Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo. |
Ngày 25/11, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và Tổ chức CropLife châu Á (CLA) đồng chủ trì hội thảo "Sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả hướng đến hệ thống thực phẩm bền vững".
Tại hội thảo, Trung tâm Phát triển nông thôn (RUDEC) thuộc IPSARD và các đối tác nghiên cứu quốc tế (Kynetec, ideas42) đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu về “Đánh giá của nông dân về vai trò các sản phẩm hóa chất nông nghiệp”, và “Nghiên cứu hành vi của nông dân để cải thiện thực hành sử dụng hóa chất nông nghiệp có trách nhiệm” hơn. Các nghiên cứu được tiến hành trong giai đoạn 2019 - 2022, với sự hỗ trợ của CropLife châu Á.
Nghiên cứu “Đánh giá của nông dân về vai trò của hóa chất nông nghiệp” do Trung tâm Phát triển nông thôn và Kynetec thực hiện thông qua phỏng vấn 520 nông dân trồng lúa, cà phê, chè, cao su, cây có múi, xoài, thanh long tại 7 vùng trồng và 36 chuyên gia (nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý địa phương, công ty sản xuất thuốc BVTV).
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người nông dân vẫn phụ thuộc vào thuốc BVTV và coi thuốc BVTV đóng góp quan trọng cho đầu ra sản xuất nông nghiệp, cả về sản lượng cũng như chất lượng. Trong đó nông dân trồng các cây lương thực và cây ăn quả (lúa, xoài, thanh long, cây có múi) đánh giá cao về đóng góp của thuốc BVTV hơn so với nông dân trồng các cây công nghiệp (cao su, cà phê).
Quang cảnh hội thảo. |
Nghiên cứu cũng xác nhận, quá trình chuyển đổi sang các biện pháp thay thế cho thuốc BVTV hóa học đòi hỏi thời gian dài và các nỗ lực chung lớn. Bởi vậy, giải pháp quan trọng hiện nay để chuyển sang mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững hơn là nâng cao nhận thức, cải thiện thói quen sử dụng hoá chất nông nghiệp và thực hành canh tác bền vững cho nông dân.
Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao trong khu vực ASEAN kể từ năm 2017. 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy, sản tăng tới 200%. Dẫn đầu trong xuất khẩu là một số mặt hàng như gạo, cà phê, cao su… |
Tập trung phân tích góc độ hành vi của người nông dân trong sử dụng thuốc BVTV, bà Preeti Anand, Giám đốc Dự án “Áp dụng nghiên cứu hành vi để cải thiện thực hành sử dụng hóa chất nông nghiệp có trách nhiệm của nông dân” cho biết: mặc dù có nhiều chương trình tập huấn về sử dụng thuốc BVTV được tổ chức cho nông dân, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại ở Việt Nam về việc sử dụng thuốc không đúng cách.
Điều đó có thể dẫn đến tồn dư thuốc BVTV trên sản phẩm trồng trọt, đem đến lo ngại về an toàn thực phẩm, sản phẩm xuất khẩu bị từ chối.
“Nông dân canh tác sản phẩm xuất khẩu không nhận được phản hồi về mức dư lượng trên sản phẩm của họ. Nông dân không nhận thức được hết trách nhiệm của họ trong việc quản lý mức dư lượng trên cây trồng”, bà Preeti Anand.
Nông dân canh tác sản phẩm xuất khẩu không nhận được phản hồi về mức dư lượng trên sản phẩm của họ. |
Đề cập tới vai trò của thuốc BVTV trong nền nông nghiệp bền vững, hệ thống sản xuất nông sản an toàn bền vững, ông Bùi Văn Kịp, cố vấn cao cấp của Công ty Bayer Việt Nam đánh giá: thuốc BVTV là yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp bền vững.
Tuy nhiên, nhận thức của xã hội hiện nay về thuốc BVTV chưa đúng, cứ nhắc đến đều là “nghĩ xấu”. Nếu sử dụng đúng khuyến cáo, mọi hoạt chất đều có vai trò riêng, vấn đề làm sao để hướng dẫn sử dụng đúng, đảm bảo an toàn
Ông Kịp cho rằng nông dân sản xuất nhỏ lẻ, chịu áp lực lớn về rủi ro nên phải làm mọi cách để có năng suất, có lợi nhuận. Ở các mô hình chuỗi hợp tác hiện nay, nông dân sản xuất nhỏ cũng phải tuân thủ quy định của chuỗi và dần dần từng bước có thể thay đổi hành vi của người nông dân trong sản xuất nói chung, đặc biệt là trong sử dụng thuốc BVTV nói riêng.
Theo ông Hoàng Vĩnh Long, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam, hiện nay, ngành chè nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu; tình hình dư lượng thuốc BVTV trên sản phẩm… Về sử dụng thuốc BVTV, thay đổi hành vi của người nông dân rất cần thiết nhưng làm thế nào để thay đổi được mới là yếu tố quan trọng.
Ông Long cho rằng: “Trước hết phải để người nông dân nhận thức rõ, thay đổi thì họ được điều gì, yếu tố chính là thu nhập. Khi họ thay đổi phải đảm bảo năng suất, giá cả phải tăng, thu nhập cuối cùng phải tăng.
Ngoài ra, muốn nông dân thay đổi hành vi, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm hơn với nông dân. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm hướng dẫn nông dân giúp họ thay đổi thói quen sử dụng thuốc BVTV mà vẫn đảm bảo được năng suất, chất lượng sản phẩm”.
TS Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục BVTV phát biểu tại hội thảo |
Bà Nguyễn Mai Hương, Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PNTT) nhấn mạnh: thời gian tới, Nhà nước cần có một chiến lược quản lý thuốc BVTV toàn diện, cân nhắc các yếu tố khác nhau, không chỉ là các hoạt chất.
Chiến lược can thiệp phải giảm thiểu tác động môi trường, bao gồm cải thiện thực hành sử dụng của nông dân và đưa ra các thực hành tốt nhất (ví dụ như không sử dụng các loại thuốc không được cấp phép/hiệu quả kém)…
Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục BVTV nhấn mạnhm, không thể chối bỏ vai trò của thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực nhưng nếu không sử dụng đúng cách, lạm dụng nó thì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái. Chính vì vậy, mọi giải pháp mà Cục BVTV, các địa phương, doanh nghiệp... đều hướng đến loại bỏ hoạt chất độc hại, giảm thiểu tối đa việc sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.
“Cục BVTV tiếp tục đồng hành cùng các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà khoa học… để có giải pháp tổng thể trong phát huy vai trò của thuốc BVTV cũng như giảm thiểu tối đa nguy cơ, tác hại của nó để nâng cao giá trị nông sản, hướng tới phát triển bền vững”, ông Đạt nói.