Xuất khẩu chè trong tháng 1 tăng mạnh so với cùng kỳ. |
Xuất khẩu chè đạt 12.398 tấn trong tháng 1
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 12.398 tấn, trị giá hơn 21 triệu USD, giảm 9,7% về lượng và 10% về trị giá so với tháng trước nhưng tăng khoảng 85% cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ 2023.
Xét về giá xuất khẩu trung bình, tháng 1/2024, giá xuất khẩu chè trung bình của Việt Nam đạt 1.694 USD/tấn, tương đương so với giá xuất khẩu trung bình hồi tháng 1/2023 nhưng giảm nhẹ 3% so với giá xuất khẩu trung bình cả năm 2023.
Xét về thị trường xuất khẩu, trong tháng 1/2024, chè Việt Nam đã xuất khẩu sang 16 thị trường, giảm 1 thị trường so với tháng 1/2023 (Philippines), và giảm 3 thị trường so với cả năm 2023, gồm Philippines, Kyrgyzstan và Kuwait.
Trong đó, Pakistan tiếp tục là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam, chiếm 36,7% trong tổng lượng và chiếm 43,7% trong tổng kim ngạch chè xuất khẩu của cả nước, với 4.556 tấn, tương ứng gần 9,2 USD, tăng 33% về lượng và 52% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Pakistan cũng là thị trường có mức giá xuất khẩu chè trung bình tương đối cao (2.013 USD/tấn), cao hơn so với giá xuất khẩu trung bình của mặt hàng chè.
Đứng thứ hai là thị trường Đài Loan (Trung Quốc). Với mức tăng trưởng khoảng 87% cả về lượng và trị giá xuất khẩu, đạt 928 tấn, trị giá gần 1,4 triệu USD, Đài Loan đã tăng 1 hạng trong bảng xếp hạng các thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam.
Vị trí thứ ba thuộc về Mỹ với tổng lượng chè xuất khẩu đạt 913 tấn, tương đương kim ngạch đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng 191% về khối lượng và gần gấp đôi về trị giá so với cùng kỳ.
Là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong top 5 thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam, Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng tới 412% về lượng và 145% về trị giá, đạt 701 tấn và hơn 1 triệu USD. Tuy nhiên, do mức tăng của lượng chè xuất khẩu cao hơn nhiều so với mức tăng của kim ngạch nên giá xuất khẩu chè bình quân sang thị trường Trung Quốc đã giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, từ 3,067 USD/tấn xuống mức 1.469 USD/tấn.
Ba Lan là thị trường ghi nhận mức tăng mạnh mẽ nhất, khi gấp tới 5,4 lần về lượng và 6,6 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, đạt 129 tấn, trị giá 188.881 USD.
Ghi nhận mức tăng cao thứ hai là Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), với mức tăng 409% về lượng và 377% về trị giá, đạt 173 tấn, kim ngạch đạt 379.221 USD.
Nhìn chung, giá xuất khẩu trung bình của mặt hàng chè sang phần lớn thị trường dao động quanh mức từ 1.300 USD/tấn - 1.600 USD/tấn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn ghi nhận một số thị trường có giá xuất khẩu trung bình cao hơn hẳn so với các thị trường khác.
Tháng 1 năm 2024, giá chè xuất khẩu trung bình sang thị trường Đức đạt gần 7.579 USD/tấn, tăng 105% so với mức 3.696 USD/tấn của cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu chè sang Đức chỉ tăng 12% về lượng nhưng tăng tới 130% về trị giá, đạt 19 tấn, tương ứng kim ngạch 143.992 USD.
Ngoài ra, còn một số thị trường cũng ghi nhận giá xuất khẩu trung bình cao so với các thị trường khác như Arab Saudi (2.546 USD/tấn), UAE (2.192 USD/tấn), Pakistan (2.013 USD/tấn).
Bên cạnh đó, cũng có một số thị trường ghi nhận giá xuất khẩu chè trung bình giảm và ở mức thấp như Malaysia (684 USD/tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước), Indonesia (991 USD/tấn, giảm 9%)...
Làm gì để phát triển ngành chè bền vững?
Đầu tư dây chuyền chế biến chè xanh tại HTX chè an toàn Long Cốc, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỈnh Phú Thọ |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 120 nghìn ha diện tích trồng chè. Cả nước có 257 doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp, tổng công suất theo thiết kế 5,2 nghìn tấn búp tươi/ngày, sử dụng 220 nghìn lao động sản xuất ra gần 200 nghìn tấn sản phẩm mỗi năm.
Trong hoạt động chế biến chè, một số doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại, sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm cho nên giá trị từng bước được nâng cao. Tuy nhiên trên thực tế, sản xuất chè ở Việt Nam còn nhiều yếu kém. Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cũng như sản xuất theo hướng hữu cơ đã được triển khai từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn đạt tỷ lệ còn thấp; quản lý chất lượng giống và các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây chè ở một số địa phương còn lỏng lẻo, chế tài xử lý còn nhiều khó khăn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra mục tiêu phát triển ngành chè bền vững, theo hướng hiện đại, đồng bộ, sản xuất hàng hóa, các sản phẩm đa dạng có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng chè của Việt Nam đạt từ 135 đến 140 nghìn ha; phấn đấu đến năm 2025 diện tích chè được chứng nhận an toàn lên 55% và đến năm 2030 khoảng 75%.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới và nâng cao kim ngạch xuất khẩu chè, ngành chè Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm mới.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm chè, giảm sản lượng chè xanh, tăng các sản phẩm chf chế biến sâu và chè đặc sản, như chè ô long, chè lên men, hồng trà, bạch trà, chè ướp hương thơm từ các loại hoa…
Các địa phương cần thúc đẩy sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích nhân dân sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ nhân dân liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Xuất khẩu chè giảm mạnh cả về lượng và trị giá |
Thứ cây người Việt trồng nhiều, thị trường Anh nhập khẩu 53 nghìn tấn trong 6 tháng |
9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu chè đạt 82 nghìn tấn |