Cây thồm lồm- Vị thuốc trị viêm tai và các bệnh ngoài da Cây chìa vôi - Loài cây dân dã trị đau nhức xương khớp Mướp khía - Loại cây "dễ tính" có nhiều lợi ích với sức khỏe |
Đặc điểm của cây thanh táo
Cây thanh táo có tên khoa học là Justicia gendarussa L thuộc họ ô rô - Acanthaceae và còn được biết đến với các tên khác như thuốc trặc, tần cửu...
Cây thanh táo thân cỏ, có chiều cao khoảng 1-1.5m, thân và cành cây có màu xanh lục hoặc tím sẫm.
Lá cây thanh táo mọc đối xứng nhau, phiến lá có hình mác dài khoảng 4 - 14cm, rộng 1 - 2cm. Trên mặt lá cây thanh táo thường có nhiều đốm đen, vàng hoặc nâu do nấm Puccinia Thwaitesii gây ra.
Hoa của cây thanh táo thường mọc ở trên ngọn hoặc nách lá, cây thanh táo ra quả vào mùa hè, quả dài khoảng 1.2cm có bốn hạt bên trong.
Thanh táo có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hiện nay, cây sinh trưởng ở nhiều nơi như Ấn Độ, Triều Tiên, Trung Quốc (vùng Đông Bắc, Quảng Đông), Đài Loan, Indonesia, Philippin, Thái Lan, Malaysia...
Ở nước ta, cây thanh táo mọc hoang ở bờ khe suối ngoài cửa rừng và thường được trồng làm cây cảnh, cây hàng rào ở các tỉnh trung du, đồng bằng phía Bắc.
Thành phần hóa học
Đã có nhiều nghiên cứu cho biết cây thanh táo chứa hoạt chất justicin thuộc nhóm alkaloid và khoảng 0.001% tinh dầu.
Theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, thanh táo có tính bình, hơi chua và đắng, được quy vào 4 kinh là đại tràng, vị, đảm và can. Tác dụng của dược liệu cây thanh táo là trấn thống, tiêu sưng, hoạt huyết, hoàng đảm, tán ứ, hạ sốt, giảm ho, lợi đại tiện.
Y học Trung Quốc có các bài thuốc dùng rễ cây thanh táo để hãm làm nước uống hạ nhiệt, giảm đau, lợi tiểu, tiểu khó, thấp khớp, tiêu chảy, mụn nhọt, lao phổi. Lá thanh táo có thể chữa đau lưng, đau nửa đầu, eczema, sưng tấy, ho, sốt, vô kinh.
Y học dân gian Ấn Độ sử dụng cây thanh táo để điều hòa kinh nguyệt, hạ sốt, nôn, vô kinh, ra mồ hôi và điều hòa dạ dày. Lá dược liệu này được dùng để chữa sốt rét theo chu kỳ, tê phù, thấp khớp, nhức đầu, liệt bán thân bằng cách hãm lấy nước uống như uống trà. Rễ cây thanh táo có khả năng điều trị tiêu chảy, tiểu khó, vàng da, nổi mụn nhọt, thấp khớp.
Dân gian ta lưu truyền bài thuốc giã nát cành cây thanh táo để sắc lấy nước uống hoặc đắp lên vùng bị đau nhức xương khớp,...
Mỗi ngày dùng 6 - 12g, có thể lên đến 20g dưới dạng dược liệu ngâm rượu, thuốc sắc hoặc thuốc cao.
Theo y học hiện đại
Vỏ Thanh táo có tác dụng gây nôn. Lá cây chứa alkaloid justicin có độc tính thấp. Nước sắc hoặc cao rượu từ rễ cây gây liệt nhẹ khi thí nghiệm trên chuột cống trắng với liều 1 - 2g/kg thể trọng. Nếu tăng liều lên 10 - 20g/kg, có hiện tượng hạ thân nhiệt, ức chế thần kinh, tiêu chảy nặng và cuối cùng là gây chết.
Gần đây, các chuyên gia thuộc nhóm Hợp tác đa dạng sinh học quốc tế từ Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Đại học Illinois (Mỹ) và Đại học Baptist Hồng Kông (Trung Quốc) đã tìm ra hoạt chất patentiflorin A chiết từ cây Thanh táo có tác dụng kháng virus HIV với hoạt tính mạnh hơn azidothymidine (AZT), mở ra hướng điều trị mới và hiệu quả hơn cho những bệnh nhân HIV.
Bài thuốc sử dụng cây thanh táo
Chữa choáng váng, mờ mắt, ra máu sẫm ở phụ nữ sau sinh
Dùng 20 - 30g mỗi vị: cỏ mần trầu, mần tưới, thanh táo đem sắc lấy nước uống.
Chữa bong gân, sai khớp
Đem sắc 50g lá diễn tươi, 20g lá thanh táo, 20g cốt toái bổ, 20g trạch lan, 20g xuyên tiêu sắc lấy nước uống khi còn ấm.
Hoặc: Lá thanh táo, lá ngải cứu, lá diễn dùng tươi, mỗi vị lấy lượng bằng nhau. Giã nhỏ, đắp 2 lần/ngày.
Chữa mụn nhọt, lở loét
Lấy một lượng bằng nhau lá cây mỏ quạ và lá của cây thanh táo đem rửa sạch, giã nhuyễn rồi đắp trực tiếp lên vết thương, 1 lần/ngày.
Chữa các bệnh hậu sản
Sử dụng cây thanh táo, cây mần tưới, cỏ mần trầu, mỗi vị phân lượng đều 30g, sắc cùng 500ml nước đến khi còn 200ml thì chia thành 2 lần dùng uống trong ngày.
Chữa tinh hoàn đau nhức, một bên tinh hoàn sa xuống
Sử dụng rễ cây cây thanh táo, rễ bần trắng, rễ sưng, rễ vậy đỏ, mỗi vị 20 – 30 g, sắc thành thuốc dùng uống trong ngày.
Chữa ho, sốt, mồ hôi trộm
Sử dụng rễ cây thanh táo, địa cốt bì, miết giáp, sài bồ, mỗi vị đều 10g, tri mẫu, đương quy, mỗi vị 5g, thanh cao, ô mai, mỗi vị đều 4g, sắc với 600ml nước, đến khi còn 200 ml thì chia thành 3 lần, dùng uống trong ngày.
Trị xương gãy
Sử dụng cây thanh táo tươi giã nát (hoặc dùng cây khô tán nhỏ), trộn một ít rượu, giấm, đắp vào vết thương.
Hoặc: Dùng 30g từng loại dược liệu: vỏ cây gạo, lá thanh táo, lượng cơm nếp vừa đủ và 1 con gà con, đem xay nhuyễn cùng ít rượu sau đó đắp bó phần xương bị gãy và dùng nẹp thân cây mía dò cố định lại (Lưu ý không đắp lên vết thương hở).
Chữa đau nhức xương khớp
Lấy 10 - 15g thanh táo khô hoặc 30 - 50g thanh táo tươi sắc rồi chắt lấy nước uống hết trong ngày.
Chữa sưng tấy vết thương kín
Sắc 10g thanh táo khô hoặc 50g thanh táo tươi với 850ml nước cho đến khi còn 200ml thì chắt nước, chia làm 2 lần uống/ngày.
Điều trị tay chân tê dại mất cảm giác
Dùng 20g vỏ cây thanh táo, hoàng lực, dây chìu, độc lực cùng với 10g thiên niên kiện, cốt khí sắc thành nước uống.
Lưu ý khi dùng cây thanh táo
Tuy có rất nhiều công dụng chữa bệnh nhưng cây thanh táo lại có một hàm lượng nhỏ độc tính alkaloid nên trước khi dùng dược liệu này để chữa bệnh cần có sự tư vấn từ thầy thuốc có chuyên môn.
Người cao tuổi, thai phụ và trẻ nhỏ cần thận trọng khi dùng dược liệu này để tránh nguy cơ bị nhiễm độc.
Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Những tác dụng tuyệt vời của hoa hòe |
Cây sung - Món quà quý giá cho hệ tiêu hóa |
Cây xáo tam thân - dược liệu điều trị ung thư |