Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) những năm gần đây, ĐBSCL đóng góp hơn 50% sản lượng nông nghiệp, trong đó sản lượng lương thực xuất khẩu chiếm 90%, sản lượng trái cây chiếm 70% của cả nước.
Tuy nhiên, việc dùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được đánh giá chưa hiệu quả khiến chất lượng và giá trị nông sản ở đây chưa thực sự bền vững.
![]() |
Báo động “đỏ” việc lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật tại ĐBSCL |
Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, phân bón vô cơ
Tại hội nghị "Thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại đồng bằng sông Cửu Long" diễn ra sáng 27/8, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết, tại các tỉnh ĐBSCL, lượng phân bón vô cơ đang được sử dụng cao hơn 35,3% so với trung bình toàn quốc trong khi lượng phân hữu cơ sử dụng chỉ bằng 27,3% so với trung bình toàn quốc. Cá biệt, có tỉnh như Bến Tre có lượng sử dụng phân bón vô cơ gấp gần 4 lần lượng trung bình toàn quốc.
Tương tự, với thuốc BVTV hóa học, lượng sử dụng tại khu vực này đang cao hơn mức trung bình toàn quốc là 71,9%, trong đó phải kể đến Tiền Giang, Đồng Tháp có mức sử dụng thuốc BVTV hóa học gấp xấp xỉ 3 lần so với trung bình toàn quốc.
Đáng chú ý, có tình trạng “lách luật” đưa các hoạt chất thuốc BVTV có tác dụng phòng trừ sinh vật gây hại vào các cửa hàng vật tư nông nghiệp để bán dưới dạng chế phẩm đăng ký với cơ quan Y tế tại nhiều địa phương gây đến hiểu nhầm và sử dụng sai mục đích, kỹ thuật làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và an toàn thực phẩm.
Việc thu gom bao bì, thuốc BVTV đã được triển khai nhưng chưa rộng khắp ở các địa phương, nhiều nơi còn chưa chú trọng đến công tác này. Ngoài ra, các điểm thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng chỉ tập trung chính ở các vùng sản xuất lúa mà chưa triển khai rộng ở các vườn cây ăn trái, rau màu và các cây trồng khác.
![]() |
Việc lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV khiến ngành sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm đất, nước… làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế. |
Theo Cục trưởng Cục BVTV, nếu không được giải quyết, điều này sẽ dẫn tới hệ lụy rất lớn không chỉ đối với môi trường, sức khỏe con người mà còn dẫn tới tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại, suy giảm đa dạng sinh học của các loài thiên địch. Không chỉ có vậy, việc lạm dụng thuốc BVTV, phân bón còn làm tăng giá thành sản phẩm, qua đó làm giảm thu nhập của người nông dân.
Phản hồi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết toàn tỉnh có 177.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, 80.000 ha cây ăn trái, bà con nông dân sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả quanh năm nên nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc BVTV cao với 1,2 triệu tấn phân bón, 400 tấn thuốc BVTV.
"Khó khăn hiện nay là một số nông dân sử dụng phân bón và thuốc BVTV chưa theo khuyến cáo, lựa chọn sản phẩm chưa phù hợp khiến chi phí sản xuất tăng, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19", ông Mẫn nói.
Cần minh bạch, trách nhiệm và bền vững trong sản xuất nông nghiệp
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhận định trong khoảng 5 năm gần đây, xu hướng giảm lượng giống, giảm lượng phân bón, thuốc BVTV được áp dụng và cập nhật hợp lý trong từng mùa vụ, từng tình huống về điều kiện khí hậu diễn ra.
Tuy nhiên, để đáp ứng được mong muốn về giảm giá thành, an toàn thực phẩm, minh bạch trong sản xuất và phát triển bền vững chúng ta còn phải tiến hành những bước tiếp theo dài hơi và có lộ trình.
![]() |
Hội nghị "Thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại đồng bằng sông Cửu Long" |
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết nguyên nhân khách quan khiến các tỉnh ĐBSCL sử dụng lượng lớn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là tư duy sản xuất chạy theo sản lượng, lạm dụng phân bón, thuốc BVTV để tăng năng suất. Người nông dân chưa tính bài toán giữa sản lượng và chi phí, sản lượng tăng chưa chắc lợi nhuận cao.
Cũng theo Bộ trưởng, kinh tế trọng điểm phải tính toán được cả đầu vào và đầu ra. Tuy nhiên, 70% nguyên liệu đầu vào của nền nông nghiệp đang bị lệ thuộc nước ngoài và có thể tăng đột biến do cung cầu của thị trường thế giới. Do đó, Bộ NN&PTNT khuyến khích nông dân giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV để giảm chi phí sản xuất.
"Bộ kiến nghị với Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa sản xuất chế phẩm sinh học dựa trên nguyên liệu, phụ phẩm nông nghiệp trong nước, giảm lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu là đầu vào cho nền nông nghiệp", Bộ trưởng nói.
Nhấn mạnh đến sự minh bạch, trách nhiệm và bền vững trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp cũng như thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu cần minh bạch công khai từ sử dụng phân bón, thuốc BVTV đến trách nhiệm của người sản xuất, tiêu dùng và xã hội.
“Các doanh nghiệp muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Phải thiết lập được hệ sinh thái hay liên minh của những doanh nghiệp có trách nhiệm đối với nền nông nghiệp, trách nhiệm đối với nông dân và trách nhiệm với thương hiệu quốc gia về nông sản”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.