Quăng là loại quả ngon mà chỉ có Quảng Ngãi mới có, nó có tên gọi khác là quăng lông, thôi chanh lá xôn, tên khoa học Alangium salviifolium (L.f.) Wang, thuộc họ Thôi chanh – Alangiaceae.
Cây có nhánh, có khi có gai. Lá nguyên, hình bầu dục hay xoan ngược, dài 10-20cm, dày, dạng màng, khá dai, rất nhẵn ở mặt trên, có lông mềm nhiều hay ít ở mặt dưới, tròn ở gốc, thót lại dần dần và có mũi cứng rõ hay không.
Cuống lá ngắn, dài 0,6-1,2cm, có lông hay nhẵn. Hoa xếp thành cụm 3-5 cái ở nách lá. Quả hạch dạng bầu dục hay dạng trứng, hơi dẹp, dài 15-20mm, có cạnh lồi khi khô, bao bởi các thuỳ dài, màu tím rượu vang, nạc, thơm.
![]() |
Quăng là thứ quả tuổi thơ của nhiều người Quảng Ngãi |
Quăng có trái tròn, thường mọc thành từng chùm, kích cỡ bằng ngón chân cái, màu đỏ đậm. Khi chín, các chùm quăng lúc lỉu liên tiếp trên cành nhìn thích mắt. Vỏ quăng dày nhưng dễ bóc, thịt mỏng, màu hồng trong, vị chua ngọt. Đây là loại quả ra trái vào mùa hè, nhưng ở trên tán khá cao.
Cây quăng mọc nhiều ở chân đồi, sườn núi ở vùng đồng bằng Quảng Ngãi, nhưng do giá trị kinh tế thấp, chúng dần bị chặt bỏ.
Tính vị, công năng
![]() |
Cây quăng cao, thường mọc ở chân đồi |
Vỏ rễ cây quăng vị đắng, chua, cay, có dầu nóng, hắc, có công năng xổ, trừ giun, chữa trĩ, giảm đau, chống viêm.
Vỏ thân rất đắng, có công năng thanh nhiệt, phát hãn, cầm nôn mửa, cầm tiêu chảy.
Quả có vị chua, chát, ngọt, có công năng thanh nhiệt, giải độc, trừ giun, nhuận tràng, lợi trung tiện. Hạt có vị ngon, thơm, có khả năng thanh nhiệt.
Công dụng
![]() |
Quăng ít thịt, không được bày bán nhiều |
Vỏ rễ cây quăng được dùng làm thuốc bổ đắng để kích thích tiêu hoá và phục hồi sức khỏe, dùng dạng bột hoặc ngâm rượu uống, mỗi ngày 100 – 300 mg bột vỏ rễ. Cũng dùng để lợi tiểu và hạ sốt, liều có thể dùng 0,4 – 0,6g bột vỏ rễ mỗi ngày. Có thể phối hợp với vị thuốc khác để trị hen.
Người ta thường dùng vỏ rễ tươi hoặc lá tươi, giã nát đắp lên các khớp bị sưng, chỗ da bị viêm. Để chữa trĩ, thường dùng vỏ rễ tươi.
Ở Ấn Độ, vỏ rễ cây quăng được dùng để tẩy, trục giun, giải độc, viêm quầng, đau lưng, lỵ, trĩ, tiêu chảy, sốt, bệnh ngoài da, trước đây còn được dùng trị phong hủi, giang mai; còn được dùng để chống nôn. Vỏ thân được dùng trị nôn mửa và tiêu chảy, cũng để chữa sốt và làm ra mồ hôi. Lá được dùng làm thuốc đắp để chữa đau khớp.
Quả được dùng để nhuận tràng, lợi trung tiện, trị giun, giải độc, dùng trong viêm, bệnh về máu, người nóng, di mộng tinh, bệnh lậu. Hạt có vị ngon và thơm, làm mát, kích dục, khó tiêu, bổ, nhuận tràng, được dùng khi người có cảm giác nóng bừng, người hư hao.
Ở Thái Lan, vỏ thân cây quăng được dùng điều trị hen suyễn và tiêu chảy; gỗ được xem là bổ và dùng trị bệnh trĩ, quả được dùng làm thuốc lợi trung tiện và trừ giun. Còn ở Indonesia, vỏ rễ và vỏ thân được dùng trị phong hủi, viêm da, thấp khớp.
Mặc dù có công dụng cực tốt nhưng người dùng cũng cần hết sức chú ý bởi vỏ rễ và vỏ thân cây quăng khá độc, nên cẩn trọng. Tốt nhất người dùng nên tham vấn ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc có môn trước khi sử dụng các bộ phận của cây quăng để chữa bệnh.