Cây Rau mương (tên khoa học: Ludwigia prostrate) có nhiều loại, thuộc chi Rau mương (Ludwigia), họ Rau dừa nước (Onagraceae), được biết đến với những cái tên như rau mương đất, rau mương thon, rau mương nằm,… Có người còn gọi là cỏ Cuốn chiếu hay cây Lức.
Đây là loại cây thân thảo sống một năm, cây có thể mọc nằm hoặc mọc đứng. Thân cây dài khoảng 0,4 – 0,6m, màu xanh lục, phân nhánh nhiều, nhánh có cạnh và có màu đỏ. Thân và cành có 4 góc lồi. Trên cành cây rau mương có nhiều lá màu xanh lục, dạng thuôn dài và có mũi nhọn. Hoa rau mương mọc thành cụm từ nách lá ra ngoài, có màu vàng. Từ hoa, quả rau mương mọc ra có hình trụ, nhẵn, chiều dài từ 2 - 3cm.
Được gọi là “rau”, nhưng lại ít thấy ai dùng làm rau ăn hàng ngày thế nhưng trong dân gian, từ lâu cây rau mương đã được sử dụng làm vị dược liệu giá trị. Theo Y học cổ truyền, loại cây này có tính mát, vị ngọt, tác dụng trừ thấp, thanh nhiệt, tiêu sưng, tiêu thũng, hỗ trợ cầm tiêu chảy và kiết lị rất tốt. Sử dụng cây rau mương đúng cách có tác dụng cải thiện triệu chứng cho nhiều bệnh lý như: ho gà, mụn trứng cá, đau khớp, đau nhức răng, viêm ruột, viêm họng, đau dạ dày, tiểu đường, rối loạn tiêu hóa,...
Mặc dù có dược tính tốt, tuy nhiên để đảm bảo an toàn, cần lưu ý một số điều sau đây:
- Không nên tự ý sử dụng làm thuốc điều trị khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ Y học Cổ truyền, việc dùng sai cách có thể làm giảm dược tính hoặc thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Để sử dụng cây rau mương làm vị thuốc chữa bệnh, cần sơ chế sạch sẽ, ngâm qua nước muối loãng để sát khuẩn. Nếu cây rau không được rửa sạch có thể mang theo vi khuẩn, nguồn bệnh xâm nhập vào cơ thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Không nên quá lạm dụng cây rau mương làm thuốc chữa bệnh, cần dùng đúng liều lượng và thời gian khuyến nghị của bác sĩ để tránh gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Hiệu quả khi sử dụng cây rau mương chữa bệnh với từng người có thể khác nhau phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, bệnh lý, cơ địa và thời gian sử dụng. Với các bệnh cấp tính nguy hiểm, cần đi khám bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị nhanh.
Thực tế các bài thuốc dân gian sử dụng cây rau mương đã đem lại hiệu quả cải thiện triệu chứng bệnh cho nhiều người song vẫn chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể về dược tính thành phần của loại thảo mộc này. Do vậy, trước khi sử dụng, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn dùng cũng như theo dõi tiến triển bệnh.
Một số bài thuốc dân gian sử dụng cây rau mương
Trong dân gian cũng lưu truyền nhiều bài thuốc sử dụng cây rau mương để chữa bệnh, cải thiện triệu chứng bệnh và tăng cường sức khỏe. Cách sử dụng phổ biến nhất là các bài thuốc sắc dùng cây rau mương khô hoặc dùng tươi nhai nuốt trực tiếp. Liều dùng an toàn và có dược tính tốt được khuyến cáo là 40 - 50g với cây rau mương tươi là 20 - 40g với cây khô.
Bài thuốc trị bệnh tiểu đường
Nguyên liệu cần dùng: 15g rau mương, 15g chuối hột, 10g lá vú sữa tím, 15g lục bình, 15g dây mây, 10g cam thảo nam và 20g khổ qua.
Cách sử dụng: Cho các nguyên liệu của bài thuốc sắc cùng 3 chén nước, sau đó lọc lấy nước thuốc uống trong ngày. Nên chia uống 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều hàng ngày.
Bài thuốc trị đau dạ dày do khuẩn HP
Có thể sử dụng cây rau mương cả khô và tươi như sau:
Chuẩn bị cây rau mương có hoa vàng, chiều cao trên 1m, rửa sạch, phơi khô rồi sao vàng hạ thổ. Sử dụng để sắc với nước, uống hàng ngày để cải thiện triệu chứng bệnh dạ dày.
Chuẩn bị cây rau mương tươi, ngấm với nước muối loãng để sát khuẩn, làm sạch, sau đó giã nát với nước lọc. Phần nước cốt chia ra uống 2 lần trong ngày, tác dụng khi sử dụng cây rau mương tươi nhanh hơn.
Bài thuốc trị viêm họng, viêm amidan
Hái 1 nắm lá cây rau mương, rửa sạch ngâm muối để sát khuẩn. Sử dụng để nhai nuốt trực tiếp cùng với muối 1 lần vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Sử dụng trong vài ngày triệu chứng bệnh viêm họng, viêm amidan được cải thiện bạn sẽ thấy dễ chịu hơn.
Bài thuốc trị áp xe, mụn nhọt
Bạn lấy lá và thân của cây rau mương, rửa sạch rồi ngâm với nước muối pha loãng trong 5 - 10 phút. Sau đó lấy hỗn hợp đắp lên nốt mụn trong 10 - 15 phút. Có thể kết hợp uống thêm thuốc sắc từ cây rau mương sao khô để làm mát, giảm mụn nhọt hiệu quả.
Bài thuốc trị tiêu chảy, đầy bụng
Chuẩn bị 1 nắm lá cây rau mương, rửa sạch ngâm với muối. Sau đó giã nát rồi uống phần nước cốt, triệu chứng khó chịu ở bụng sẽ được cải thiện.
Cây rau mương rất dễ trồng và có thể thu hái quanh năm. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng của cây thuốc và tăng tác dụng chữa trị bệnh thì thời điểm tốt nhất để thu hoạch cây rau mương là vào mùa hè thu. Sau khi thu hái, bạn đem rau mương đi rửa sạch, để ráo rồi thái khúc và phơi khô. Nên bảo quản cây rau mương ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
Cây Sim rừng - Dược liệu quý trong Đông y |
Cây nhân trần - Dược liệu quý với nhiều công dụng chữa bệnh |
Loài cây vừa là "đặc sản” hấp dẫn, vừa là dược liệu quý |