Theo Kế hoạch tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức trưng bày tất cả các sản phẩm OCOP đã được công nhận trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Ảnh minh họa |
Hội nghị sơ kết nhằm đánh giá những mặt được, chưa được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Chương trình; đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hoàn thành thắng lợi kế hoạch đề ra. Đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung cơ chế, chính sách và một số văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” năm 2021-2022.
Chương trình dự kiến tổ chức vào ngày Thứ 7, trong khoảng thời gian từ ngày 10/3-20/3/2023 tại Trung tâm Hội nghị 25B, thành phố Thanh Hóa. Tại hội nghị sẽ tổ chức trưng bày tất cả các sản phẩm OCOP đã được công nhận trên địa bàn tỉnh. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được quan tâm thực hiện; tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã được công nhận là 317 sản phẩm. Tính đến 31/12/2022, Thanh Hóa có 12/27 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 349 xã đạt chuẩn NTM (đạt 97,2% mục tiêu Trung ương giao), 67 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 904 thôn, bản đạt chuẩn NTM (trong đó, có 692 thôn bản miền núi); 246 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Năm 2021-2022, cùng với nguồn vốn Trung ương, tỉnh hỗ trợ xây dựng NTM; nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực khác, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn: 2.779 km đường giao thông nông thôn; 933 km kênh mường và rãnh thoát nước; 229 công trình thủy lợi; 2.677 phòng học các cấp; 1.269 km đường điện, 331 trạm biến áp; 75 trung tâm văn hóa, thể thao xã, 731 nhà văn hóa thôn; 66 chợ nông thôn; 78 trạm y tế xã; 38 công trình công sở xã; 59 công trình cấp nước sinh hoạt; 18 công trình bãi chứa rác thải tập trung và xử lý ô nhiễm môi trường và 130 nghĩa trang theo quy hoạch; xây dựng mới và chỉnh trang trên 46 nghìn nhà ở dân cư…
Những kết quả này đã minh chứng, Chương trình MTQG xây dựng NTM làm cuộc sống đại bộ phận người dân nông thôn ngày càng khá hơn, số hộ nghèo giảm đáng kể, hạ tầng kinh, tế, xã hội nông thôn được tăng cường, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn; nhiều mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị đã đem lại hiệu quả; các hoạt động văn hoá - thể thao và học tập trong cộng đồng được duy trì và phát triển, y tế giáo dục tiếp tục được chăm lo; môi trường nông thôn đã từng bước được cải thiện; an ninh trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo; diện mạo làng, xã đổi mới mạnh mẽ./