Kiểm soát dư lượng Ethylene Oxide để đảm bảo an toàn thực phẩm Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo vụ mì Hảo Hảo chứa chất cấm Chất Ethylene Oxide có thực sự nguy hiểm? |
Hàng rào kỹ thuật - yếu tố quan trọng đối với thương mại quốc tế
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, thương mại quốc tế giữa các quốc gia, khu vực nói chung bị điều chỉnh bởi hệ thống các hiệp định thương mại FTAs được ký kết ở cấp độ song phương hoặc đa phương. Bên cạnh đó, sản phẩm, hàng hóa xuất nhập khẩu còn bị điều chỉnh bởi hệ thống các quy định của mỗi quốc gia. Các hệ thống quy định tại FTAs hay tại quy định quốc gia thông thường sẽ bao gồm các “hàng rào phi thuế quan” và “hàng rào thuế quan”.
Khi các FTAs được ký kết ngày càng nhiều, các “hàng rào thuế quan” gần như được dỡ bỏ theo nguyên tắc chung là tạo thuận lợi tối đa cho thương mại. Do đó, các vấn đề về thuế, hải quan, hạn ngạch, các thủ tục hành chính, điều kiện gia nhập thị trường… không còn thực sự là trở ngại lớn đối với bất kỳ nhà đầu tư, nhà sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, thay vào đó, vì nhiều mục tiêu khác nhau như bảo vệ sức khỏe con người, động thực vật, các vấn đề môi trường, lợi ích quốc gia bao gồm an ninh, quốc phòng và kể cả lợi ích kinh tế, các nước sẽ tăng cường việc xây dựng các “hàng rào kỹ thuật về TBT” (biện pháp TBT) và “các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật” (biện pháp SPS). Đây chính là một trong những hàng rào phi thuế quan và nó được quy định chặt chẽ về quy trình xây dựng, áp dụng, cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến xây dựng, ban hành và áp dụng các biện pháp kỹ thuật này bởi Tổ chức Thương mại thế giới WTO.
Sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam bị Ireland thu hồi đã gây hoang mang cho người tiêu dùng |
Về nguyên tắc, các biện pháp TBT và biện pháp SPS này là cần thiết và hợp lý nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khoẻ con người, môi trường, an ninh... Vì vậy, mỗi nước đều thiết lập và duy trì một hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hoá của mình và hàng hoá nhập khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế, các biện pháp kỹ thuật có thể trở thành những rào cản tiềm ẩn đối với thương mại quốc tế bởi chúng có thể được nước nhập khẩu sử dụng để bảo hộ cho sản xuất trong nước hoặc bảo vệ các mục tiêu một cách quá mức, tạo ra rào cản không cần thiết đối với thương mại dẫn đến khó khăn cho việc thâm nhập của hàng hoá nước ngoài vào thị trường nước nhập khẩu.
Trong thực tiễn thương mại quốc tế, gần đây, các vấn đề tranh chấp về TBT và SPS ngày càng được đưa ra nhiều hơn, hệ thống cảnh báo vi phạm, quyết định thu hồi, quyết định cấm nhập khẩu liên quan đến TBT và SPS cũng được ban hành nhiều hơn. Điều đó cho thấy, đây có thể coi là một cuộc chiến tương đối phức tạp và gay gắt giữa các nước, các doanh nghiệp cạnh tranh toàn cầu.
Về bản chất, “biện pháp TBT” bao gồm “các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu và/hoặc quy trình, thủ tục nhằm đánh giá sự phù hợp của hàng hoá nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó”. Cụ thể các tài liệu này sẽ đưa ra các quy định về đặc tính của sản phẩm (bao gồm cả đặc tính về an toàn và chất lượng), các quy trình và phương pháp sản xuất có ảnh hưởng/tác động đến đặc tính của sản phẩm, các thuật ngữ, ký hiệu hoặc các yêu cầu về đóng gói, ghi nhãn áp dụng cho sản phẩm…
Bên cạnh đó, biện pháp SPS bao gồm bất kỳ biện pháp nào áp dụng để: Bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ động vật hoặc thực vật trong lãnh thổ thành viên WTO khỏi nguy cơ xâm nhập, xuất hiện hay lan truyền của sâu, bệnh, vật mang bệnh hay vật gây bệnh; bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ con người hoặc động vật trong lãnh thổ thành viên WTO khỏi nguy cơ từ các chất phụ gia thực phẩm, tạp chất, độc chất hoặc vật gây bệnh trong thực phẩm, đồ uống hoặc thức ăn gia súc; bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ con người trong lãnh thổ thành viên khỏi nguy cơ từ các bệnh do động vật, thực vật hay sản phẩm của chúng đem lại hoặc từ việc xâm nhập, xuất hiện hay lan truyền sâu hại; hoặc ngăn chặn hay hạn chế tác hại khác trong lãnh thổ thành viên WTO khỏi sự xâm nhập, xuất hiện hay lan truyền của sâu hại.
Biện pháp SPS có thể bao gồm tất cả các quy định, yêu cầu và thủ tục, kể cả các tiêu chí sản phẩm cuối cùng, các quá trình và phương pháp sản xuất, thử nghiệm, thanh tra, chứng nhận và thủ tục chấp thuận; xử lý kiểm dịch kể cả các yêu cầu gắn với việc vận chuyển động vật hay thực vật hay gắn với các nguyên liệu cần thiết cho sự tồn tại của chúng trong khi vận chuyển; các điều khoản về phương pháp thống kê có liên quan, thủ tục lấy mẫu và phương pháp đánh giá nguy cơ, và các yêu cầu đóng gói và dán nhãn liên quan trực tiếp đến an toàn thực phẩm…
Các biện pháp TBT và biện pháp SPS có thể được xây dựng, ban hành dưới dạng các văn bản khác nhau tùy vào hệ thống văn bản quy phạm của từng nước như luật, nghị định, chỉ thị, thông tư, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn hiệp hội…Việc xây dựng và ban hành các biện pháp này như một rào cản kỹ thuật trong thương mại đã và đang là xu hướng mạnh mẽ trên toàn cầu. Do đó, hầu hết các nước đều nhìn nhận một cách thận trọng và nghiêm túc về vấn đề này nhằm đạt mục tiêu chính đáng, bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia. Trong đó, các mục tiêu chính bao gồm: Bảo hộ sản xuất trong nước; bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Về cơ bản, các biện pháp TBT và SPS cũng thể hiện những mục tiêu khác nhau của mỗi nước (bảo vệ lợi ích công cộng, cam kết xã hội, thúc đẩy thương mại…) và cũng phản ánh những đặc trưng khác nhau của mỗi nước (đặc biệt về điều kiện địa lý, trình độ phát triển, nhu cầu thương mại và tài chính…). Vì thế, cho đến nay, chưa một thể chế thương mại nào, kể cả WTO có thể thống nhất về một bộ các biện pháp kỹ thuật chung cho bất kỳ loại hàng hoá nào mà chỉ có thể đưa ra các nguyên tắc chung các nước phải tuân thủ khi thông qua và thực thi các biện pháp kỹ thuật đối với hàng hoá.
“Đây chính là lý do vì sao các nước khác nhau có thể áp dụng mức giới hạn an toàn khác nhau cho cùng một sản phẩm, hàng hóa. Vì vậy, với cùng một tiêu chuẩn áp dụng, nhưng sản phẩm đó có thể được chấp nhận và phù hợp với quy định của nước này nhưng lại không được chấp nhận và phù hợp với quy định của nước kia, dẫn đến yêu cầu bắt buộc về thu hồi sản phẩm” - đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương thông tin.
Doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ về các quy định
Chia sẻ về một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp xuất khẩu liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại từ vụ việc một số sản phẩm của Việt Nam bị áp dụng quyết định thu hồi, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc tránh để rơi vào tình huống vi phạm các biện pháp TBT và SPS của nước nhập khẩu dẫn đến các quyết định thu hồi hoặc nghiêm trọng hơn là bị kiện bồi thường gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp là hoàn toàn có thể chủ động.
Đối với hệ thống kinh tế quốc gia, có rất nhiều chủ thể, thành phần có thể hỗ trợ được doanh nghiệp trong quá trình này. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần tìm hiểu và biết đến sự hiện diện, tầm quan trọng và vai trò của các bên để có thể tham vấn trước khi quyết định xuất khẩu hàng hóa vào thị trường của bất kỳ quốc gia nào và tất nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đó vẫn đóng vai trò then chốt trong việc đưa ra quyết định của mình.
Vì vậy, về phía doanh nghiệp, một số việc quan trọng cần chủ động như: Nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, tìm hiểu các thông tin về biện pháp TBT, SPS của các quốc gia nhập khẩu để điều chỉnh hoạt động sản xuất của mình. Tăng cường khả năng cạnh tranh và có thể đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu; mở rộng, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các tổ chức đa quốc gia.
Bên cạnh đó, đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hoá xuất khẩu. Chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khoẻ, môi trường như ISO, 5S, HACCP, GMP… nhằm chuẩn hóa đầu ra theo yêu cầu từ phía các nước nhập khẩu.
Doanh nghiệp cũng cần thường xuyên rà soát, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng của sản phẩm do mình sản xuất trên cơ sở tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm trong suốt quá trình xuất hiện, tồn tại của sản phẩm từ khi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, cần xây dựng phương án khắc phục các sự cố làm ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất.
Đối với sản phẩm thực phẩm, việc nghiên cứu, rà soát và kiểm soát các mối nguy trong quá trình sản xuất là vô cùng quan trọng bởi việc quản lý quy trình sản xuất thực phẩm là một trong những quy định vô cùng nghiêm ngặt đã được khuyến cáo, quy định bởi các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và tất cả các quốc gia với mục đích phát hiện, kiểm soát bất kỳ sự xuất hiện nào của các yếu tố có khả năng gây mất an toàn trong sản phẩm thực phẩm mà do quá trình sản xuất gây ra, bao gồm cả việc kiểm soát và chứng minh nguồn gốc nguyên liệu.
Hiện nay, ở Việt Nam, hệ thống các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực TBT và SPS cũng được thành lập, hoạt động đầy đủ như tại các quốc gia khác, bao gồm: cơ quan quản lý nhà nước là các Bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực; mạng lưới các điểm hỏi đáp về TBT và SPS; Phòng thương mại và công nghiệp các nước, khu vực đặt tại Việt Nam; các Thương vụ Việt Nam đặt tại các nước, khu vực; các tổ chức tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thử nghiệm, chứng nhận sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Các cơ quan, tổ chức này được thành lập và hoạt động phù hợp với nhu cầu của thực tiễn để giải quyết các vấn đề về thương mại hàng hóa. Do đó, trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp cần tận dụng, liên hệ các cơ quan, tổ chức nêu trên để được giải đáp, hỗ trợ khi tìm hiểu và mở rộng thị trường hoặc được tư vấn, đánh giá bởi các dịch vụ kỹ thuật nhằm đảm bảo hàng hóa đáp ứng yêu cầu trước khi xuất khẩu, không đợi đến khi hàng hóa đã xuất đi mới phát hiện không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Một cách khác, doanh nghiệp Việt Nam có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho các điểm hỏi đáp về TBT và SPS của các nước thông qua địa chỉ công khai trên trang web của WTO và của các nước. Đây cũng là một lựa chọn mà các doanh nghiệp nước ngoài thường sử dụng để đề nghị các cơ quan của Việt Nam trả lời trong quá trình họ tìm hiểu thị trường Việt Nam trước khi chuẩn bị xuất khẩu một hàng hóa.
Việc tham gia vào thương mại quốc tế là điều tất yếu mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Do sự phức tạp của hệ thống các biện pháp, quy định của các nước, khu vực nên đôi khi việc không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu cũng có thể xảy ra, kể cả ở những tập đoàn đa quốc gia có uy tín.
Tuy nhiên, để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn. “Điều đó sẽ giảm thiểu tối đa cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu” - đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ chia sẻ.