Chính thức “xoá sổ” lãi suất từ 6%/năm Lãnh đạo Eximbank khẳng định không thu khoản nợ 8,8 tỷ đồng Ngân hàng phải thông báo cho khách hàng nếu phát hiện bất thường trong việc sử dụng thẻ |
Các ngân hàng đưa ra nhiều chính sách để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm. |
Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp tiếp tục là vấn đề được đặt ra trong nửa đầu năm 2024, dù lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước. Theo số liệu của NHNN, tính đến tín dụng tính đến ngày 14/6 tăng 3,79%, trong khi mục tiêu cả năm là 15-16%.
Tín dụng chưa có sự phục hồi mạnh
Theo NH Nhà nước, tổng cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định. Một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.
Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV - cho biết, tăng trưởng tín dụng của BIDV cập nhật hết 17/6 là 4,7%, tương ứng dư nợ 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 81.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Tính theo doanh số giải ngân là 3,4 triệu tỷ đồng, vòng quay vốn là 2,78 lần.
Cuối năm ngoái, tín dụng tăng trưởng tại BIDV khá nhanh nên trong tháng 1 và 2 tăng trưởng âm và mới bắt đầu dương trở lại vào tháng 5, nhưng dư nợ so với cùng kỳ năm ngoái tăng 15,6%, con số này không phải thấp. Xét theo địa bàn, tín dụng Hà Nội tăng trưởng 9,6%, TPHCM tăng 4,1%, Nam Trung Bộ tăng 6,3%. Những khu vực còn lại tăng thấp, có cụm âm.
Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank - cho biết, dự kiến đến hết 30/6, tín dụng của ngân hàng sẽ tăng 2,5% và hết năm tăng trưởng 8,5%.
Mặc dù tín dụng của Agribank tăng trưởng thấp, nhưng với đặc thù tín dụng, tệp khách hàng thì đây cũng là một kết quả tốt.
Hầu hết các lãnh đạo nhà băng đánh giá lý do lớn nhất khiến tín dụng tăng chậm là vì nhu cầu trong nền kinh tế suy yếu, bao gồm cả nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp và cả nhu cầu tiêu dùng của người dân. “Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng, điều mà MB và các ngân hàng kỳ vọng nhất là sức hấp thụ của nền kinh tế”, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng MB, bình luận tại sự kiện trên.
Chẳng hạn, ở mảng tín dụng bán lẻ của các ngân hàng, lĩnh vực được các ngân hàng cổ phần xác định là trọng tâm cho vay chính, đều bị ảnh hưởng vì nhu cầu vay mua bất động sản để ở, do kinh tế khó khăn và thu nhập người dân giảm. Tính đến hết tháng 6, MB ước tính tăng trưởng khoảng 6-6,5%, trong khi mục tiêu cả năm là 15,5%.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế khó khăn vẫn còn những điểm sáng, chẳng hạn như dòng tín dụng vẫn chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp, trong bối cảnh sự chuyển dịch sản xuất và dòng vốn FDI vẫn diễn tiến tích cực.
Tại TPHCM, tín dụng tín đến cuối tháng 5 tăng 1,93% so với cuối năm, cải thiện so với hồi tháng 4. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM đánh giá, con số này tuy không cao nhưng duy trì tăng trưởng dương liên tục từ tháng 2 đến nay với xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước.
Còn về các gói tín dụng ưu đãi trên địa bàn, thống kê cho thấy có khoảng 60.955 khách hàng doanh nghiệp tiếp cận được các ưu đãi (về lãi suất, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, cho vay mới với lãi suất thấp, cho vay lĩnh vực xuất khẩu, tăng hạn mức tín dụng…) với tổng dư nợ đạt trên 207.000 tỉ đồng, bằng 40,6% quy mô gói.
“Con số này cho thấy thực tế doanh nghiệp được hỗ trợ, dòng vốn có mục đích và địa điểm cụ thể, rõ ràng”, ông Lệnh đánh giá.
Nhiều chính sách để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Ngành ngân hàng hiện cũng đang phải chạy đua với nhiều tiêu chuẩn khác trong lĩnh vực cho vay hay các giao dịch khác. |
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, BIDV hiện có 16 gói tín dụng quy mô 80.000 - 90.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 0,5-2,5%/năm so với khách hàng thông thường. Đồng thời, trong gần 6 tháng, ngân hàng giảm lợi nhuận 3.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
"Mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp, song tín dụng gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng rất muốn cho vay, thậm chí là sốt ruột nhưng sức hấp thụ vốn kém, nên tín dụng tăng trưởng chậm. Nhìn số liệu doanh nghiệp rút khỏi thị trường hoặc tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng cao do gặp phải khó khăn thời hậu COVID-19 cho thấy sức khỏe doanh nghiệp đã giảm sút nhiều, dẫn đến cầu tín dụng giảm", ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, ngân hàng sẽ thúc đẩy các chi nhánh tích cực tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm như tổ chức làm việc, đối thoại, kết nối giữa doanh nghiệp với ngân hàng để tìm ra khó khăn, tháo gỡ vướng mắc; tiếp tục triển khai các gói tín dụng, giảm lãi suất để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo các chương trình và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Về phía Agribank, thời gian tới, ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt, các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực là động lực phát triển (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng), tiếp tục tiếp cận và đầu tư vốn đối với các dự án nhà ở xã hội, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (lúa gạo, lâm thuỷ sản).
“Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho từng đối tượng khách hàng và có chính sách lãi suất phù hợp nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, thực hiện nghiêm túc kỷ luật trong xử lý vi phạm trong công tác cho vay”, ông Vượng nói.
Đại diện Ngân hàng ABBANK cho biết, để thúc đẩy tín dụng, ngân hàng đã rà soát các khách hàng. Khách hàng nào tốt, ngân hàng chủ động tăng hạn mức; những khách hàng có cơ hội hồi phục, ngân hàng cũng mạnh dạn cơ cấu lại theo quy định; chỉ nhóm khách hàng không thể cơ cấu lại mới tập trung thu hồi nợ.
Ở góc độ quản lý, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm theo yêu cầu của Chính phủ, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết NH Nhà nước sẽ khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 nhằm bảo đảm hiệu lực thi hành luật từ ngày 1-7; đồng thời, tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng NH.
Cũng theo NH Nhà nước, các chương trình, chính sách tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; chương trình cho vay 30.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản sẽ được quyết liệt đẩy mạnh.