Cây cam -Cây "xóa đói giảm nghèo" của huyện miền núi
Theo thống kê của Phòng nông nghiệp huyện Như Xuân, trên địa bàn hiện có hơn 300 ha, các xã có diện tích trồng cam lớn nhất là Xuân Hòa 143 ha, Xuân Bình 40 ha, Bãi Trành 30 ha. Với giá bán bình quân tại vườn 25.000 - 30.000 đồng/kg, bà con có doanh thu trên 500 triệu đồng/ha cam kinh doanh. Nhiều hộ nông dân trồng cam có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng nhờ cây cam trong mỗi niên vụ sản xuất.
Cây cam hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho những hộ dân trồng loại cây này ở huyện miền núi Như Thanh
Hiện cây cam không chỉ là cây xoá đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình và qua đó góp phần phát triển và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm cam Như Xuân. Nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm cam, Như Xuân và thu hút doanh nghiệp liên doanh liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân, UBND huyện Như Xuân đang quan tâm, xây dựng thương hiệu cam Như Xuân. Các cơ quan, đoàn thể các cấp trong huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền để các hộ trồng cam áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong quy trình sản xuất.
Đến nay, 100% các hộ trồng cam trên địa bàn huyện đã ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản an toàn; nhiều hộ đã đăng ký để xây dựng mô hình sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện. Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định chấp thuận cho cho phép sử dụng địa danh Như Xuân để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm "Cam Như Xuân".
Ông Chử Thanh Hải, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Thành Công Cho biết, năm 2015, Hợp tác xã bắt đầu xây dựng mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ cố gắng chăm sóc, vun vén, tới nay hợp tác xã đã có 20 ha trồng cây cam theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Xuân Hòa và xã Cát Tân, hiện trồng cây cam mang lại hiểu quả kinh tế cao hơn các loại cây khác tại địa phương.
Cam sau khi thu hoạch được bảo quản trước khi vận chuyển đi tiêu thụ
Vụ thu hoạch cuối năm 2019 và đầu năm 2020 với hơn 10 ha trồng cam, hợp tác xã thu hoạch được 170 tấn. Sản phẩm cam được bán tại thị trường các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Hiện thu nhập bình quân mỗi của hợp tác xã là 700 triệu và tạo việc làm thường xuyên cho 20 động với mức lương 7 triệu/người/tháng.
Nói về hiệu quả việc trồng cây cam, Ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho hay, xã đang có 30 hộ trồng 173 ha cây ăn quả, trong đó có 120 ha trồng cây cam, do cây cam trồng sau 3 năm có thể thu hoạch nên những năm gần đây đã có nhiều hộ gia đình trồng nhiều diện tích cam để phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ trở nên khá giả bởi giá trị lợi nhuận cao hơn rất nhiều những cây trồng khác, có hộ trồng 10 ha trở lên sẽ tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động để chăm sóc, bón phân cho cây.
Ngoài ra, thời kỳ cao điểm thu hoạch cam mỗi hộ gia đình sẽ phải thuê từ 30-40 lao động. Hiện cây cam có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt, lại được thương lái vào tận vườn thu mua nên hầu hết đều được đóng thùng vận chuyển vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ.
Đẩy mạnh cây dựng thương hiệu cho cam Như Xuân
UBND huyện Như Xuân hết sức quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cam Như Xuân
Nhờ giá trị kinh tế cao nên phát triển cây ăn quả có múi luôn được địa phương chú trọng, khuyến khích. Trong đó, ngành nông nghiệp và các xã, thị trấn tập trung hướng dẫn người dân không phát triển diện tích cây ăn quả có múi theo phong trào, mà cần quan tâm đến chất lượng giống cây bảo đảm nguồn gốc; đồng thời tập trung nâng cao kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Để nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm cam Như Xuân, bên cạnh việc thu hút doanh nghiệp liên doanh liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân, UBND huyện đã thực hiện đăng ký thành công nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cam Như Xuân, được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 1998/QĐ-UBND ngày 29-5-2019.
Hướng tới mục đích xây dựng thương hiệu cam Như Xuân an toàn, chất lượng, chính quyền và các cơ quan, Đoàn thể các cấp đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền để các hộ trồng cam áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong quy trình sản xuất. Đến nay, 100% các hộ trồng cam trên địa bàn huyện đã ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản an toàn; nhiều hộ đã đăng ký để xây dựng mô hình sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện.
Ông Phạm Văn Tuấn, trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân cho biết: "Nắm bắt được nguyện vọng của người dân, phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện đã cùng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Thanh Hóa có buổi làm việc với UBND xã và các hộ trồng cam trên địa bàn xã Xuân Hòa, Xuân Bình, Bãi Trành. Nội dung buổi làm việc bàn về vấn đề phát triển trồng cam theo chuỗi liên kết và sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới hình thành vùng sản xuất cam tập trung, chuyên canh đạt tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 50 ha trên địa bàn xã Xuân Hòa, Bãi Trành. Các hộ dân đã hết sức ủng hộ và đều có nguyện vọng được tham gia xây dựng mô hình. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân cũng đang hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu, lô gô sản phẩm. Qua đó nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và khẳng định được chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường."
Mai Quỳnh