Vẻ đẹp huyền ảo của “bông súng ma” vào mùa nước nổi
![]() |
Mùa nước nổi vẫn luôn là một trong những thời điểm sở hữu khung cảnh thiên nhiên đẹp, độc đáo nhất tại Miền Tây. Mùa nước nổi thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Trong thời gian “con nước tràn bờ” là điều kiện lý tưởng để hệ sinh thái động thực vật ăn theo mùa nước sinh sôi nảy nở.
Khi miền Tây những ngày bước vào mùa nước nổi là dịp người dân bản xứ khai thác hiệu quả sản vật để chế biến những món ăn ngon. Trong đó, mùa nước nổi cũng là mùa nở rộ của hàng loạt bông súng trên khắp các vùng sông nước miền Tây.
Ghé miền Tây vào mùa nước nổi, du khách không khó bắt gặp hình ảnh bông súng được bán đầy ở các chợ hay những rạp nhỏ ven đường. Đặc đặc trưng của loại hoa này là có màu tím, hồng hoặc trắng, thường chỉ nở rộ trong mùa nước nổi. Do chỉ nở rộ vào thời điểm ban đêm, còn khi mặt trời lên sẽ tàn và chìm sâu xuống nước nên loài hoa đặc sản này còn được gọi với cái tên "bông súng ma".
Bởi chỉ nở vào ban đêm nên người dân miền Tây muốn thu hoạch bông súng ma phải đi ra đồng từ lúc nửa đêm và thực hiện thu hoạch cho đến tận khi mặt trời lên. Kích thước của các bông súng ma phụ thuộc rất nhiều vào mực nước dâng. Theo đó nếu nước dâng 3 đến 4m thì nó cũng sẽ dài ra một khoảng cách y nguyên. Vì vậy, loại hoa này có kích thước vô cùng lớn, chiều dài trung bình thường dao động từ 4 - 5m, thậm chí có cây súng còn dài gần 7m.
![]() |
Vào mùa nước nổi, thu hoạch bông súng ma chính là công việc chính của người dân nơi đây. Thời điểm bông súng ma nở rộ, người dân thu hoạch loại hoa này có thể kiếm được thu nhập đến hàng triệu đồng. Đến miền Tây, đặc biệt là An Giang vào mùa này, du khách có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh vạt áo bà ba của người phụ nữ đang hái, thu hoạch bông súng trên cánh đồng. Nhiều nhiếp ảnh gia cũng lựa chọn thời điểm này để thực hiện các shoot ảnh trên cao ghi lại hình ảnh thu hoạch bông súng ma vô cùng sống động, đẹp mắt.
Nếu xưa bống súng ma là loại quen thuộc đối với người dân miền Tây thì giờ đây đã trở thành đặc sản được rất nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là chị em phụ nữ. Bông súng ma không giống với bất cứ loại súng nào mọc ở trên ao hồ. Ngoài có kích thước lớn và chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi, súng ma còn có mùi rất thơm và có hương vị ngọt dịu.
Thường chị em mua về trưng tại phòng khách hoặc phòng ngủ, thêm phần lãng mạn cho không gian sống. Do vẻ đẹp của loại hoa này thể hiện ở phần thân mềm mại nhưng luôn có sức sống mãnh liệt, mọc trong điều kiện mưa lũ khắc nghiệt nhất. Vì thế chị em toả sức chơi hoa mà không lo sợ nhanh héo nhanh tàn.
Ghé miền Tây nếm đặc sản từ bông súng ma
Bông súng ma không chỉ là một loài hoa có giá trị kinh tế, trang trí đẹp mà còn có mùi hương rất thơm cùng hương vị ngọt dịu. Ngoài ra, bông súng ma cũng được sử dụng phổ biến để chế biến nhiều món ăn có mùi vị hấp dẫn được nhiều người dân miền Tây cũng như du khách ưa thích như: Ăn sống, bóp gỏi, nấu canh chua, xào tép, làm mắm kho,...
Mặn mà bông súng mắm kho
![]() |
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng đã từng nhắc đến món mắm kho bông súng nổi tiếng nhất là ở Đồng Tháp: “Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”.
Dù không được xếp vào những món ăn quý tộc, nhưng bông súng mắm kho đã có mặt từ rất sớm trong bữa ăn của đại bộ phận dân nông thôn miệt vườn. Đây là món ăn dễ làm, không tốn kém nhiều lại mang đậm hương vị đồng quê nên để lại ấn tượng sâu đậm trong ký ức những ai lần đầu thưởng thức.
Mắm kho phải là mắm kho cá sặc đồng ngâm trong hũ mắm bằng sành, trên gài nhánh cây ổi tươi có lót mo cau ăn mới ngon. Mắm dỡ ra có màu đỏ thẫm thơm lừng, ăn sống với cơm nguội càng ngon.
Mắm lấy ra đem để trong nồi cho nước vào xâm xấp, nấu cho vừa sôi đem xuống rồi lược lấy nước bỏ xương. Nước đầu để riêng, nước thứ hai, nước thứ ba bắc nồi nấu lại thêm muối, bột ngọt, đừng quên thêm ớt, sả - hai món này không thể thiếu khi ăn mắm kho.
Sống giữa đồng nước mênh mông nên nồi mắm kho ở đây chỉ có cá rô, cá linh, cá lóc, con tép đất. Khi nồi mắm sôi vài lần thì trút mắm nước đầu vào cho sôi bồng lên, hớt bọt rồi nhắc xuống. Khi nấu, chúng ta có thể xắt cà nấu chung ăn càng ngon.
Ăn mắm kho bông súng đúng cách phải ngồi ăn dưới đất. Bông súng để nguyên cọng dài, dùng tay bẻ nùi bỏ vào chén, chan nước mắm kho lên cho ngập bông súng, thêm mấy con tép màu đỏ làm tăng thêm phần hấp dẫn rồi lấy đũa lùa vào miệng, từ từ nhai cho thấm vào tận chân răng.
Mắm kho thơm ngon lại có chất cay của ớt, the của sả, ngọt của tép, cái giòn bông súng tạo thành món ăn tuyệt vời. Có dịp đến Đồng Tháp, du khách sẽ thấy cách tiếp đãi nồng hậu của người dân nơi đây với nhiều món ăn lạ đồng quê, trong đó nồi mắm kho ăn với bông súng là món ăn đặc sản đáng để mọi người thưởng thức
Ngon ngọt với gỏi bông súng
![]() |
Nếu đặt chân đến An Giang, bạn phải thử món gỏi bông súng vừa ngon vừa lạ miệng. Món ăn này đặc biệt kích thích vị giác khi được trộn với tôm, thịt, bánh phồng tôm.
Bông súng sau khi đem về thì lột sạch lớp da bên ngoài, cắt khúc, rửa sạch, ngâm nước đá để tăng độ giòn xong xong cho tỏi, ớt, chanh, đường và nước mắm vào. Sau đó đổ tôm sú luộc và thịt nạc khìa xắt mỏng vào trộn chung.
Ngoài ra bạn có thể rắc thêm rau rau răm, ớt đỏ thái chỉ, hành tây… vừa để trang trí vừa làm tăng thêm hương vị đậm đà, nhìn vào là phát thèm và muốn khám phá ngay mùi vị đặc trưng của bông súng hương đồng gió nội. Chuẩn bị một chén nước mắm ớt tỏi tùy khẩu vị là đã có món gỏi bông súng ngon tuyệt.
Ăn món gỏi bông súng, người ăn cảm nhận được vị ngọt của phù sa và mát lành của sông nước đồng quê trong từng cọng bông súng. Nếu có thêm vị cay cay nồng nồng của đế nếp Gò Đen nữa thì món gỏi bông súng đã để lại trong lòng thực khách một hương vị nhớ đời của miền Tây.