Các hộ trồng khoai lang, gừng, mía cũng bội thu nhờ giá tăng kỷ lục |
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 9/2023 ước đạt gần 587 triệu USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,134 tỉ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ 2022.
Xuất khẩu rau quả tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhờ trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Trong tháng 8/2023, trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 266,3 triệu USD, tăng 186,3% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 2,3 tỉ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với Trung Quốc, xuất khẩu rau quả sang các thị trường như EU, Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan.
“Xuất khẩu trái cây đã tăng trưởng mạnh mẽ ngay từ những tháng đầu năm 2023 do Trung Quốc mở cửa khẩu, cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 đã tạo đà cho xuất khẩu năm 2023”, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group cho hay.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, từ nay đến cuối năm còn 3 tháng, lại là thời điểm lễ, Tết, nên xuất khẩu rau quả còn dư địa rất lớn. Đặc biệt, các tháng còn lại là mùa thu hoạch của nhiều loại rau quả với sản lượng cả nước khoảng 7,6 triệu tấn. Nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Do đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ còn cao hơn bình quân các quý trước.
“Xuất khẩu rau quả có thể mang về hơn 5,5 tỉ USD trong năm 2023. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới, đưa sầu riêng trở thành mặt hàng mới có giá trị xuất khẩu trên 1,7 tỉ USD, góp phần vào nhóm hàng "tỉ đô" của ngành nông nghiệp”, ông Đặng Phúc Nguyên khẳng định.
9 tháng đầu năm, không chỉ người trồng sầu riêng, gạo lãi đậm mà các hộ trồng khoai lang, gừng, mía cũng bội thu nhờ giá tăng kỷ lục.
Anh Hòa, người trồng khoai lang tại Kon Tum, cho biết mùa vụ năm nay, anh có khoảng 3 ha. Tuần trước, một ha khoai lang lệ cần của anh cho thu hoạch 12 tấn củ. Với giá bán 18.000 đồng một kg cho hàng loại 1 và 13.000 đồng loại 2, anh thu được 170 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh Hòa lãi 100 triệu đồng một ha.
"Tôi còn 2 ha sẽ thu hoạch sau một tháng nữa. Nếu giá vẫn duy trì mức cao này, vụ thu hoạch năm nay gia đình tôi sẽ bội thu", anh Hòa nói.
Trồng khoai lang Nhật 10 năm nay, chị Lương ở Gia Lai, cho biết sản lượng vụ này không như kỳ vọng nhưng mỗi ha vẫn thu khoảng 20 tấn củ (nhà chị có hai ha, thu 40 tấn củ). Nhờ giá mặt hàng này lên cao kỷ lục, sau khi trừ chi phí 120-170 triệu đồng mỗi ha, năm nay chị lãi gần 400 triệu đồng.
Đặc biệt, năm nay nguồn cung khan hiếm, giá gừng tăng mạnh, đạt khoảng 30.000 đồng/kg, nông dân Nghệ An vui như Tết.
Gần 10 năm gắn bó với nghề trồng gừng, chị Mùa Chông Hơ ở bản Lữ Thành, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chia sẻ: Qua 2 vụ vừa qua, gừng xuống giá thê thảm từ chỗ cao nhất 25.000 đồng/kg, xuống chỉ còn 7.000 đồng/kg. Thời điểm đầu tháng 3/2022, gừng tiếp tục xuống giá 5.000 đồng/kg. Vụ này giá gừng lên cao tới 30.000 đồng/kg, thì lại không còn gừng để bán.
Ông Nguyễn Văn Luân - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp & Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn (huyên Kỳ Sơn, Nghệ An), cho hay, các năm trước gừng không tiêu thụ được trên thị trường, khiến sản phẩm gừng của Kỳ Sơn phải "giải cứu", thì năm nay giá gừng lại bất ngờ tăng cao, cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Gừng năm nay được giá là nhờ xuất khẩu, trong khi gừng các nơi chưa vào vụ thu hoạch. Riêng hợp tác xã vụ này đã thu mua được 1.000 tấn, sơ chế để cung cấp cho các tiểu thương ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu ra nước ngoài, một phần chế xuất ra tinh dầu gừng.
"Do nhu cầu thị trường gừng đang cao, nên hiện nay hợp tác xã vẫn đến các địa phương thu mua gom gừng cho bà con. Tuy nhiên, đang vào cuối vụ, nên bà con thu hoạch được ít, mỗi ngày chỉ thu mua được vài ba tấn...", ông Luân nói.
Người trồng sầu riêng trúng đậm nhất |
Ông Lê Văn Toản ở Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết, gia đình trồng 6 sầu riêng cả sầu Dona và sầu Ri6, sản lượng năm nay ước đạt trên 100 tấn. Các thương lái đã đặt cọc bao mua cả vườn và đang cắt sầu.
“Năm nay giá sầu cao hơn năm ngoái rất nhiều. Tôi chốt bán sầu Dona giá 73.000 đồng/kg, Ri6 giá 50.000 đồng/kg mua xô tại vườn. Nhẩm tính vụ này tôi thu hơn 6 tỷ đồng”, ông nói.
Sau hơn 10 năm trồng sầu riêng, đây là năm loại cây này giúp gia đình ông Toản trúng đậm nhất. Trước đó, có năm ông thua lỗ vì giá rẻ; năm có lãi cũng chỉ vài trăm triệu, hoặc trên dưới 1 tỷ đồng.
Nhìn nhận về ngành nông nghiệp từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, khó khăn vẫn còn, nhưng những mặt tích cực đang lấn át. Xuất khẩu nông sản đạt được nhiều kỷ lục trong thời gian dài, một số mặt hàng đã vươn lên chiếm lĩnh được thị trường quan trọng.
Sắp tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán các hiệp định, đặc biệt là với mặt hàng dưa hấu từ xuất khẩu truyền thống sang chính ngạch tại thị trường Trung Quốc; hay hoàn tất các thủ tục để chanh leo vào Mỹ cuối năm nay.
Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu nông sản chuyển sang chính ngạch nên bền vững hơn. Đặc biệt, chúng ta đã chớp được cơ hội vàng trong xuất khẩu gạo, cà phê khi nguồn cung trên toàn cầu bị “thắt chặt". Nhờ đó, nông dân tăng thu nhập, thậm chí thu được tiền tỷ.
Bộ NN-PTNT đang đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thuỷ sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng mới...
Riêng về Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thị trường này đánh giá cao các mặt hàng nông sản của Việt Nam.