“Tuyên chiến” với xe xăng, VinFast đang tạo “thay đổi xanh” cho người dùng Việt Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa xe ô tô điện và xe truyền thống |
![]() |
Nhiều cây xăng trong khu vực Vành đai 1 lo bị đóng cửa. |
Gian nan mưu sinh của chủ cây xăng trong lộ trình xanh hóa giao thông
Theo TPO, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ lộ trình cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 1 Hà Nội kể từ ngày 1/7/2026. Đến năm 2028, ô tô cá nhân chạy xăng dầu cũng bị hạn chế trong Vành đai 1 và 2, và tiến tới năm 2030, phạm vi cấm mở rộng ra toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 3.
Chính sách này nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí – vấn đề mà Hà Nội đang nằm trong nhóm các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Tuy nhiên, đối với hệ thống các cửa hàng xăng dầu đang hoạt động tại trung tâm thành phố, thông tin này đã tạo ra không ít hoang mang.
Bà Lê Thị Hà – Trưởng cửa hàng xăng dầu trên đường Kim Mã – chia sẻ rằng nếu quyết định được triển khai đúng theo lộ trình, các trạm xăng nằm trong Vành đai 1 sẽ đối mặt nguy cơ đóng cửa chỉ sau vài tháng. “Các loại xăng sinh học như E5RON 92 hay E10 thực chất vẫn là nhiên liệu hóa thạch vì thành phần chính là xăng khoáng. Do đó, khi cấm xe máy chạy xăng, tức là 100% khách hàng chính sẽ không còn”, bà Hà phân tích.
Trong bối cảnh đó, chi phí thuê mặt bằng lại là gánh nặng lớn. Nhiều cây xăng nội đô hiện thuê đất với giá từ 150 đến 300 triệu đồng/tháng, trong khi lợi nhuận trên mỗi lít xăng chỉ vài trăm đồng. Nếu lượng khách giảm tới 50–70%, khả năng trụ vững gần như bằng không.
Giữ lại sinh kế, chuyển đổi bền vững: Cần lời giải từ chính sách
Không chỉ là bài toán doanh thu, vấn đề lao động và hạ tầng hiện hữu cũng được đặt ra. Tại các tuyến phố như Nguyễn Trãi, Đường Láng, Phố Huế, Đội Cấn, Kim Mã..., các cửa hàng xăng dầu mỗi ngày phục vụ hàng nghìn lượt xe máy – chiếm khoảng 70–85% tổng lượng tiếp nhiên liệu. Khi loại phương tiện này bị cấm, toàn bộ mô hình kinh doanh hiện tại sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Anh Nguyễn Văn Thịnh – quản lý một trạm xăng ở phố Xã Đàn – lo lắng: “Hiện mỗi cửa hàng đều có hàng chục nhân viên. Nếu xe máy xăng bị loại bỏ, doanh số sẽ giảm sâu và các trạm buộc phải đóng cửa, kéo theo hàng nghìn lao động bị mất việc”.
Anh Thịnh cho rằng, việc chuyển đổi là cần thiết và phù hợp với xu thế, nhưng cần phải có hướng dẫn rõ ràng từ phía cơ quan chức năng, đặc biệt là về việc chuyển đổi công năng. “Chúng tôi mong muốn được chuyển thành trạm sạc hoặc trạm thay pin cho xe điện. Vị trí hiện tại rất thuận lợi, nếu có chính sách hỗ trợ thì vẫn có thể tiếp tục phục vụ giao thông đô thị theo hướng mới”, anh Thịnh bày tỏ.
Chuyên gia đề xuất hỗ trợ tài chính và phát triển hạ tầng trạm sạc
![]() |
Việc cấm xe máy xăng là một xu hướng đúng đắn, góp phần giảm ô nhiễm môi trường trong đô thị. |
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định việc cấm xe máy xăng là một xu hướng đúng đắn, góp phần giảm ô nhiễm môi trường trong đô thị. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần đồng bộ hóa chính sách, tránh việc chỉ cấm xe máy mà không cấm ô tô xăng: “Không có cơ sở nào cho rằng xe máy gây ô nhiễm hơn ô tô. Nếu không áp dụng đồng đều, sẽ dẫn tới tâm lý bức xúc và phản ứng xã hội”.
Theo ông Ánh, thời gian từ nay đến tháng 7/2026 là đủ để người dân và doanh nghiệp chuẩn bị, song cần chính sách minh bạch và lộ trình chuyển đổi rõ ràng để không gây “sốc” trên diện rộng.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông – ủng hộ việc cấm xe máy xăng trong nội đô, nhưng cho rằng phải có giải pháp hỗ trợ kèm theo. Ông đề xuất Nhà nước nên có các gói hỗ trợ như thu mua xe máy xăng cũ, giảm lệ phí trước bạ cho xe điện, đặc biệt là đẩy mạnh xây dựng hạ tầng trạm sạc và phát triển phương tiện công cộng để người dân có phương án thay thế.
Trong bối cảnh Hà Nội chuẩn bị lập và công bố Đề án vùng phát thải thấp trong quý III/2025, hàng loạt cửa hàng xăng dầu ở nội đô đang trong tâm thế “vừa chờ, vừa lo”.
Việc loại bỏ xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch là bước đi đúng hướng trong dài hạn, nhưng cũng đặt ra yêu cầu tái cấu trúc hạ tầng tiếp nhiên liệu. Nếu không có giải pháp chuyển đổi kịp thời, hàng loạt cây xăng sẽ rơi vào cảnh đóng cửa, gây lãng phí lớn về hạ tầng và mất cân đối nguồn lực lao động.
Chuyển đổi xanh là xu hướng không thể đảo ngược. Tuy nhiên, để quá trình này diễn ra êm ái và bền vững, cần có sự đồng hành từ cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân – với những chính sách đủ nhanh, đủ rõ và đủ hỗ trợ.
![]() |
![]() |