Khánh Hòa đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, xoài Úc và bưởi da xanh Bến Tre: Bưởi da xanh tăng giá cao Trà Vinh:Trồng bưởi da xanh chuẩn VietGAP đạt hiệu quả cao |
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu bền vững, Đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung phát triển vùng bưởi da xanh chuyên canh. Với mô hình sản xuất bưởi chuyên canh, người dân có thể ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến để đảm bảo nguồn cung, nâng cao chất lượng, theo hướng an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Đồng bằng sông Cửu Long tập trung phát triển vùng trồng bưởi da xanh chuyên canh |
Với khoảng 8.000ha bưởi da xanh đặc sản được trồng ở thành phố Bến Tre và các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm… Tỉnh Bến Tre là địa phương có diện tích bưởi da xanh lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, thời gian qua thống kê bình quân cho thấy thu nhập từ bưởi da xanh của nông dân ở các huyện đạt khoảng 500 triệu đồng/ha trở lên. Đây là loại cây ăn trái hiệu quả rất cao, chính vì vậy mà diện tích bưởi da xanh không ngừng phát triển.
Với điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai màu mỡ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế mạnh để phát triển các vùng trồng bưởi chuyên canh nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Bưởi là loại trái cây có vỏ dày, dễ bảo quản, thời gian bảo quản sau thu hoạch dài nên có thể xuất khẩu bằng đường biển với chi phí thấp.
Nhờ đảm bảo chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trái bưởi của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo được uy tín trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Đây được coi là cây trồng chủ lực nhằm phát triển kinh tế, trái bưởi da xanh được khuyến khích mở rộng vùng sản xuất, chuyển giao kỹ thuật thâm canh, tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Một vườn bưởi da xanh trồng theo hướng hữu cơ ở Trà Vinh |
Thời gian tới, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác và liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các vùng trồng chuyên canh, đăng ký chỉ dẫn địa lý và hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap phục vụ thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, sản xuất trái cây theo hướng chất lượng và an toàn được nhiều nước quan tâm, nhất là, Bắc Mỹ và một số nước khác như Newzeland, Nhật Bản…
Đồng thời, Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam đã có hiệu lực, dung lượng thị trường nhập khẩu bưởi của EU rất lớn. Tuy nhiên, để trái bưởi Việt Nam mở rộng thị phần tại EU, ngành bưởi Việt Nam cần phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các thị trường này đặt ra các tiêu chuẩn quy định để buộc sản phẩm nông nghiệp của các quốc gia khác đạt tiêu chuẩn ngon, an toàn trước khi vào thị trường của họ. Cho nên, việc sản xuất đúng chuẩn an toàn, chất lượng luôn luôn tạo ra sản phẩm được thị trường đón nhận. Đó là con đường mà nông dân phải hướng đến nếu muốn phát triển bền vững.
Tuy nhiên diện tích bưởi được trồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn VietGAP và GlobalGAP còn thấp. Trong khi công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn khá thô sơ, chưa thể đảm bảo sản lượng để phục vụ xuất khẩu bền vững. Do đó, cần thiết phải xây dựng các vườn bưởi da xanh theo các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.