Việt Nam xuất siêu 4,72 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD sau 2 tháng đầu năm 2024 Lào Cai: Hoạt động xuất nhập khẩu sôi động trở lại |
Xuất khẩu tiếp tục khởi sắc, ấn tượng 4 nhóm hàng tỷ USD. |
Xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc
Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (từ ngày 1 - 15/3), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 16,67 tỷ USD. Đáng chú ý, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 3 có tới 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may. Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng này đã đưa quy mô kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 15/3 lên xấp xỉ 75,9 tỷ USD, tăng 20,57% so với cùng kỳ năm 2023.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 3 đạt 15,5 tỷ USD. Có 2 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ đô trong khoảng thời gian này là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/3, kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 69,7 tỷ USD, tăng 15,78% so với cùng kỳ năm 2023.
Từ đầu năm đến ngày 15/3, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 145,6 tỷ USD, với cán cân thương mại thặng dư 6,2 tỷ USD.
Riêng trong lĩnh vực rau quả, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thống kê sơ bộ số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 3/2024 xuất khẩu rau quả đạt 433 triệu USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt con số 1 tỷ USD ngay trong quý đầu tiên của năm.
Từ đầu năm đến nay, ngoài nhóm nông lâm sản có mức tăng khá, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo như điện thoại, máy tính, máy móc thiết bị cũng có sự bứt phá rõ rệt.
Dữ liệu 2 tháng đầu năm 2024, có tới 39/45 mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tới các thị trường lớn phục hồi, trong đó Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Nhật Bản ước tăng 19,6%; EU ước tăng 14,2%, Trung Quốc ước tăng 7,7%...
Nhiều triển vọng mới
Xuất khẩu giày dép được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao trong năm 2024. |
Theo đánh giá của giới chuyên gia, năm 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Trong đó, xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, nhiều thị trường ngày càng đề cao những tiêu chuẩn hàng hóa liên quan đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, vấn đề hàng tồn kho tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục và việc nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu của Việt Nam sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, đơn hàng quay trở lại là điều đáng mừng, song hầu hết mới chỉ là đơn hàng trong ngắn hạn. Vấn đề đặt ra để gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, doanh nghiệp phải thay đổi và thích ứng tốt hơn trước những tín hiệu mới từ thị trường, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, tuần hoàn, giảm phát thải và bảo đảm an toàn thực phẩm…
Như với ngành giày da, nhiều chuyên gia đánh giá, các nền kinh tế lớn cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng của ngành sẽ có khởi sắc trong năm 2024. Bên cạnh đó, Việt Nam có một số lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các quốc gia khác.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, ngành vẫn tập trung vào 5 thị trường chính: Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 35%, tiếp đến là EU 26%, Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Riêng Trung Quốc hiện chiếm 9% tỷ trọng và kim ngạch ngày một lớn, sẽ là thị trường giúp ngành da giày có dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024”, bà Thanh Xuân nói.
Để giữ vững đà tăng trưởng, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hàng hóa. Các nhóm hàng thế mạnh như đồ nội thất hay nông sản sẽ hỗ trợ cho nhóm linh kiện, điện thoại, thiết bị di động… nếu có suy giảm.
Doanh nghiệp nâng cao sản lượng và giảm chi phí thông qua đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, ngành hàng, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho hay, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới với các đối tác còn nhiều tiềm năng như Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), khối các nước MERCOSUR - Mỹ La tinh...
Đồng thời, Bộ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam…