Xuất bán lô sản phẩm nhiên liệu bay đầu tiên của Hóa lọc dầu Nghi Sơn Sự cố tại Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ được khắc phục trước ngày 15/1 |
Theo đó, chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần gang thép DST Nghi Sơn, dự án được chia làm hai gian đoạn, giai đoạn 1 sẽ đầu tư nhà máy luyện cán thép cuộn cán nóng từ nguyên liệu là thép phế liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu công suất 980.000 tấn/năm.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu tư nhà máy kết cấu thép, sản xuất các sản phẩm kết cấu thép dùng trong xây dựng và sản xuất công nghiệp, công suất dự kiến 30.000 tấn sản phẩm/năm, nhà máy cán nguội và sản xuất ống thép định hình dùng trong xây dựng, công suất 300.000 tấn sản phẩm thép ống, hộp, tôn mạ/năm.
Sắp có thêm nhà máy luyện cán thép 5.500 tỷ đồng tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Ảnh minh họa) |
Diện tích đất dự kiến sử dụng cho dự án trên khoảng 51 ha, với vốn đầu tư của dự án là 5.500 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Công ty cổ phần gang thép DST Nghi Sơn khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục về đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất…, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thỏa thuận theo quy định; ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án; triển khai thực hiện dự án theo đúng với các nội dung được chấp thuận theo quyết định này và các quy định có liên quan khác của pháp luật.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND thị xã Nghi Sơn thực hiện ngay công tác giải phóng mặt bằng; đồng thời, rà soát, cập nhật dự án vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương, trình duyệt theo quy định. Đồng thời UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, căn cứ các quy định của pháp luật; lập điều chỉnh Quy hoạch phân khu 1/2000 Khu công nghiệp số 4 đảm bảo phù hợp với điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 07/12/2018.
Được biết, trong năm 2022, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 271 nghìn tỷ đồng, tăng 54,5% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt hơn 292 nghìn tỷ đồng, tăng 60,9% so với cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước gần 26 nghìn tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 101.600 lao động với thu nhập bình quân 6,7 triệu/người/tháng. Cũng trong năm 2022, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã thu hút thêm được 20 dự án mới, nâng tổng số dự án đã đăng ký đầu tư lên 705 dự án; có 54 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, tăng doanh thu, lợi nhuận và hoạt động hiệu quả trong năm 2023, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, sẽ triển khai hiệu quả, mạnh mẽ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, quy hoạch... làm động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Năm 2023, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa hướng tới mục tiêu tổng giá trị sản xuất của các DN đạt 265 nghìn tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 5.700 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 26 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm thêm cho khoảng 10 nghìn lao động.