Vì sao các doanh nghiệp gạo không tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ? |
Ngày 18/11, tại TP Cần Thơ, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững".
"Giật gấu vá vai" vì thiếu vốn tín dụng
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết ĐBSCL là vựa lúa gạo, thủy sản, trái cây nhưng việc tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Ngành nông nghiệp trong vùng phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thiên nhiên nên có nhiều rủi ro làm các tổ chức tín dụng e ngại khi cho vay. Phần lớn nông hộ ở ĐBSCL có quy mô sản xuất nhỏ, chưa có sự liên kết chặt chẽ, làm cho việc áp dụng công nghệ và quản lý trở nên khó khăn. Điều này khiến các ngân hàng khó kiểm soát và khó đánh giá chính xác về rủi ro tín dụng.
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho hay, ngành ngân hàng có triển khai nhiều cơ chế đồng hành phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL, đặc biệt là các sản phẩm, ngành hàng nông sản chủ lực của vùng.
Tính đến cuối tháng 9-2024, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của vùng đạt khoảng 643.000 tỉ đồng, tăng 7% so với 2023.
Tuy vậy, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản ở ĐBSCL, trong đó có các ngành hàng chủ lực như lúa gạo, thủy sản, rau quả, còn khó khăn. Cụ thể như cho vay không có tài sản bảo đảm mới chiếm khoảng 20% dư nợ nông nghiệp nông thôn; Dư nợ của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị chưa có nhiều chuyển biến…
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho rằng trong chuỗi lúa, gạo, vốn vay dài hạn (từ 7-10 năm) để xây dựng và lắp đặt máy sấy lúa, silo, cơ giới hóa đồng bộ, xay xát… bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư. Không đầu tư thì không hoạt động, sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo được.
"Khi không vay được vốn dài hạn mà các doanh nghiệp vẫn hoạt động, đấy là các doanh nghiệp phải "giật gấu vá vai", lấy vốn ngắn hạn chuyển qua đầu tư dài hạn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hầu hết các doanh nghiệp trong ngành gạo không tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ" – ông Bình nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bình, vốn ngắn hạn thì các ngân hàng cũng đã cho doanh nghiệp vay để thực hiện các hợp đồng mua bán và xuất khẩu gạo từ nhiều năm nay rồi, nhưng ở dạng cho vay phần ngọn, chưa đầy đủ.
Đây cũng chính là nguyên nhân làm lúa, gạo Việt Nam đứng nhất, nhì thế giới nhưng giá trị luôn thấp, sản xuất và tiêu thụ bấp bênh, doanh nghiệp cạnh tranh nhau "bóp bụng" hạ giá gạo xuống thấp để bán lấy tiền đáo hạn ngân hàng khi đến hạn.
Cần thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. |
Tại hội thảo, TS Trần Du Lịch gợi ý nên bàn thêm về xây dựng chương trình quốc gia bao gồm cả miễn giảm lãi suất tùy theo đối tượng, kéo dài thời gian trả nợ, xây dựng định chế bảo hiểm nông nghiệp. Cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cố gắng phát triển đa dạng hóa các hình thức tín dụng, ví dụ các định chế tín dụng vi mô, hợp tác xã tín dụng… với đối tượng vay linh hoạt.
Ông Phạm Thái Bình nêu ý kiến, rất mong Quốc hội, Chính phủ và các ngân hàng… xem xét, đừng để ngành hàng lúa gạo của ĐBSCL tiếp tục mất cơ hội chỉ vì không vay được vốn để đầu tư phát triển trong khi ngân hàng thì thừa tiền.
Còn TS Cấn Văn Lực thì cho rằng một trụ cột quan trọng phải thúc đẩy thời gian tới là bảo hiểm nông nghiệp. Theo ông Lực, bảo hiểm nông nghiệp chúng ta có thí điểm hai công đoạn khác nhau năm 2013 và 2018 nhưng đến nay chưa tổng kết.
“Chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng phải sớm tổng kết chương trình bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt sau bão Yagi. Các nước đều có bảo hiểm nông nghiệp để phòng ngừa những rủi ro do thiên tai, địch họa bất thường…” – ông Lực cho hay.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Việt Trường, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh: việc tháo gỡ những khó khăn nhằm thúc đẩy tín dụng cho các ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của khu vực theo hướng phát triển theo chiều sâu, góp phần đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.
“Để ĐBSCL phát triển bền vững, không chỉ cần sự nỗ lực từ phía bà con nông dân, doanh nghiệp mà rất cần sự hỗ trợ đồng bộ từ phía Nhà nước, các tổ chức tín dụng và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bên liên quan. Việc thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản không chỉ là giải pháp tài chính, mà còn là cam kết dài hạn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ổn định đời sống người dân và nâng cao vị thế của nông sản ĐBSCL trên bản đồ thế giới”, đồng chí Trần Việt Trường cho biết.
Giải pháp tài chính thông minh cho thời đại số |
Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ hoàn thành tốt kế hoạch 7 tháng đầu năm 2024 |
“Bơm” hơn 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế: Thách thức không hề nhỏ |