Nhóm nông, lâm, thủy sản, tuy kim ngạch khiêm tốn nhưng tăng ngoạn mục tới 38,8%. |
Hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 59,3 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ 2023; nhập khẩu 54,6 tỷ USD, tăng 19% và nhờ đó cả nước xuất siêu 4,7 tỷ USD. Trong đó, có 12 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên và đều tăng cao, riêng xơ sợi đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 86,4%. Có 9 thị trường xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó Mỹ đứng đầu với 17,4 tỷ USD, vượt xa Trung Quốc thứ 2 chỉ được 8 tỷ USD. Mỹ cũng đứng đầu về xuất siêu của Việt Nam với trị giá 15,3 tỷ USD.
Nhóm nông, lâm, thủy sản, tuy kim ngạch khiêm tốn nhưng tăng ngoạn mục tới 38,8%. Rau quả vào Trung Quốc vẫn là số 1, song xuất sang Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc lại bất ngờ tăng vọt. Thị trường gạo dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu.
Sự khởi đầu của El Nino và tác động tiềm tàng của hiện tượng thời tiết này đối với các khu vực trồng lúa rộng lớn trên thế giới đã cho thấy mối lo ngại về nguồn cung - càng có dịp để Việt Nam thể hiện trách nhiệm an ninh lương thực với cộng đồng quốc tế. Tôm xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 3 lần, cạnh tranh với Ecuador tại thị trường này, vì đối thủ này đang gặp nhiều bất lợi về nguồn cung. Xuất khẩu tôm được kỳ vọng sẽ tăng vọt so với 2023.
Đồ gỗ là mặt hàng duy nhất trong khối nông, lâm nghiệp xuất khẩu vượt 1 tỷ USD chỉ trong 1 tháng, là do dịp Tết Nguyên đán có nhiều chương trình khuyến mãi hoặc tổ chức bán hàng tốt nên thu hút được nhiều khách hàng quốc tế.
Nhóm công nghiệp chế biến, với tỷ trọng 85,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước nên tăng 19,3% là khích lệ, bởi trị giá gia tăng đóng góp tới 86,4% kim ngạch tăng của xuất khẩu 2 tháng qua (8,3 tỷ USD/9,6 tỷ USD). Trong số 32 mặt hàng thuộc nhóm này có 26 mặt hàng tăng, cũng trong đó có 16 mặt hàng tăng từ 20% trở lên. Nhu cầu các thị trường nhập khẩu hồi phục nên đã có đơn hàng mới.
Trong tổng thể nhập khẩu tăng 18%, nhóm cần nhập khẩu tăng tới 22,2% chứng tỏ “đầu vào” cho sản xuất nói chung và làm hàng xuất khẩu nói riêng đã được bảo đảm. Trung Quốc vẫn là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 20,8 tỷ USD trong khi Hàn Quốc đứng thứ hai chỉ có 7,7 tỷ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc 12,8 tỷ USD cũng đứng số 1. Với những tín hiệu ban đầu, dự đoán năm 2024 sẽ không quá nhọc nhằn đạt mục tiêu xuất khẩu tăng 6%, xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.
Biển Đỏ vẫn phức tạp; xung đột ở Ukraine, ở Dải Gaza kéo dài, nghiêm trọng đe dọa nền kinh tế toàn cầu mới hồi phục mong manh, chúng ta cũng phải chịu trận. Đơn hàng đã khởi sắc nhưng chủ yếu vẫn là những đơn hàng nhỏ lẻ, lắt nhắt mà lại phải giao gấp (trước đây lịch nhập hàng thường từ 6 - 12 tháng).
“Hàng rào kỹ thuật” của các nước vẫn sừng sững, tính đến nay, Canada đã điều tra 8 vụ việc phòng vệ thương mại đối với thép nhập khẩu của Việt Nam, trong đó có 5 vụ chống bán phá giá, 2 vụ chống trợ cấp và 1 vụ tự vệ với hầu hết các mặt hàng/loại hình thép.
Trong lĩnh vực thủy sản - thẻ vàng IUU chưa được gỡ bỏ, nguy cơ với xuất khẩu thủy sản là khó tránh. Thực ra chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2024 không đến nỗi quá cao xa, vậy mà vẫn phải lo. Ngành đồ gỗ sẽ đối mặt với thách thức về gỗ nguyên liệu nhập khẩu do EU quy định phải truy xét nguồn gốc gỗ xuất nhằm chống phá rừng và yêu cầu sản xuất gỗ phát thải carbon phải thấp.
Từ đó, phải kiên trì mục tiêu tăng trưởng; cụ thể hóa các giải pháp tổng thể cho 2024, điều chỉnh trước diễn biến nhạy cảm; củng cố thị trường truyền thống, tận khai thác các thị trường mới; thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; rốt ráo triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.