Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, tính đến tháng 6 năm 2021, toàn tỉnh có 23 sản phẩm đạt 3 sao và 53 sản phẩm đạt 4 sao, và 02 sản phẩm đạt 5 sao, đạt danh hiệu sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Sản phẩm miến dong Việt Cường - một trong những sản phẩm đạt OCOP 5 sao của Thái Nguyên |
Nhìn vào tỷ lệ sản phẩm đạt chuẩn 3 sao/4 sao/5 sao của tỉnh và so sánh với các tỉnh khác, cũng như xem xét bộ tiêu chí đánh giá OCOP, có thể thấy hoạt động sản xuất và nuôi trồng của tỉnh Thái Nguyên có sự đạt chuẩn cao, tận dụng được các tiến bộ về khoa học kỹ thuật cũng như biết tận dụng sức mạnh cộng đồng và phát huy thế mạnh địa phương về nguồn gốc nguyên liệu, nhân công và quy trình sản xuất đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, có thể thấy sản phẩm chè/trà chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh khi chiếm đến 62/78 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Điều này cũng là dễ hiểu khi từ lâu chè được xác định là sản phẩm nông nghiệp có lợi thế đặc biệt của tỉnh, là sản phẩm chủ lực quốc gia, được Thái Nguyên tập trung đầu tư phát triển.
Sản phẩm chè/trà chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên |
Thái Nguyên là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển ngành Nông nghiệp. Bên cạnh các sản phẩm chè, tỉnh còn xác định nhiều sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi chủa lực khác như các loại cây ăn quả (na, nhãn, bưởi), thịt lợn, thịt gà và trứng gà, gỗ, quế.
Tuy vậy, trong danh mục các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh còn chưa có mặt đáng kể các sản phẩm chủ lực khác như liệt kê ở trên.
Xem xét danh sách một số sản phẩm tham gia đánh giá OCOP cấp tỉnh năm 2021 của Thái Nguyên (tổ chức đánh giá từ 05-30/10/2021) có thể thấy các sản phẩm về chè/trà vẫn là đáng kể.
Do vậy, tỉnh Thái Nguyên cần tập trung hỗ trợ hoàn thiện hơn cho các sản phẩm tiềm năng và chủ lực của tỉnh như nhãn, bưởi, thịt lợn, thịt gà và gỗ… để số lượng các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh phong phú hơn, đúng với tiềm lực địa phương.