Xe xếp hàng chờ đến lượt làm thủ tục. Ảnh Báo Công Thương |
Ông Phạm Văn Phúc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho biết, hai tháng đầu năm nay hoạt động xuất nhập khẩu đã “ấm” hơn so với cũng kỳ, tổng kim ngạch xuất nhập tăng khoảng 54%...
Cụ thể, tính từ đầu năm đến ngày 24/2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 159 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 86 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch nhập khẩu đạt trên 73 triệu USD…
Chỉ tính riêng trong 5 ngày Tết Nguyên đán, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành đạt xấp xỉ 13 triệu USD, tăng gấp hơn 3,5 lần so với dịp nghỉ Tết năm 2023.
Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hoa quả tươi như thanh long, sầu riêng, chuối, dưa hấu, chôm chôm và ván bóc. Đối với vàng nhập khẩu là các loại nông sản rau củ, quả; hóa chất; phân bón; máy móc, thiết bị... Số thu thuế xuất nhập khẩu đạt 140,2 tỷ đồng, tang 32% so với cùng kỳ năm 2023.
Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cho biết, đơn vị tạo điều kiện cho DN xuất khẩu bằng cách: “Đơn giản hoá thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp. Tăng cường vị trí đảm bảo thời gian nhanh nhất. Phối hợp lực lượng cửa khẩu tháo gỡ thời điểm vướng mắc. Thực hiện tuyên truyền về chính sách hải quan”.
Lào Cai hiện đang làm tốt việc kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Trung Quốc. Cùng với những nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tỉnh Lào Cai đã tổ chức hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại. Qua đó, doanh nghiệp hai nước đã sớm tìm được tiếng nói chung và đi đến thoả thuận hợp tác kinh tế được ký kết, mở ra cơ hội cho nông sản, đặc biệt là trái cây xuất khẩu.
“Chỉ đạo lực lượng thông thoáng nhanh gọn nhất, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Xúc tiến trao đổi các mặt hàng xuất khẩu trong miền Nam, như Bến Tre, Long An, Bình Thuận những tỉnh có nhiều trái cây xuất khẩu để làm sao tạo điều kiện mặt hàng nông sản của cả nước xuất khẩu qua Lào Cai” - ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai nói.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu mặt hàng hoa quả, Lào Cai đang nỗ lực cải thiện hạ tầng, gia tăng năng lực thông quan, giảm chi phí logistics để Lào Cai trở thành điểm kết nối hiệu quả giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Kim ngạch xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu Lào Cai tăng cao. |
Theo báo cáo của Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, trong năm 2023, tổng số doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn là 670 doanh nghiệp, số thu thuế xuất nhập khẩu đạt 817,88 tỷ đồng, đạt 87,9% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, đạt 60% chỉ tiêu Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai giao… Ông Phạm Văn Phúc chia sẻ, với các chỉ số 2 tháng đầu năm đạt được và hoạt động xuất nhập khẩu đang sôi động trở lại, việc thực hiện các chỉ tiêu được giao sẽ khả quan hơn.
Nhìn lại năm 2023, trong điều kiện có những khó khăn, nhưng kết quả hoạt động và những chỉ tiêu đạt được của Hải quan Lào Cai cũng đạt kết quả đáng ghi nhận, tổng kim ngạch xuất nhập trong năm 2023 đạt trên 1,4 tỷ USD…
Theo đánh giá của Cục Hải quan Lào Cai, năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong cả nước cũng như trên địa bản tỉnh Lào Cai gặp nhiều khó khăn, đơn đặt hàng không nhiều, sản lượng thấp, trị giá mặt hàng xuất khẩu thấp trong khi lãi suất ngân hàng tăng cao... do tổng nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu sụt giảm gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu; các dự án nhập khẩu máy móc tạo tài sản cố định cơ bản đã hoàn thành, đi vào hoạt động do vậy hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị giảm dẫn đến số thu nộp ngân sách giảm mạnh.
Sau dịch bệnh Covid 19 phía Trung Quốc tăng cường chính sách quản lý đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu cũng như chính sách quản lý mặt hàng, tăng thuế suất đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; quản lý chặt chẽ các cửa khẩu phụ, lối mở nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp qua các cửa khẩu phụ, lối mở…
Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng Hải quan Lào Cai đã nỗ lực, tăng cường triển khai một số mặt công tác của như cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan. Công tác thực hiện “Tuyên ngôn phục vụ khách hàng” (theo Chỉ thị số 815/CT-TCHQ của Tổng cục Hải quan) thường xuyên và kịp thời tư vấn, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp qua nhiều hình thức như: Trả lời bằng văn bản, trả lời trên cổng thông tin điện tử, giải đáp trực tiếp tại cơ quan hải quan, hướng dẫn qua điện thoại...