Cụ thể bà Thúy hỏi: Tôi là một đại lý phân phối phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại Quảng Nam. Nay giá phân bón lên 100% số với mùa trước 2020, nhưng giá nông sản, đặc biệt là giá lúa lại giảm từ 9,000 đồng xuống còn 5,300 đồng.
Cho hỏi bên Bộ sao chưa đưa ra các phương pháp giải quyết giá phân bón và thuốc? Mùa vụ kề cận, giá phân bón và thuốc cao nhưng giá nông sản thấp khiến dân bỏ ruộng hoang là rất cao.
Phương pháp giải quyết giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật? |
Về nội dung trên, Cục Bảo vệ thực vật xin trả lời như sau: Trong thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón, thuốc BVTV và một số mặt hàng khác ở thị trường trong nước và thế giới đều tăng mạnh. Nguyên nhân chính giá dầu thế giới, giá các loại nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất, chi phí vận chuyển tăng,… nên kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá không chỉ riêng phân bón và thuốc BVTV.
Giá phân bón, thuốc BVTV trong nước cũng tăng liên tiếp từ đầu năm theo biến động tăng của thị trường thế giới do thị trường trong nước và nước ngoài đã liên thông, tuy nhiên giá một số loại phân bón được duy trì ở mức thấp hơn so với giá phân bón nhập khẩu cùng loại.
Trước tình hình giá phân bón, thuốc BVTV liên tục tăng cao, Bộ NN&PTNT đã và đang triển khai nhiều giải pháp góp phần bình ổn giá phân bón, thuốc BVTV trong nước.
Trong đó, về khuyến khích, hỗ trợ sản xuất: Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, các cơ quan liên quan, các địa phương tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước tiếp tục duy trì, tối đa hóa công suất, sản xuất và cung ứng kịp thời, ưu tiên tối đa lượng phân bón đáp ứng nhu cầu trong nước.
Sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả: Bộ NN&PTNT chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và hướng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả, tránh lãng phí vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất vừa tiết kiệm vật tư đầu vào trong tình hình giá phân bón tăng cao hiện nay; áp dụng các biện pháp BVTV chỉ sử dụng thuốc BVTV thực sự khi cần thiết và khi dịch hại vượt ngưỡng phòng trừ. Bên cạnh đó áp dụng các chương trình IPM, IPHM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, ... cùng các biện pháp sinh học, canh tác nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV.
Đẩy mạnh hơn nữa việc sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ, phấn đấu đạt mục tiêu sử dụng 3 triệu tấn phân bón hữu cơ công nghiệp trong 2 năm tới. Đồng thời, cùng các địa phương khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước (phụ phẩm trồng trọt, chế biến nông sản, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt, v.v.) vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng, từ đó giảm sự lệ thuộc phân bón hóa học. Ngoài ra, Cục BVTV cũng phối hợp cùng các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất và sử dụng các thuốc BVTV sinh học, giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV hóa học.
Phối hợp các Bộ, ngành, đơn vị chức năng, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường phân bón, thuốc BVTV chống đầu cơ tăng giá, áp dụng các biện pháp hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, lưu thông để góp phần bình ổn thị trường trong nước, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiêu thụ phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước với mức giá phù hợp.
Nếu còn vấn đề chưa rõ, đề nghị liên hệ Cục Bảo vệ thực vật (điện thoại 0243.851.8194/0243.533.1562 - Phòng Quản lý phân bón; 0243.53335018 - Phòng Thuốc BVTV) để được hướng dẫn thêm.