Thái Nguyên có 173 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP từ 3 - 5 sao
Sau 5 năm thực hiện, chương trình OCOP đã được hầu hết các địa phương trên cả nước hưởng ứng tham gia, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng, góp phần giúp khu vực nông thôn phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa đặc thù và ngày càng khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của thương hiệu OCOP.
Toàn cảnh các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Hiện, toàn tỉnh Thái Nguyên có 173 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP từ 3 - 5 sao, trong đó có: 91 sản phẩm 3 sao, 80 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về Chương trình OCOP, thời gian qua tỉnh còn đẩy mạnh tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm như: Tổ chức Hội chợ "Mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP"; tổ chức trưng bày sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại các sự kiện chính trị lớn của tỉnh; các hoạt động xúc tiến thương mại trên hệ thống truyền thông đa phương tiện…
Đến nay, cơ bản 100% sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên đã được hỗ trợ và đưa lên 2 sàn Postmart.vn, Voso.vn. Ngoài ra, tỉnh tập trung phát triển hệ thống gian hàng, các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đặc trưng của các địa phương.
Từ năm 2020 đến nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ xây dựng, hình thành 132 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp xã, 24 điểm cấp huyện…
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chương trình OCOP đang tồn tại một số hạn chế. Đó là số lượng sản phẩm OCOP tại các địa phương tăng nhanh nhưng lại chưa thực sự bền vững, chưa tập trung cho các sản phẩm lợi thế, mang tính chất đặc thù nên chất lượng, giá trị sản phẩm cũng như hiệu quả của chương trình chưa được như mong muốn.
Một số chủ thể OCOP chưa đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm có sự sáng tạo, nét đặc trưng riêng biệt và phù hợp với tiêu chuẩn quy định của các siêu thị, trung tâm thương mại quốc tế; các gian trưng bày, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP chỉ mới tập trung vào việc kết nối, trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương đó, chứ chưa có sự liên kết với sản phẩm của địa phương khác; việc thương mại hóa sản phẩm OCOP chưa đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, trong thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP còn một số vấn đề cản trở như: Nhiều người tiêu dùng chưa biết về chương trình OCOP, chưa phân biệt được sản phẩm OCOP có gì khác biệt với các mặt hàng cùng loại để đưa ra quyết định chọn mua. Chủ thể của chương trình OCOP kinh tế quy mô nhỏ và rất nhỏ, vì vậy năng lực xúc tiến thương mại chưa cao, sản phẩm tham gia chương trình OCOP đa phần là nhóm sản phẩm có quy mô nhỏ, đa dạng về chủng loại, có tính chuyên biệt cao nên khả năng mở rộng quy mô, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn…
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 173 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP từ 3 - 5 sao. |
Giải pháp tiêu thụ, quảng bá, thị trường hóa các sản phẩm OCOP địa phương
Trước thực trạng đó, để nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, theo Tiến sĩ Bùi Đình Hoà – Chuyên gia OCOP nhận định: Trong thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho người dân, các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng về chương trình OCOP.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm.
Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP tham gia vào các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến. Tổ chức hội nghị kết nối giao thương và tham gia hội nghị kết nối giao thương của các tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác, nhà phân phối, đại lý trên toàn quốc. Nhân rộng các mô hình điểm bán hàng OCOP, xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu, bán sản phẩm OCOP riêng và đặc trưng gắn với sản phẩm đặc sản địa phương. Đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng…
Tại hội nghị, nhiều đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đưa ra những giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới như: Cần tăng cường công tác tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng bán hàng cho các chủ cửa hàng, đặc biệt là ý nghĩa, tính ưu việt của sản phẩm được công nhận OCOP.
Các cơ quan quản lý chương trình OCOP cấp tỉnh, trung ương cần xây dựng trung tâm phát triển sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh với các điểm giới thiệu sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ các cửa hàng nhập các sản phẩm OCOP theo yêu cầu; nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng của các sản phẩm OCOP nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường khi hệ thống bán hàng OCOP hoạt động hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý đối với việc sử dụng chứng nhận OCOP trên các sản phẩm, tránh trường hợp làm giả, làm nhái làm mất uy tín của nhà sản xuất và lòng tin của người tiêu dùng.