền Tranh hiện nay được xây gồm 3 toà: Tiền đường, Trung từ và Hậu cung. Mỗi công trình gồm 7 gian, tổng số là 21 gian. Kiến trúc phỏng theo thời Lê và Nguyễn. Đặc biệt, đền còn bảo lưu được một số cổ vật có giá trị nghệ thuật như tượng Quan lớn Tuần Tranh bằng đồng nặng 200 kg, 4 pho tượng Tứ Trụ bằng đá, bát hương, đỉnh đồng, hạc đồng, cuốn thư, choé sứ…
![]() |
Rất đông người dân đến lễ bái, cầu may tại đền vào dịp đầu xuân năm mới. |
Hằng năm, đền Tranh có hai kỳ lễ hội chính. Kỳ thứ nhất từ ngày 10 - 20/2 âm lịch, trong đó ngày 14/2 là ngày chính hội, có lễ rước nước và lễ tạ Thánh ở ngã ba sông. Đây là nghi lễ rất linh thiêng và trang trọng của nhân dân đối với Thủy Thần trấn giữ sông Tranh.
Kỳ thứ hai diễn ra từ ngày 20 - 25/8 âm lịch, trong đó 22/8 là ngày trọng hội. Các trò chơi trong lễ hội chủ yếu là pháo đất, kéo co, chọi gà, bắt vịt, cầu kiều, cờ tướng, bóng chuyền hơi, đấu vật…
Ngoài 2 kỳ lễ hội tháng 2 và tháng 8 âm lịch còn có ngày tiệc quan tổ chức vào ngày 25/5 âm lịch là ngày Quan lớn khao tiệc và cũng là ngày Quan lớn bị đi đày ở Kỳ Cùng (Lạng Sơn). Đền Tranh còn lưu giữ và phát triển một loại hình văn hóa phi vật thể đó là hát chầu văn, hát xướng hầu Thánh, một nét độc đáo ở các kỳ lễ hội.
![]() |
Lễ hội đền Tranh được coi là một trong những lễ hội lớn nhất tại Hải Dương, chính vì vậy có sức hút du khách thập phương về chiêm bái rất đông. Trong khuôn khổ của lễ hội, cũng diễn ra nhiều hoạt động như: hát văn (một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền), đồng thời là hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng dân gian.
![]() |
Ngoài lễ bái, cầu may, người dân có thể đến xin chữ đầu năm. |
Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động khác như, các trò chơi dân gian của phần hội cũng được khôi phục. Các nghi thức lễ rước bộ và nghi thức tế mẫu (nghi lễ tế cung đình) cũng được diễn ra trang trọng bên cạnh như trò chơi dân gian đặc sắc.
Trước những giá trị về di tích, văn hoá… vào năm 2009, đền Tranh cũng đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia và ngày càng trở nên nổi tiếng, thu hút hơn.