BAC A BANK miễn phí thường niên trọn đời cho chủ thẻ tín dụng Tín dụng tăng vọt trong tháng 6: Bình thường hay bất thường? Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có thể được giảm lãi suất cho vay từ 3-5% |
“Bơm” hơn 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế: Thách thức không hề nhỏ. |
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 16/8/2024, tín dụng tăng 6,25% so với cuối năm 2023. Trước đó, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 6 đạt 6,1%. Như vậy, sau khi tín dụng tăng trưởng âm trong tháng 7, giảm còn 5,66% thì đến nửa đầu tháng 8 đã phục hồi trở lại, tăng thêm 0,59%.
Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15%, hệ thống NH sẽ phải bơm ra nền kinh tế 2,035 triệu tỉ đồng trong năm 2024. Thế nhưng 8 tháng qua, lượng vốn đưa ra thị trường chưa đến 900.000 tỉ đồng, bình quân mỗi tháng 112.500 tỉ đồng. Như vậy, hệ thống NH sẽ phải thực hiện đẩy ra lượng vốn còn lại 1,135 triệu tỉ đồng trong 5 tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng bơm ra 227.000 tỉ đồng. Mức tăng trưởng này gấp đôi so với những tháng đầu năm nên đây là một thách thức không hề nhỏ đối với ngành NH.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng đánh giá, sau đợt “tăng tốc” của tín dụng trong tháng 6, tháng 7 đã có nhịp chậm do nền kinh tế phải có thời gian hấp thụ. Tín dụng nửa đầu tháng 8 tăng lên cho thấy nhu cầu vốn của các thành phần trong nền kinh tế bắt đầu phục hồi.
“Hiện cùng với môi trường kinh tế thuận lợi hơn, lãi suất thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN được cho là những yếu tố có tác động đến tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, tín dụng đang tăng không đồng đều và nguyên nhân được chỉ ra, là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm. Đặc biệt, thị trường bất động sản phục hồi chậm, ảnh hưởng lớn đến cầu tín dụng.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay thực sự chỉ mới giảm được ít và vẫn còn cao so với sức khỏe của các doanh nghiệp. Đồng thời, các ngân hàng cũng siết chặt cho vay do lo ngại nợ xấu tăng mạnh.
Hiện các ngân hàng đang nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Lãnh đạo Vietinbank cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tính tới 22/6 là 7%. Tại HDBank, tăng trưởng tín dụng đến 30/6 đạt 13,3%. Tại ACB, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 6 là 12,4%...
Về phía các ngân hàng thương mại đang thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế khi liên tục tung ra nhiều chương trình, chính sách ưu đãi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tận tín dụng thuận lợi với chi phí hợp lý.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng. |
Đơn cử như, Agribank đang triển khai 14 chương trình, sản phẩm tín dụng đối với khách hàng mới, trong đó có 9 chương trình cho khách hàng cá nhân, 5 chương trình cho khách hàng doanh nghiệp. Đồng thời, Agribank tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngân hàng này đã có 4 lần giảm lãi suất cho vay với sàn lãi suất giảm từ 0,5-1%/năm. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.
ACB đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ đầu năm để tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng. Ngân hàng kiểm soát chi phí đầu vào để giảm lãi suất đầu ra, đồng thời kết nối với doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề như xây dựng, dệt may, xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Một số nhà băng kiểm soát chi phí đầu vào để giảm lãi suất đầu ra, đồng thời kết nối với doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề như xây dựng, dệt may, xuất khẩu… để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, động lực tăng trưởng tín dụng còn đến từ sự khởi sắc trong hoạt động của khối FDI, xuất nhập khẩu, bất động sản khu công nghiệp.
Theo chỉ đạo của của Thủ tướng Chính phủ, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ngành Ngân hàng phải có giải pháp đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức tín dụng không sử dụng hết hạn mức tín dụng sẽ phải thu hồi và bổ sung cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng. Chủ trương này cũng là động lực/điều kiện cho các tổ chức tín dụng phải tìm ra hướng thúc đẩy vốn, cải thiện, tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng nếu dồn chạy chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vào những tháng cuối năm như đã xảy ra năm 2023 thì sẽ lặp lại tình trạng tín dụng tăng trưởng âm vào những tháng đầu năm sau. Mức tăng trưởng tín dụng như vậy là không ổn.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay thì nhu cầu vốn của doanh nghiệp, cá nhân vẫn chưa cao; đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vì vậy cũng không nên tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Việc điều tiết hạn mức tín dụng từ NH không cho vay được sang NH đang tăng trưởng tốt là đi gần với thị trường, thể hiện năng lực tăng trưởng tín dụng của mỗi nhà băng khác nhau nên cũng có mức tăng khác nhau. Dù là biện pháp hành chính nhưng việc bỏ cấp hạn mức tín dụng đối với NH cần phải có lộ trình cụ thể. Bởi các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay chưa hiệu quả trong điều tiết thị trường (bao gồm dự trữ bắt buộc, thị trường mở, lãi suất điều hành của NHNN).